Kỳ 2: Nợ một lời hứa với dân
|
Dân TĐC “đói” đất sản xuất
“Từ ngày về đây ở, nhà cửa khang trang nhưng lo lắm! Ngày trước có cái đất trồng lúa, cái rẫy trồng cây keo, cây mì. Giờ hết đất rồi bà con mình chẳng biết bấu víu vào đâu cả. Không có đất vài năm nữa chắc đói ăn thôi, bởi tiền đền bù cũng hết dần. Chồng mình không có việc chi làm, lại rủng rỉnh tiền nên tụ tập đi nhậu miết. Chỉ mong có đất sản xuất thôi !” – chị Đinh Thị Xiêm (ở xã Sơn Liên) nói.
Vượt qua chiếc cầu treo dẫn về các khu TĐC Bắc Nguyên, Nước Biếc, Sờ Lác, Suối Y, xã Trà Thọ (Tây Trà) là hình ảnh những xóm “nhà giàu” hiện ra. Cách đây vài năm, nơi đây những thương lái trao đổi, mua bán hàng. Những quán nhậu, quán giải khát đông đúc người. Nhưng giờ, hình ảnh ấy được thay thế bằng cái nghèo, cái đói đang dần quay trở lại khi những đồng tiền đền bù đang vơi theo tháng ngày. “Biết làm gì đâu khi đất sản xuất không có. Còn lên rừng phát rẫy thì bị kiểm lâm, ban quản lý rừng bắt xử phạt. Giờ mong có đất trồng cây lúa lắm rồi!” – anh Hồ Văn Tăm nói.
Khu đất sẽ cấp cho người dân khu TĐC Ka La trồng lúa nước nằm đối diện trụ sở UBND xã Trà Xinh chẳng khác gì sa mạc, do không có hệ thống dẫn nước. |
Còn tại Trà Xinh, đứng từ trụ sở UBND xã hướng về phía trước là một gò đất nhấp nhô như vùng sa mạc. Thế nhưng, người dân ở đây cho biết đó là khu đất trồng lúa được Ban Quản lý Hợp phần di dân hồ chứa nước Nước Trong thi công vừa hoàn thành chuẩn bị cấp cho dân. Ngọn đồi với những dãy ruộng bậc thang trông rất đẹp, “nhưng nước ở đâu kéo về tưới cho lúa? Cây lúa sống nhờ vào lớp đất mặt thế mà người ta “cạo” lớp đất đó đi rồi hỏi cây lúa làm sao sống nổi” – anh Đinh Văn Dế, khu TĐC Ka La lắc đầu.
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Tây Trà Võ Đức Thế, mỗi lần tiếp xúc cử tri ở các khu TĐC, điều ông tiếp nhận là câu chuyện về đất sản xuất. Theo tiến độ của Ban Quản lý Hợp phần di dân hồ chứa nước Nước Trong thì trong tháng 4 - 5.2014, sẽ tiến hành đo đạc cấp đất sản xuất cho người dân. Thế nhưng đến nay đã hết tháng 6, người dân vẫn chưa có đất sản xuất. Bên cạnh đó, đối với việc cấp đất vườn rừng, hiện tiến độ quá chậm. Do đó khả năng cấp đất cho người dân trong tháng 6 - 7.2014, theo báo cáo của Sở NN&PTNT là khó có khả năng hoàn thành.
Những ngày đầu tháng 7, nắng như đổ lửa trên vùng cao Tây Trà. Những khu TĐC vắng bóng người dân. Những ngôi nhà ở khu TĐC Ka La, xã Trà Xinh cửa đóng im ỉm. Hiếm hoi mới có vài người ở nhà. Hỏi ra mới biết, người dân đang tìm lên vùng quy hoạch rừng sản xuất phát rẫy kiếm kế sinh nhai.
Ngó sang phía bên kia dòng sông Tang nay là lòng hồ Nước Trong, thuộc xã Trà Thọ là những ngọn đồi nham nhở với những mảng rừng cháy xém xen kẽ trong khoảng xanh ít ỏi còn sót lại.
Nợ một lời hứa
Khi công trình hồ chứa nước Nước Trong triển khai xây dựng, một trong những vấn đề quan trọng được đề cập là cấp 400 m2 đất/hộ dân. Thế nhưng, đến nay nhiều người dân ở các xã Trà Thọ, Trà Xinh và Trà Phong (Tây Trà )chưa nhận đủ số đất như lãnh đạo Ban Quản lý dự án đã hứa ban đầu, mà hầu hết chỉ nhận 250m2 đất trở lại. Có hộ chỉ nhận 150m2.
“Lời hứa của họ chưa được thực hiện một cách đúng đắn. Người dân chúng tôi đã chịu nhiều khổ cực khi nhường đất để xây dựng công trình lớn, nhưng giờ lại phải tiếp tục chịu thiệt thòi lần nữa. Nhiều lần hỏi địa phương thì địa phương bảo “cái đó của Nước Trong”. Vậy đó, không biết đến bao giờ chúng tôi mới được cấp đủ 400m2 đất như cam kết ban đầu. Người ta đang nợ bà con chúng tôi một lời hứa”– ông Hồ Văn Thông, xã Trà Thọ bức xúc.
Theo ông Đỗ Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, người dân hiện rất bức xúc trước tình trạng cấp đất ở theo diện TĐC tập trung không đủ. Theo quy định của Ban Quản lý thì những hộ này thuộc diện thực hiện phương án “đất đổi đất” với mức cấp tại nơi TĐC là 400m2/hộ. “Đề nghị Ban Quản lý cần xem xét bố trí đủ 400 m2 đất theo phương án. Trong trường hợp không đủ quỹ đất thì phải bồi thường cho người dân đối với phần đất chênh lệch so với quy định. Không được để người dân thiệt thòi” – ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc BQL Dự án Hợp phần di dân TĐC hồ chứa nước Nước Trong cho biết, đã hoàn thành 100% kế hoạch khai hoang 18ha đất trồng lúa. Đối với đất vườn rừng sản xuất cấp cho người dân thiếu đất sản xuất là 120ha. Hiện đã thu hồi khoảng 100ha và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ tiến hành chia đất cho dân. “Theo kế hoạch trong tháng 9.2014 sẽ hoàn thành việc chia đất sản xuất. Người dân “chê” đất sản xuất là chưa hiểu hết vấn đề. Ở đây, sau khi người dân nhận đất chúng tôi sẽ tiến hành hỗ trợ cho họ cải tạo đất sau khai hoang; hỗ trợ phân bón và cây giống. Theo thiết kế thì toàn bộ khu ruộng nào cũng có nước cả. Đối với rừng sản xuất thì hỗ trợ tiền công khai hoang” – ông Quang nói.
Ngoài ra, đối với diện tích đất ở thiếu hụt, ông Quang cho biết nguyên nhân là do quỹ đất hạn hẹp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cho chủ trương tùy theo từng địa phương cụ thể mà cấp đất cho dân TĐC ở mức thấp nhất là 100m2 và tối đa là 400m2 đất ở. Tuy nhiên, do diện tích đất đảm bảo điều kiện để ở quá ít nên chỉ có thể cấp từ 100 – 250m2. “Số còn lại chúng tôi sẽ tiến hành chi trả cho người dân bằng tiền mặt” – ông Quang cho biết thêm.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
*Kỳ 3: Nghèo vẫn hoàn nghèo