(Báo Quảng Ngãi)- Sơn Tây là huyện miền núi nằm về phía tây của tỉnh, với diện tích đất tự nhiên 38.221 ha, dân số 18.676 người, gồm 4 dân tộc: Ca Dong, Hrê, Cor, Kinh. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 16.736 người, chiếm 89,8%. Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, tập trung phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Tô Cước, cho biết: Thông qua các nguồn vốn của Nhà nước, các chương trình, dự án... trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư trên 500 tỷ đồng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhờ đó, giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện huyện, trạm y tế xã... được kiên cố hoá, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đồng thời nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm xã...
Một góc trung tâm huyện Sơn Tây. |
Hiện Sơn Tây đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm hành chính mới ở xã Sơn Mùa để phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại V và trở thành thị trấn trong thời gian tới. “Nhờ sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, nhất trí chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, ông Tô Cước khẳng định.
Trong 5 năm (2009 - 2014) kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS ở huyện Sơn Tây có bước tăng trưởng khá, bình quân 14,5 - 14,8%/năm. Riêng năm 2014, ước tổng giá trị sản xuất 110 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so năm 2009. Trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp 79 tỷ đồng, tăng gần 33 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng 10,5 tỷ đồng, tăng 7,6 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ đạt 20,5 tỷ đồng, tăng 8,9 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách năm 2009 là 103 tỷ đồng, thì đến 2014, tăng lên 219 tỷ đồng, tăng bình quân gần 15%/năm. Thu nhập bình quân đầu người gần 6 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng/người so với năm 2009. Lương thực bình quân đầu người 361kg/người/năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện... Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 47% (cuối năm 2013) và ước cuối năm 2014 giảm còn 39,3%.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, vùng đặc biệt khó khăn như: Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 102 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ người có uy tín trong đồng bào DTTS; cấp phát các mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ dầu thắp sáng; đầu tư xây dựng các khu, điểm tái định cư; hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167... được thực hiện có hiệu quả, góp phần giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập.
Đến nay, Sơn Tây có 90% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, 84% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; từ 89 - 98% hộ dân được xem tivi và nghe đài. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Công tác giáo dục không ngừng được nâng lên. Hiện Sơn Tây có 2 trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, nhiều học sinh là con em đồng bào DTTS thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Mỗi năm huyện giải quyết việc làm mới cho từ 300 - 400 người. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân được huyện thực hiện có hiệu quả...
Có thể nói, những kết quả đạt được khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc. Trong cuộc sống ấm no hạnh phúc hôm nay, đồng bào các DTTS trên quê hương Sơn Tây anh hùng luôn tin tưởng vào sự đổi mới của Đảng, ra sức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.
Bài, ảnh: BÁ SƠN