Trạm biến áp xây 3 năm vẫn chưa có điện

04:06, 26/06/2014
.

(Baoquangngai.vn)- 3 năm trước, Nhà nước đã đầu tư xây dựng tuyến cao thế và một trạm biến áp hạ thế với công suất 50 KVA đưa lưới điện Quốc gia về xóm Gò Gai, thôn An Tây, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ). Song, đến nay, bà con vẫn mỏi mòn chờ điện về làng.

TIN LIÊN QUAN

Điện với đốm
 
“Điện với đốm. Điện gì mà sáng thua cục than, ăn cơm không thấy đường mà gắp, tới mùa phải thức nửa đêm giê lúa, quần áo mặt cũng phải gom 4 đến 5 ngày mới giặt được. Khổ ơi là khổ!”- chị Lê Thị Lý kể khi đề cập đến nguồn điện sinh hoạt tại đây.
 
15 năm nay, người dân ở đây sử dụng lưới điện do hợp tác xã cung cấp. Thời gian quá lâu nó đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Trong khi đó, số hộ sử dụng lại tăng từ 20 hộ những ngày đầu lên 53 hộ, nhưng vẫn sử dụng hệ thống dây dẫn cũ với tiết diện nhỏ nên nguồn điện chập chờn, không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
 
5 giờ chiều trở đi, giờ cao điểm người dân cần sử dụng điện nhất hầu như không thể sử dụng điện để phục vụ việc thắp sáng, sinh hoạt của mình. Mãi tới khuya, khi chuẩn bị tắt đèn đi ngủ bóng điện mới chịu sáng bình thường.
 
Ban ngày, người dân phải múc nước bằng tay để sử dụng thay vì bom mô tơ.
Ban ngày, người dân phải múc nước bằng tay để sử dụng thay vì bơm mô tơ.
 
Do điện yếu nên nhiều năm qua, sinh hoạt hàng ngày của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Ở đây quanh năm suốt tháng “ăn đèn ngủ điện”. Điện chập chờn, lúc sáng lúc tắt nên nhà nào cũng thủ đèn dầu, đèn pin. 
 
Nhà nào dùng biến thế thì năm bảy nhà hàng xóm chỉ có nước thắp đèn dầu. Điện quá yếu, nhiều người mua dàn karaoke về mà chưa có cơ hội được hát một bữa cho ngon lành. Muốn xem tivi, bơm nước phải đợi đến 10 giờ đêm.
 
Mô tơ bơm nước, tivi cháy không còn là chuyện hiếm. Mua máy giặt về cũng ít có cơ hội sử dụng, nước phải xách bằng tay. Việc học của trẻ con cũng lơ là bởi chúng chẳng đủ sức để thức đợi điện. Tới mùa giặt, khi mà cả đất trời chìm vào màn đêm thì cả xóm thức giê lúa. Giờ lúa cháy đỏ đồng đành bỏ mặc chết khô.
 
Anh Đinh Văn Thanh- Trưởng xóm Gò Gai than thở: “Ở xuôi mà thua miền núi. Lên núi thấy đường sá khang trang, điện sáng bừng mình thèm. Bao nhiêu năm phải chịu cảnh nắng bụi mưa bùn, điện đài thì vậy. Không biết bao giờ chúng tôi mới hết chịu cảnh này?”.
 
Mỏi mòn chờ điện
 
Với mục đích khắc phục tình trạng trên, phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của người dân nơi đây, 3 năm trước, Nhà nước đã đầu tư xây dựng tuyến cao thế và một trạm biến áp hạ thế với công suất 50 KVA đưa lưới điện Quốc gia về xóm Gò Gai, dây điện cũng đã kéo 2 năm. Song đến nay, bà con vẫn mỏi mòn chờ điện “mới” về làng.
 
Xảy ra tình trạng trên là do chính quyền và 3 hộ dân chưa có được “tiếng nói chung”. Theo lý giãi của ông Huỳnh Ngọc Anh- Phó Bí thư Đảng ủy xã Phổ Nhơn: Đáng lẽ ra người dân ở xóm Gò Gai được hưởng nguồn điện quốc gia từ trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhưng vì vướng bởi 3 hộ dân ở khu dân cư số 2, thôn An Tây (nơi đường dây điện đi qua) nên vẫn còn ách tắc.
 
Thể là, khi nghe tin Nhà nước sẽ đầu tư lưới điện mới cho các hộ dân ở đây, vì nghĩ như các đường điện về các khu dân cư khác trên địa bàn xã đều làm ổn thỏa, không ai kiện tụng gì nên chính quyền địa phương cho triển khai lắp hệ thống trạm biến áp, kéo dây điện trước rồi lập phương án đền bù sau. 
 
Trạm biến áp đã xây dựng khoảng 3 năm nay mà vẫn chưa thể đóng điện.
Trạm biến áp đã xây dựng khoảng 3 năm nay mà vẫn chưa thể đóng điện.
 
Chẳng ngờ, hệ thống dây điện được lắp đặt khá “suôn sẻ” ngoại trừ 1 hộ dân phản đối không cho đường dây điện đi ngang vườn nhà mình nên chính quyền đành thực hiện di dời trụ điện. Thấy thế, 2 hộ hàng xóm khác cũng phản đối theo buộc phải di dời.
 
Quá bức xúc, các hộ dân ở xóm Gò Gai đã “rủ nhau” xuống tận UBND huyện Đức Phổ và được ông Lê Văn Mùi- Chủ tịch UBND huyện hứa sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng này. Đến ngày 15.6, điện lực sẽ kéo nốt đường dây điện qua 3 vườn nhà 3 hộ dân này, đến ngày 27.6 sẽ đóng điện.
 
“Chủ tịch huyện hứa vậy, chúng tôi mừng quá chừng! Lúc nào đi ngang qua trạm biến áp trong bụng cũng thầm mong đến ngày 15.6 để “trút gánh lo”- anh Đinh Văn Thanh bộc bạch.
 
Tin tưởng vào lời hứa của Chủ tịch UBND huyện, đúng ngày hẹn, 53 hộ dân đồng loạt kéo nhau đến nơi còn “bỏ trống” để hỗ trợ nhân viên điện lực kéo dây, nhằm tránh hư lúa. Ai ngờ, mọi việc vẫn chưa thể giải quyết.
 
“Giờ chúng tôi quay lại từ đầu lập phương án đền bù rồi mới kéo điện. Hy vọng vụ việc sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa”- ông Huỳnh Ngọc Anh nói.
 
 
Bài ảnh: A.Kiều-N.Viên
 

.