(Baoquangngai.vn)- Trong những năm qua, thông qua các chính sách dân tộc, đời sống của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Song hiện nay, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh còn khá cao. Tại sao lại có nghịch lý khi có nhiều chính sách được triển khai, nhưng việc giảm nghèo bền vững vẫn chưa đạt như kỳ vọng?
Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao
Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng, miền, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư lớn như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình 135, Nghị quyết 30a giảm nghèo nhanh, bền vững; Quyết định 167 và các chính sách hỗ trợ khác... dành cho 62 huyện cả nước nói chung và 6 huyện miền núi Quảng Ngãi nói riêng.
Có thể thấy, việc thực hiện các chính sách về giảm nghèo cũng đã có những tác động tích cực đến đời sống, kinh tế của các hộ nghèo. Theo đó, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện…
Đến nay, tại các địa phương ở 6 huyện núi trong tỉnh đã có 59/67 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao lưu hàng hóa; 13 xã có chợ trung tâm xã; 67/67 xã có trạm y tế, trong đó có 6 trạm y tế đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dùng điện chiếm trên 90%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 77%; trên 90% tỷ lệ hộ gia đình được xem truyền hình...
Thông qua các chính sách dân tộc, đời sống người dân ở miền núi dần thay đổi, song tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng vẫn còn cao. |
Bộ mặt miền núi dần thay đổi, tình hình giảm nghèo có những bước tiến rất khả quan, song thực tế cho thấy, trong những năm qua đã có rất nhiều nguồn lực, chính sách được triển khai, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm qua từng năm nhưng tỷ lệ người dân miền núi "thủy chung" với cái nghèo vẫn còn cao. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đầu năm 2014 chiếm 41,57% và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 14,89%. Riêng tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số đầu năm 2014 là 48,82% và cận nghèo là 13,33%.
Lý giải về vấn đề này, mới đây trong buổi làm việc việc của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện miền núi với Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc nhiều đại biểu cho rằng, các chính sách được nhiều bộ, ngành đề xuất ban hành nhiều song lại do nhiều cơ quan cùng thực hiện nhưng thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đầu tư dàn trải, dẫn đến có sự chồng chéo, triển khai không hiệu quả, lãng phí cả về nguồn lực, vật lực....
"Phần lớn các chính sách đề ra và thực hiện đều có một cơ quan đầu mối riêng, tôi đề nghị nên chăng chúng ta xâu lại chung một đầu mối để dễ chỉ đạo. Bởi nếu không nó phân tán, nhỏ giọt thì sẽ gây ra sự lãng phí, không hiệu quả trong quá trình triển khai"- ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ kiến nghị.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nguồn vốn được phân bổ hàng năm để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án lại "nhỏ giọt" cùng với năng lực của bộ máy làm công tác giảm nghèo ở cơ sở còn nhiều bất cập nên mục tiêu các chương trình, dự án đề ra hầu như không đạt như mong muốn.
Cần những mô hình sinh kế bền vững
Thông qua các chính sách dân tộc, Đảng và Nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng các mô hình sinh kế nhằm góp phần phát triển sản xuất, chăn nuôi cho người dân vùng miền núi. Hiệu quả của các mô hình, sinh kế hỗ trợ cải thiện đời sống cho người dân ở miền núi mang lại trong công cuộc giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình mang lại hiệu quả thì cũng có không ít những mô hình hiệu quả mang lại so với nguồn lực đầu tư còn quá khiêm tốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.
Điển hình như mô hình nuôi heo rừng lai được triển khai thử nghiệm ở huyện Tây Trà từ năm 2010, với kinh phí 1,3 tỷ đồng trích từ nguồn vốn 30a. Mô hình hứa hẹn sẽ giúp đồng bào miền núi giải quyết bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo. Thế nhưng, qua hơn 1 năm triển khai, mô hình trên đã không mang lại hiệu quả.
Hay như, từ các chương trình hỗ trợ 135 giai đoạn 2 và nguồn vốn 30a, huyện Tây Trà cấp phát hàng ngàn gốc cây chuối mốc, chuối Đồng Nai cho người dân trồng với hy vọng là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân. Song chỉ mô hình chỉ hiệu quả trong thời gian đầu, còn thời gian hiện tại, theo đánh giá của chính quyền địa phương mô hình đã phá sản vì khó khăn trong đầu ra.
Cần những mô hình sinh kế hiệu quả để giúp người dân miền núi giảm nghèo bền vững |
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình được triển khai từ trên xuống theo kiểu đại trà, đôi khi chưa xuất phát từ nhu cầu của người nghèo. Thêm vào đó, tập quán canh tác lạc hậu không được khắc phục triệt để, công tác tập huấn kỹ thuật, giám sát yếu kém dẫn đến thất bại trong việc triển khai nhiều mô hình. Bên cạnh đó, không loại trừ nguyên nhân nảy sinh tâm lý ỷ lại của người dân khi được nhận quá nhiều chương trình, dự án hỗ trợ mà lại thiếu giám sát, thiếu điều kiện ràng buộc, đầu ra cho mô hình còn là bài toán khó…
Ông Hồ Văn Thế- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Điều kiện địa hình của các huyện miền núi Quảng Ngãi có độ dốc khá cao khác với địa hình bằng phẳng các tỉnh của Tây Nguyên cũng với điều kiện dân trí còn thấp thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… nên việc sản xuất của người dân gặp khó khăn. Vì thế cho nên cần xây dựng những mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đặc biệt là quan tâm đến đầu ra của sản phẩm.
Còn ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ nhận định: Trong điều kiện sống chủ yếu dựa vào sản xuất lâm nghiệp, song cái khó của người dân miền núi hiện nay là tình trạng thiếu đất sản xuất, vì vậy, họ không có cơ hội tạo thu nhập tiềm năng. Trong bối cảnh quỹ đất trồng cây lâm nghiệp và trồng rừng kinh tế ngày càng hạn hẹp. Chính vì vậy, làm thế nào giải bài toán đất sản xuất cho người dân miền núi nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập bền vững cho người dân là vấn đề đang đặt ra.
Giảm nghèo nhanh và bền vững các huyện miền núi Quảng Ngãi rõ ràng đòi hỏi sự nỗ lực hành động của cả hệ thống chính trị bằng những chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù, các giải pháp đồng bộ phù hợp với vùng, miền, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân trong vùng. Trong đó, cần chú trọng hay đổi tư duy trong đầu tư, hoạch định chính sách là chọn lọc các mô hình xuất phát từ thực tiễn đời sống người miền núi mang tính phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao nhằm tạo bước chuyển trong tư duy sản xuất.. để vực dậy kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống cho người dân miền núi, hướng tới giảm nghèo bền vững cho người dân.
Bảo Ngọc