(Báo Quảng Ngãi)- Nói đến Tây Trà, nhiều người nghĩ ngay đến “huyện nghèo nhất nước”, bởi lẽ đây là huyện miền núi do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, Tây Trà cũng hoà mình vào dòng chảy không ngừng của cuộc sống, con người và lịch sử của mảnh đất Trà Bồng quật khởi năm xưa...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hơn nửa thế kỷ qua, tại nơi diễn ra Hội nghị lịch sử Gò Rô (xã Trà Phong) - một "Hội nghị Diên Hồng” với hơn 200 đại biểu nhân dân các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi tham dự đã bàn kế sách chống giặc, ăn thề với nhau "Suốt đời đi theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng" đã có một diện mạo mới. Tuy nhiên, với những người từng tham dự hội nghị ngày ấy thì cảnh vật, không gian của mấy mươi năm trước vẫn còn như nguyên vẹn, nhất là khí thế hào hùng vẫn chưa mờ trong tâm trí. Ông Hồ Văn Bảy (xã Trà Phong) - người trực tiếp tham gia khởi nghĩa Trà Bồng vẫn còn nhớ như in những ngày lịch sử ấy. “Xã Trà Phong bây giờ là nơi đã diễn ra hội nghị lịch sử Gò Rô. Tinh thần của hội nghị Gò Rô là tiếp tục xây dựng căn cứ cách mạng, chuẩn bị lương thực và vận động bà con không đi bỏ phiếu, không theo giặc. Khi có thời cơ là vùng dậy đấu tranh”.
Trẻ em ở vùng cao Tây Trà được học tập trong ngôi trường khang trang, kiên cố. |
Sau khi Hội nghị lịch sử Gò Rô được tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân với giáo mác và vũ khí tự tạo đã đứng lên giành chính quyền, giải phóng một vùng đất rộng lớn thành chiến khu cách mạng. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cán bộ, quân và dân trong huyện đã ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Sự thay đổi không chỉ trên diện mạo chung của huyện mà ngay trong từng hộ gia đình người đồng bào Cor Tây Trà.
Từ thói quen làm nương rẫy, đến nay người dân Tây Trà đã biết canh tác cây lúa nước, đầu tư vào những cây trồng vật nuôi cho giá trị kinh tế cao như: Trồng cây nguyên liệu, nuôi bò…Nếu như 5 năm trước, cuộc sống của gia đình chị Hồ Thị Lượng ở xã Trà Phong gặp rất nhiều khó khăn, thì giờ đây, gia đình chị đã có cơ ngơi kinh tế vững vàng với đàn heo, bò 7 con, cùng với 3ha keo lai đang phát triển tốt. Gia đình chị có được cuộc sống như ngày hôm nay chính là nhờ được tạo điều kiện vay vốn, phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Từ các nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh, huyện Tây Trà đã thực hiện đầu tư vào các dự án: Giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, điện sinh hoạt, trụ sở làm việc và các công trình, dự án thuộc các lĩnh vực khác… Từ đó, cùng với việc lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu mạng lưới giao thông đã được thâm nhập nhựa; hệ thống thủy lợi được làm mới và sửa chữa; số phòng học kiên cố được xây dựng tăng thêm so với năm 2004. Đặc biệt, điện lưới quốc gia đã đến toàn bộ trung tâm 9/9 xã với 83% số hộ dân được sử dụng; có 41km đường tỉnh lộ, 59km đường huyện lộ, 13km đường liên xã, đường thôn xóm được nhựa hoá hoặc bê tông hoá.
Đồng chí Hoàng Như Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: Từ một huyện có xuất phát điểm nền kinh tế thấp, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của huyện Tây Trà đạt 9,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Thu nhập bình quân đầu người từ 0,75 triệu đồng/năm tăng lên 4,96 triệu đồng/năm cuối năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 62%.
Để giảm nghèo nhanh và bền vững, trong thời gian tới, huyện tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư của Nhà nước, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp. Chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, triển khai sâu rộng các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và có hướng nhân rộng. Tập trung giao khoán rừng để hộ nghèo chăm sóc và được hưởng lợi; kịp thời ngăn chặn việc lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy, nạn khai thác lâm sản trái phép. Có chính sách ưu đãi để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào chế biến, nâng cao số lượng và chất lượng các mặt hàng lâm sản như gỗ, nông sản sau thu hoạch để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Thực hiện đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động và tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm chuyển giao khoa học công nghệ để từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp tục đào tạo định hướng việc làm, xuất khẩu lao động nhằm ổn định thu nhập, phát triển kinh tế góp phần giảm nghèo bền vững...
Kỷ niệm 55 năm khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là dịp để người dân trong huyện ôn lại truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, đặc biệt là truyền lại ngọn lửa tinh thần Trà Bồng quật khởi để thế hệ trẻ phấn đấu học tập và làm theo, góp phần xây dựng quê hương Tây Trà ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: Thanh Thuận