(Baoquangngai.vn)- Hầu như năm nào cũng vậy, cứ tới mùa mưa bão là tỉnh ta bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Tuy nhiên thực tế cho thấy, địa phương nào chủ động trong việc ứng phó bão lũ thì thiệt hại không lớn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bài học từ của 2013
Năm 2013 được xác định là năm thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường, cường độ lớn, bão xuất hiện sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là năm ghi nhận số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông ảnh hưởng đến nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng đạt kỷ lục trong 50 năm qua và cũng là năm kỷ lục về số cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 12 đổ bộ vào đất liền nước ta.
Đặc biệt, cơn bão số 14 (Haiyan) có sức gió mạnh cấp 15, 16 giật trên cấp 17 là cơn bão mạnh nhất đi vào biển Đông trong nhiều năm qua và đợt mưa, lũ lịch sử từ ngày 14 – 16.11.2013 trên các sông Vệ, Trà Khúc đã gây nên những thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Điều đáng nói là lũ trên các sông lên nhanh lại vào ban đêm, diện bị ngập lụt rộng nên gây thiệt hại nặng về người và tài sản trên tất cả các huyện của tỉnh, nhất là các huyện: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Ba Tơ, Sơn Hà; đồng thời, do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn đã gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều điểm trên địa bàn các huyện miền núi.
Trận lũ lịch sử tháng 11.2013 đã khiến hàng chục ngôi nhà ở xã Hành Tín Đông bị sập hoàn toàn, thế nhưng không có ai bị thương vong. |
Năm 2013, mặc dù thiệt hại do thiên tai gây ra cho tỉnh ta rất lớn với 25 người chết, 167 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại về kinh tế ước khoảng 1.829 tỷ đồng. Thế nhưng nhìn lại công tác phòng chống lụt bão năm 2013 thấy rằng, ý thức của người dân trong việc chủ động ứng phó với bão lũ đã được nâng lên rất nhiều, cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc chủ động phòng chống lụt bão.
Điển hình như trong cơn bão số 11 (NARI), vào tháng 10.2013 và siêu bão số 14 (HAIYAN), tháng 11. 2013. Ngay sau khi có lệnh sơ tán, gần 40.000 hộ dân với trên 130.000 nhân khẩu ở các địa phương đã khẩn trương di dời đến nơi an toàn. Cùng với đó, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh cũng đã có mặt tại các điểm để giúp người dân di dời và thu dọn vật dụng trong gia đình đến những nơi an toàn. Mặc dù, cả hai cơn bão không đổ bộ vào tỉnh ta, nhưng qua đợt di dời này cho thấy nhận thức của người dân về phòng chống thiên tai được nâng lên và đây cũng được xem là một cuộc diễn tập trong phòng chống bão lũ của toàn tỉnh.
Rồi đến trận lũ lịch sử ngày 14-16.11.2013, các địa phương cũng khẩn trương di dời di dời, sơ tán được 17.344 hộ/ 70.410 khẩu đến nơi an toàn để phòng tránh lũ. Nếu như trong trận lũ lịch sử này, người dân không chủ động di dời và có những biện pháp ứng phó thì những hậu quả mà mưa lũ gây ra là vô cùng lớn.
Sau mưa lũ, công tác khắc phục hậu quả cũng đã được các cấp các ngành triển khai một cách quyết liệt khẩn trương. Chính vì vậy mà dù là một tỉnh bị thiệt hại nặng do mưa bão, thế nhưng không có địa phương nào bị thiếu đói sau lũ. Hàng chục ngàn tấm lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm đã được vận chuyển đến các vùng lũ một cách kịp thời.
Sau lũ, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả do lũ lịch sử, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hàng ngàn cây, con giống cũng được ngành nông nghiệp đưa về giúp dân khôi phục sản xuất...
Phòng chống bão lũ phải sát thực tế
Theo nhận định, năm 2014 là năm mà tỉnh ta sẽ tiếp tục đối phó với nhiều trận bão lũ với cường độ lớn. Chính vì vậy, công tác chủ động phòng chống lụt bão ngay từ bây giờ là hết sức cần thiết.
Theo ông Nhâm Xuân Sỹ- Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi thì, những năm gần đây với sự biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, thời tiết cực đoan liên tục xuất hiện. Ngay từ đầu năm 2014, bão và áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện rất sớm ở biển Đông.
Dự báo trong năm 2014 có khoảng 8 - 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, ở mức thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm; Trong đó có khoảng 2 - 3 cơn ảnh hưởng đến thời tiết Quảng Ngãi. Vì vậy, cần đề phòng có những cơn bão mạnh ảnh hưởng dồn dập trong thời gian ngắn và có hướng di chuyển phức tạp. Không khí lạnh ảnh hưởng đến tỉnh bắt đầu từ tháng 10, 11 và hoạt động cường độ mạnh từ đầu tháng 12.
Bộ đội giúp dân qua những vùng ngập lũ. |
Mùa mưa lũ năm 2014 có khả năng xuất hiện từ 4 - 6 đợt lũ, lũ lớn tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11. Đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng ở mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên mức báo động 3 và ở mức xấp xỉ, cao hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 25 xã ven biển, đảo chịu tác động trực tiếp của bão; hơn 6.000 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai như sạt lở đất, núi, vùng trũng, thấp, ven song, suối… Ngoài ra, toàn tỉnh có 117 hồ chứa nước, thủy điện, trong đó hồ thủy điện Đăkring sẽ bắt đầu xả lũ vào năm 2014. Đây luôn là nỗi lo thường trực của người dân mỗi khi mùa mưa bão, chính vì vậy, nếu không chủ động có biện pháp ứng phó thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Mới đây, tại cuộc họp triển công tác phòng chống lụt bão năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, bão lũ ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, không thể đợi “nước đến chân mới nhảy”, chính vì vậy các địa phương cần chủ động sớm xây dựng phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, nhưng phải cụ thể, sát với thực tế của nhiều địa phương. Trong đó, kịch bản phải đưa ra được các tình hưống phòng chống bão, phòng chống lũ, xác định trách nhiệm của từng cá nhân trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và phải xác định được vị trí di dời, sơ tán dân đến từng hộ, thôn xóm.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc “4 tại chỗ” ở mỗi địa bàn, trong đó chú ý đến chủ động phương tiện cứu hộ, cứu nạn phù hợp với từng địa bàn để sẵn sàng ứng cứu nhân dân trong các trường hợp khẩn cấp…
Một mùa mưa bão nữa đã đến, chủ động lên phương án phòng chống sẽ góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra.
Bài, ảnh: M.Toàn