Phụ nữ cũng vươn khơi

09:06, 21/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Biển là lẽ sống”, câu nói của người dân xứ biển Bình Châu (Bình Sơn) khiến chúng tôi nhớ mãi. Bởi thế mà ngay cả những phụ nữ vốn “chân yếu tay mềm” cũng ra khơi mặc cho sóng biển cuồn cuộn.

TIN LIÊN QUAN

Mẻ lưới của niềm tin

Đối với nữ kình ngư ở xã Bình Châu, tinh thần bám biển mạnh mẽ như con sóng không nguôi vỗ bờ. Trên địa bàn xã hiện có hàng chục phụ nữ đi biển. Chồng lái thuyền, vợ kéo lưới… Họ miệt mài bên con sóng để mưu sinh. Ngoài khơi gió “săn” dữ dội, các chị vẫn đứng vững trên mạn thuyền, vẫn ngày ngày bám biển mưu sinh.

Chị Bùi Thị Mẫn chuẩn bị vươn khơi đánh bắt hải sản.
Chị Bùi Thị Mẫn chuẩn bị vươn khơi đánh bắt hải sản.


Trên con thuyền sắp rời bến, chị Bùi Thị Mẫn (51 tuổi, ở thôn Châu Thuận Biển) tay thoăn thoắt chuẩn bị lưới, miệng nhanh nhảu nói: “Ảnh lái xuồng, mình đánh lưới. Ảnh kéo phao, mình kéo chì. Cái nghề nó thế, cha truyền con nối”. Chị Mẫn có thâm niên hơn 15 năm đi biển. Ngay cả đấng mày râu thấy chị kiên trì bám biển cũng thầm thán phục, bởi đối với họ, vai dài sức rộng song đôi lúc còn mệt “rã người” huống hồ là phụ nữ. Anh Nguyễn Duy Tiến (chồng chị Mẫn), nhìn vợ âu yếm bảo: “Tui rất thương bả. Phụ nữ đi biển thì không gì khổ bằng”.   

Nhớ lại ngày đầu đi biển, những cơn say sóng khiến chị Mẫn rùng mình. “Tui say sóng gần nửa năm trời. Mệt như ngất đi. Nằm cho khỏe giây lát rồi lại tiếp tục đứng lên kéo lưới. Lòng cứ nao vì sóng biển, nao vì cái ăn, cái học của xấp nhỏ gửi trọn nơi mẻ lưới…”, chị Mẫn nói. Cứ độ xế chiều, chị Mẫn lại cùng chồng vươn khơi giăng lưới. Trong màn đêm, chị hì hục kéo lưới với hy vọng được nhiều tôm, cá. Có chuyến vươn khơi vợ chồng chị kiếm được hai, ba triệu đồng. Chuyến thì chỉ 500.000 đồng. Có khi chẳng một xu dính túi. Nhờ kiên trì bám biển, vợ chồng chị Mẫn nuôi 3 đứa con ăn học đàng hoàng, trong đó 2 đứa có trình độ cao đẳng.

Cũng nhờ gửi trọn niềm tin nơi mẻ lưới, chị Nguyễn Thị Tâm (44 tuổi, ở cùng thôn với chị Mẫn) nuôi 4 đứa con ăn học. Đứa lớn học Trường CĐ Hải quan; đứa kế tiếp học ĐH Bách khoa Đà Nẵng; đứa thì sắp sửa vào lớp 12; đứa út học lớp 8. Đã nhiều năm đi biển, thế nhưng chị Tâm vẫn luôn nháo nhào với những cơn sóng nước. Dẫu vậy, chị vẫn quyết tâm bám biển bởi cả 4 đứa con đều là học sinh, sinh viên có học lực xuất sắc. Chúng đang từng ngày phấn đấu trên con đường vươn tới tương lai. Chị Tâm bộc bạch: “Xứ biển thì phải làm biển. Mình vất vả để con có được cái chữ, mai này giúp ích cho quê hương”.

Hướng về đảo xa  

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm nhà những nữ kình ngư, chị  Nguyễn Thị Lý-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Châu cho biết: “Phải nói là phục mấy chị. Phải can đảm, quyết tâm lắm mới bám biển như nam giới”. Chị Lý cho hay, những ngày này, khi Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng biển của nước ta, tinh thần bám biển của ngư dân Bình Châu mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nam, phụ, lão, ấu đều hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Nhất là các mẹ, các chị, kể cả các cháu nhỏ là con em ngư dân  đều động viên chồng, cha, ông ra khơi xa giữ ngư trường truyền thống. “Mình ở bờ nhưng tinh thần cũng như đi biển, lúc nào cũng hướng về Hoàng Sa. Chồng chị đang đánh bắt ở ngoài đó. Mặc cho bị Trung Quốc bắt bớ, lấy ngư lưới cụ, ảnh vẫn quyết ra khơi. Ngư dân quê mình kiên cường lắm, quyết giữ vững bờ cõi, ngư trường truyền thống”, chị Lý nói.

Mỗi khi có tàu trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, những người vợ, người mẹ ở Bình Châu theo chồng, con ra tận cửa biển để động viên tinh thần bám biển. Chị Bùi Thị Mẫn, chị Nguyễn Thị Tâm và nhiều phụ nữ đi biển ở Bình Châu vì không có tiền đóng tàu lớn nên bám biển gần bờ, dẫu thế các chị luôn nóng lòng vươn khơi xa. Chị Mẫn nói chắc nịch: “Mình là người Việt Nam phải giữ biển Việt Nam.

Nghiệt là không có tàu lớn để ra Hoàng Sa  với bạn”. “Có tiền đóng tàu lớn vợ chồng mình cũng ra khơi xa, vừa là để mưu sinh, vừa góp sức giữ vững chủ quyền”, chị Tâm chia sẻ. Hình ảnh cảm động khiến chúng tôi không sao quên được, đó là nhà chị Tâm mặc dù khó khăn về kinh tế bởi tất cả đều lo cho việc học của các con, song vẫn cố mượn tiền mua cho bằng được chiếc ti-vi để nghe ngóng tin tức ngoài Hoàng Sa. Chị Tâm bảo: “Ba của tụi nhỏ hễ vào bờ là đi hỏi thăm tin tức ở Hoàng Sa. Nói đến Hoàng Sa, ổng nóng lòng đứng ngồi không yên”.  

Rời xã biển Bình Châu, chúng tôi mang theo tinh thần quyết tâm bám biển của người dân nơi đây như thể sóng biển dâng trào. Người có tàu lớn tiếp nối những phiên biển dài ngày. Người tàu nhỏ thì dạt dào hy vọng sẽ có tàu lớn để trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa. Những nữ kình ngư dẫu những cơn say sóng đến “ể” mình, dẫu cực nhọc không gì sánh bằng vẫn quyết bám lấy biển khơi.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.