(Báo Quảng Ngãi)- 49 năm. Quãng thời gian dài khiến con người ta có thể quên đi nhiều thứ. Song, đối với lịch sử của dân tộc, mà cụ thể là trận đánh Vạn Tường thì người dân Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung chẳng thể phai nhòa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tôi cùng cậu thanh niên tên Ngô Văn Thiện (25 tuổi, dân quân tự vệ xã Bình Hải) về thăm lại các di tích của trận Vạn Tường năm xưa. Tôi đã nhiều lần đến Vạn Tường. Nhưng dù một lần, hai lần hoặc chục lần chăng nữa, có lẽ niềm tự hào về lịch sử quê hương, lịch sử của dân tộc vẫn cứ dạt dào. Điều dễ nhận thấy là người dân ở khu Đông Bình Sơn, nhất là Bình Hải, Bình Hòa, nơi lưu giữ các di tích của chiến thắng Vạn Tường, như một sự mách bảo của trái tim, lớp người trước truyền dạy lớp người sau lịch sử trận Vạn Tường. Thế nên cứ đến ngày 18.8, trong mỗi người lại rạo rực niềm vui chiến thắng.
Trương Ngọc Nam tự hào thuật lại chiến thắng Vạn Tường. |
Đến Vạn Tường, tôi được nghe chính những người con của mảnh đất khu Đông Bình Sơn sinh ra trong thời bình kể về trận đánh lịch sử năm nào. Một trong số đó là chàng trai Trương Ngọc Nam (32 tuổi). Đã 8 năm Nam gắn bó với Bảo tàng chiến thắng Vạn Tường. Lương hợp đồng mỗi tháng chỉ 1,6 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu so nhu cầu chi tiêu thời bão giá. Với tấm bằng cao đẳng và sức trẻ Nam có thể “bay xa” như chúng bạn để có mức thu nhập cao hơn, nhưng không, cậu thanh niên Trương Ngọc Nam tươi cười bảo: “Biết vậy, nhưng là duyên, là nghiệp… Em gắn bó nơi đây để nói với tất cả mọi người, trong đó có bạn bè quốc tế rằng, mảnh đất quê em tuy khô cằn, nghèo khổ nhưng anh dũng, kiên cường, làm nên chiến thắng Vạn Tường vang dội”.
Đúng vào ngày này cách đây 49 năm, ngày 18.8.1965, Trung đoàn quân giải phóng Khu 5 cùng với Đại đội 21 bộ đội địa phương và dân quân hai xã Bình Hòa, Bình Hải đã anh dũng đánh bại cuộc càn quét lớn đầu tiên mang tên “Ánh sáng sao” của hơn 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ, có không quân, hải quân yểm trợ. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 919 tên địch. Bắn cháy và bắn hỏng 22 xe cơ giới các loại và 13 máy bay Mỹ.
Chiến thắng Vạn Tường là một biểu hiện sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân chống quân xâm lược của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Thắng lợi của trận Vạn Tường chứng tỏ quân dân miền Nam hoàn toàn có khả năng thắng Mỹ về quân sự trong chiến tranh cục bộ mặc dù phải trực tiếp đánh cả quân xâm lược Mỹ lẫn chư hầu và quân ngụy. Trận Vạn Tường mở đầu cao trào diệt quân viễn chinh Mỹ của quân và dân Việt Nam.
Lịch sử của cách mạng Việt Nam, của chiến thắng Vạn Tường rất đỗi quang vinh, oai hùng. Bè lũ cướp nước và bán nước, dẫu mưu mô, xảo quyệt, dẫu trang bị vũ khí tối tân, song đều bị đánh bại trước quyết tâm sắt đá và lòng yêu nước, tình đoàn kết của quân và dân ta. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù Mỹ đưa thêm mấy chục vạn binh sĩ Mỹ và cố lôi kéo thêm quân đội các nước chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này, thì quân và dân ta cũng quyết đánh thắng chúng”. Hãng AFP của Mỹ đã bình luận về chiến thắng Vạn Tường, rằng: “Trận đánh này giống như trận đánh Ô-Ki-Na-Oa trong chiến tranh thế giới lần thứ 2… Việt cộng xuất hiện từ trong các hầm hố mà lính thủy đánh bộ không trông thấy. Việt cộng xuất hiện thình lình cả đằng trước mặt và đằng sau lưng”.
Trên con đường ngoằn ngoèo, đồi dốc, xung quanh um tùm cây cối dẫn đến di tích Sở chỉ huy Trung đoàn 1 ở xóm Hải Nam, thôn Vạn Tường (Bình Hải), tôi nói vui với Thiện: “Địa hình hiểm trở thế này, hèn gì năm xưa giúp ta thắng Mỹ”. Thiện tự hào đáp: “Đúng là cha ông ta anh dũng, kiên cường. Đế quốc Mỹ sừng sỏ thế mà cũng phải thất bại…”.
Trải qua 49 năm, chiến thắng Vạn Tường vẫn còn hiển hiện ở các điểm di tích: Đồi đất đỏ Ngọc Hương, chiến hào Lộc Tự, đồi tranh Ngọc Hương, ngã ba xóm Chuối (xã Bình Hòa); đồi bằng (Vạn Tường), bãi biển An Cường, bãi biển Phước Thiện, Sở chỉ huy Trung đoàn 1 Quân giải phóng (xã Bình Hải). Dẫu thời gian cứ mãi trôi, trong tâm khảm của người dân xứ Quảng mãi không dứt lòng tự hào về chiến thắng Vạn Tường. Đó chính là một trong những nguồn nội lực để các tầng lớp nhân dân vươn lên xây dựng cuộc sống.
Rời Vạn Tường, chúng tôi mang theo niềm tự hào lẫn câu chuyện của lớp người sinh ra trong thời bình ở mảnh đất khu Đông Bình Sơn. Và, vẫn không sao quên được câu nói của Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Nguyễn Văn Hai, rằng: “Đối với cán bộ và nhân dân xã Bình Hải, chiến thắng Vạn Tường là niềm tự hào lớn lao. Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha ông, góp sức dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ