Lý Sơn: Chủ động phòng chống lụt bão

09:09, 17/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là một trong 3 huyện được tỉnh “xếp” vào diện có khả năng bị cô lập trong mùa mưa bão năm nay nên huyện Lý Sơn đã chủ động mọi phương án để ứng phó với bão.

TIN LIÊN QUAN

Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Đến nay, các phương án phòng chống lụt bão trên địa bàn huyện đã hoàn chỉnh và đã triển khai xuống tất cả các đơn vị, địa phương trong toàn huyện. Trong đó, tập trung thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão từ huyện đến xã đều được phân công nhiệm vụ và địa bàn phụ trách rõ ràng để làm tốt công tác chỉ huy tại chỗ. Về “phương tiện tại chỗ”, huyện cũng đã phân công cho từng đơn vị chuẩn bị tất cả các phương tiện cần thiết đảm bảo cho việc ứng cứu, di dời dân, gồm: Nhà bạt, phao cứu sinh, xe vận tải, xe máy đào, máy xúc, tàu cứu hộ, xăng dầu cùng nhiều phương tiện khác.

 

Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn đang  xây dựng, đảm bảo cho 300 tàu thuyền neo đậu trong mùa mưa bão năm nay.
Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn đang xây dựng, đảm bảo cho 300 tàu thuyền neo đậu trong mùa mưa bão năm nay.


Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Lý Sơn, hiện nay trên địa bàn huyện có 8 điểm nguy hiểm nếu xảy ra bão lũ, sóng lớn. Trong đó tập trung vào các vùng có nguy cơ cao về triều cường và thường xuyên bị sạt lở đất, đá gồm: Khu vực Mom Tàu của xã An Bình có 6 hộ/27 nhân khẩu, khu vực Cồn Mom của xã An Vĩnh có 30 hộ/140 nhân khẩu và khu vực ven biển thôn Đồng Hộ xã An Hải có 2 hộ/10 nhân khẩu, khu dân cư 773 xã An Hải có 47 hộ/143 nhân khẩu. Huyện cũng đã có phương án và xác định điểm di dời người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở, mất an toàn đến các địa điểm như trụ sở UBND xã, trường học, nơi cao ráo.  

Vấn đề lương thực thực phẩm cũng được quan tâm đặc biệt. Hiện tại huyện đã dự trữ 50 tấn gạo, trong đó đảo lớn là 45 tấn, tại kho của xã An Bình (đảo bé) là 5 tấn. Ngoài ra, huyện cũng vận động các doanh nghiệp và đại lý trên địa bàn huyện dự trữ 200 tấn gạo. Tuyên truyền vận động người dân dự trữ lương thực đảm bảo trong vòng 10 – 15 ngày. Riêng xã đảo An Bình  phải đảm bảo lương thực từ 20 – 30 ngày để đề phòng sóng to, gió lớn chia cắt, cô lập dài ngày.

Trên cơ sở phương án chung của huyện, các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án PCLB cụ thể cho đơn vị mình. Bệnh viện Quân dân y kết hợp chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ y tế, cơ số thuốc và bố trí cán bộ y, bác sĩ túc trực 24/24 giờ để sơ, cấp cứu kịp thời cho người dân (đặc biệt chú trọng đến xã đảo An Bình). Các cơ quan công an, quân sự thành lập đội cơ động, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển cũng như trên đất liền. Đồng thời tăng cường các thiết bị thông tin liên lạc, đảm bảo giữ vững thông tin phục vụ việc “chỉ huy tại chỗ”.

Bà Phạm Thị Hương cho biết thêm: Hiện tại huyện Lý Sơn có tổng số 427 tàu thuyền lớn nhỏ, trong đó có trên 150 chiếc thường xuyên đánh bắt xa bờ nên rủi ro trên biển là rất cao. Vì vậy, Nghiệp đoàn nghề cá hai xã An Hải và An Vĩnh thường xuyên tuyên truyền, thông báo, hướng dẫn và phối hợp với UBND các xã, Đồn Biên phòng Lý Sơn nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền và số lượng ngư dân hoạt động trên biển. Đồng thời chỉ đạo đài Icom cộng đồng thông báo tình hình diễn biến của thiên tai để tàu thuyền biết và chủ động phòng, tránh, di chuyển đến nơi an toàn.


Bài, ảnh: Hồng Hoa
 


.