(Baoquangngai.vn)- Thiếu sân chơi cho trẻ em ngày hè là chuyện không mới. Điệp khúc này cứ lập đi lập lại mãi hàng năm khiến cho không ít "người lớn" xem đây là chuyện bình thường. Thế nhưng sự bình thường ấy buồn đến tê lòng khi chứng kiến những đứa trẻ miền núi chỉ biết quanh quẩn với những trò chơi chúng tự nghĩ trong những ngày hè.
Những trò chơi "tự biên, tự diễn"
Ở miền núi, chuyện sân chơi cho trẻ em là điều rất “xa xỉ”. Hầu hết các em tự tìm, tự nghĩ cách vui chơi cho riêng mình. Đồ chơi là cây que, đất đá, vách núi, bờ sông, khe suối…Trong chuyến công tác mới đây lên huyện vùng cao Trà Bồng, Tây Trà khi chứng kiến những trò chơi của trẻ ở đây mà chúng tôi thấy ái ngại, đắng lòng.
Giữa trưa hè, tốp trẻ con ở xã Trà Phong (Tây Trà) khoảng 8-9 tuổi đứa nào đứa nấy tóc vàng hoe, da đen nhẻm vì cháy nắng cứ đầu trần, chân đất tụ tập dưới bóng cây ven đường để chơi bắn bi. Nói là bắn bi nhưng bi của các em dùng để chơi không phải là loại bi ve bằng thủy tinh hay bằng nhựa như dưới xuôi mà là các nắp nhựa của các chai nước giải khát mà các em nhặt được ở các quán nước để chơi với nhau.
"Sao không mua bi bằng thủy tinh mà chơi?"- chúng tôi hỏi. Nhanh nhảu đáp lời chúng tôi, em Hồ Văn Sang- đứa lớn nhất trong tốp cho biết: "Nhà chúng cháu nghèo, ba mẹ phải lo cơm hàng ngày nên không có tiền cho chúng cháu mua bi để chơi, chúng cháu đành phải làm nhặt nắp nhựa như thế này để chơi". Nói xong, Sang cùng hòa vào nhóm trẻ để tiếp tục trò chơi.
|
Trẻ em miền núi dùng nắp nhựa để chơi trò bắn bi. |
Cách đó không xa là nhóm của những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn cùng nhau vui chơi. Thực ra các em cũng chẳng có gì để chơi ngoài những việc ngồi nghịch đất và hái hoa dại ghép thành những hình mà các em yêu thích. "Cả ngày chúng cháu chỉ chơi mấy trò nay thôi chú ạ, chứ nhà chúng cháu làm gì có tiền mà mua đồ chơi đẹp như mấy bạn ở dưới đồng bằng!"- em Hồ Thị Nhung ở xã Trà Phong, ngại ngùng cho biết.
Nhìn những đứa trẻ vui chơi, làm cho chúng tôi cũng phải chạnh lòng. Thực tế, nếu không tự tạo ra trò chơi thì lũ trẻ ở vùng cao chẳng biết lấy gì để chơi và đi chơi ở đâu trong những ngày hè khi mà cả huyện không có lấy một điểm vui chơi. Với các em, những ngày đi học có khi lại vui hơn ngày hè vì ở trường, được thầy cô giáo tổ chức cho những trò chơi hay hơn, thú vị hơn…
Lang thang một ngày ở các xã miền núi thuộc huyện vùng cao Tây Trà không khó để bắt gặp hình ảnh các em nhỏ vui chơi trong điều kiện thiếu thốn. Mặc dù có không gian rộng nhưng trẻ miền núi vẫn rất thiếu sân chơi bổ ích, phù hợp với lứa tuổi. Bước vào kỳ nghỉ hè cũng là lúc không ít trẻ theo chân cha mẹ lên nương, rẫy để phụ giúp cha mẹ. Thế nên, do không có trò chơi cụ thể, các em thường chỉ leo cây, hoặc tắm sông, suối... Đây là những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em trong hè.
|
Nghịch đất là "trò chơi" khá phổ biến của trẻ em vùng cao |
Muốn chơi...phải trả tiền!
Thời gian gần đây, tại Quảng trường 28-8 ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) xuất hiện dịch vụ cho thuê xe xích lô mini dành cho trẻ em. Trong điều kiện thiếu sân chơi cho trẻ em hiện nay, dịch vụ này tuy chỉ mới xuất hiện ở vùng cao Trà Bồng, nhưng đã thu hút được rất nhiều khách hàng là các em nhỏ.
5 giờ chiều, cái nắng vẫn còn gay gắt, vậy mà khu vực Quảng trường 28-8 đã có khá đông các em nhỏ tham gia trò chơi đạp xích lô. Đối với các em nhỏ, được ngồi hoặc tự lái xích lô quả là một trải nghiệm thú vị. Cũng chính vì vậy mà nhiều hành khách nhí dù được chơi khá lâu nhưng vẫn không biết chán.
"Dù ở trung tâm huyện, nhưng lại không có có sân chơi cho các cháu trong những ngày hè. Từ khi có dịch vụ cho thuê xích lô này, ngày nào tôi cũng dẫn cháu ra đây để chơi, để cho cháu vui chơi thỏa thích trong những ngày hè sau một năm học căng thẳng"- chị Nguyễn Thanh Hương ở thị trấn Trà Xuân chia sẻ.
Qua quan sát của chúng tôi, tại đây có khoảng gần 40 chiếc xích lô mini các loại. Thời gian hoạt động từ 5 giờ tới 22 giờ mỗi ngày, với giá thuê xe khoảng 20.000 đồng- 25.000 đồng/60 phút.
|
Trò chơi xích lô mini khá hút khách ở vùng cao Trà Bồng, song không phải đứa trẻ nào cũng có điều kiện để chơi. |
Trong số những đứa trẻ được cha mẹ đưa đi đến Quảng trường để vui chơi, chúng tôi còn bắt gặp những đứa trẻ dù đến đây hằng ngày vào mỗi buổi chiều, nhưng chưa một lần được chơi trò chơi này. Bởi, với mức giá dịch vụ này, không phải em nào cũng có điều kiện để chơi. Nhìn những khuôn mặt háo hức, rạng rỡ của các em, chúng tôi cảm nhận được rằng đối với các em, có một sân chơi là cả mơ ước, khát khao.
Ở thành thị, suy cho cùng, dẫu chật chội các em vẫn được tạo điều kiện để có thể vui chơi trong những ngày hè. Còn ở vùng cao, có được sân chơi lành mạnh với những trò chơi kích thích tinh thần sáng tạo, phát triển toàn diện cả về trí lực lẫn thể lực cho trẻ là câu hỏi chưa có lời đáp! Điều này, phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể ở cơ sở.
PV