Đảo Bé... nhưng không nhỏ

07:06, 02/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đảo Bé hay còn gọi là Cù lao Bờ Bãi thuộc xã đảo An Bình cách đảo Lớn (còn gọi là Cù lao Ré, gồm xã An Vĩnh và An Hải) huyện Lý Sơn khoảng 6 hải lý (10 km) về phía tây bắc. Theo các nhà địa chất, đảo Bé nguyên thuỷ có thể là một phần của đảo lớn, nhưng do một cơn địa chấn cực mạnh, một phần phía tây đảo Lớn bị tách ra và hình thành nên đảo Bé như bây giờ. Có lẽ vì thế mà nơi đây đã khắc ghi bao điều thú vị...

TIN LIÊN QUAN


Mới bước vào tháng 5 mà tiết trời trên đảo Bé nắng nóng như đổ lửa. Màu xanh cây cỏ nơi đây dường như còn rất hiếm, phần lớn đều bị cháy khô. Nơi nào còn thì lá cũng úa vàng, vì không thể vươn mình dưới cái nắng gắt kéo dài từ tháng 3 đến nay.

 

Một góc đảo Bé, huyện Lý Sơn.                                                                                                                                                      Ảnh:  TL
Một góc đảo Bé, huyện Lý Sơn. Ảnh: TL


Khắc nghiệt, khó khăn là vậy, nhưng đến đâu tôi cũng được đón nhận những ánh mắt sáng ngời, những nụ cười tươi rói, một tinh thần lạc quan từ các cụ già đến các em nhỏ. Điều đó gợi trong tôi bao suy nghĩ, nhưng có lẽ sự can trường của nghề biển đã thấm sâu vào trong máu và làm nên khí chất của người dân đất đảo này là thế mà anh Bùi Văn Huệ là một trong rất nhiều người như thế. Năm 16 tuổi, anh theo các chủ tàu ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt thủy sản. 10 năm sau, một tai họa ập đến khi anh hành nghề lặn ở gần đảo Trường Sa lớn khiến anh trở thành người tàn phế khi hai chân bại liệt do teo cơ. Trong những tháng ngày đau buồn ấy, anh đã tự mình thuần thục được đàn chó của gia đình để kéo xe lăn cho anh, nên bao năm qua anh không còn giam mình quanh vườn nhà mà còn nhận đan lưới cho ngư dân, nuôi cua đá... để tự nuôi sống bản thân.

Đặt đĩa cua đá do anh Huệ nuôi vừa hấp còn nóng hổi lên bàn, anh Nguyễn Thanh Tùng - cán bộ Văn phòng UBND xã An Bình, siết chặt tay tôi rồi nói với giọng đầy tự hào: "Gọi là đảo Bé nhưng không nhỏ đâu nha!". Đang lúc tôi chưa kịp hiểu thì anh Tùng tiếp lời: "Không nhỏ có nghĩa là lớn. Mà cái lớn ở đây là tình người, ý chí vươn lên trước mọi nghịch cảnh của người dân. Điển hình như: Việc Trung Quốc hạ đặt gian khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và có hành vi đánh, cản trở việc hành nghề hợp pháp của ngư dân nhưng cũng không ngăn cản được quyết tâm đoàn kết vươn khơi bám biển làm ăn của người dân đất đảo. Và xa hơn nữa thì nơi đây là hòn đảo tiền tiêu, có vị trí vô cùng quan trọng với đất liền".

Đúng vậy! Đảo Bé chỉ có diện tích tự nhiên 69 ha (đất sản xuất 26,8 ha). Dân cư thưa thớt, có 116 hộ với 505 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề trồng hành tỏi và ngư nghiệp. Những năm qua, đảo Bé nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước; các tổ chức xã hội và người dân đất liền. Nhưng không phải vì thế mà họ trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Họ không những  biết vươn lên trong cuộc sống mà còn biết cách lo cho tương lai. Trên đảo có duy nhất bậc tiểu học, các em theo học THCS thì phải qua đảo lớn. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn tằn tiện lo cho con vào đất liền để học.

Đến nay đã có 13 em tốt nghiệp đại học và 21 em tốt nghiệp các trường CĐ, THCN. Trong số này có hơn 10 em quay về phục vụ quê hương, như anh Nguyễn Thành Công- cán bộ quản lý đất đai xã An Bình, chị Trần Thị Hà công tác tại Trạm y tế xã, chị Ngô Thị Ngọc- giáo viên Trường Tiểu học An Bình... "Không có hạnh phúc nào bằng khi được làm việc ngay trên mảnh đất sinh ra và nuôi mình khôn lớn", chị Hà bộc bạch. Người dân đảo Bé cũng rất đỗi tự hào và lấy đó làm gương để giáo dục con cháu khi lần đầu tiên trên đảo có em Bùi Văn Kim tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh và hiện đang công tác tại tỉnh Khánh Hoà.  

Mấy năm vừa qua, đã có hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn được đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và tô thêm vẻ đẹp cho hòn đảo còn hoang sơ này. Du khách đến đây không lo thiếu chỗ nghỉ. Ngoài nhà nghỉ Minh Vy với giá 150.000đ/ngày đêm/phòng, người dân cũng sẵn sàng nhường nhà cho du khách nghỉ khi có nhu cầu. Ông Phạm Văn Trọng, người dân đảo Lớn lấy vợ và lập nghiệp ở đảo Bé hơn 20 năm nay đã không giấu được niềm vui khi trò chuyện. "Dù chưa thoả mãn hết nhu cầu nhưng chuyện khát điện, khát nước ngọt, thèm xem truyền hình và thèm được thấy người dân đất liền của dân đảo Bé hiện nay không còn bức xúc như mươi năm về trước", ông Trọng nói.

Ghềnh đá đen tuyệt đẹp ở bờ bắc đảo Bé.
Ghềnh đá đen tuyệt đẹp ở bờ bắc đảo Bé.


Đầu năm 2012, dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai. Cùng thời gian này, Nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt có công suất 100m3 nước ngọt/ngày, trị giá 1 triệu USD (khoảng 20 tỷ đồng Việt Nam) do Công ty TNHH Công nghiệp nặng DoosanVina tài trợ được xây dựng và đưa vào vận hành. Do chi phí sản xuất cao (gần 120.000đ/m3) nên mỗi tháng người dân chỉ được sử dụng tối đa 2m3 nước, với giá hỗ trợ 6.500đ/m3, còn lại ngân sách bù. Cái hay ở đây là nước tinh khiết, người dân có thể dùng trực tiếp, không cần qua đun sôi. Tuy nhiên, với giá nước đắt đỏ đó nên những chiếc lu xin lộc trời vẫn hiện hữu trong đời sống thường ngày của người dân.

Theo anh Trần Văn Hoằng- Bí thư Đảng uỷ xã An Bình, cuộc sống người dân tuy có nâng lên nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn chiếm trên 55%. Đây cũng là trăn trở của Phó Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Minh trong chuyến ra thăm đảo Bé đầu tháng 5.

Đồng chí Phó Bí thư, nói: Ngay từ bây giờ, xã phải chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành lập quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch trên đảo. Nơi đây không chỉ có thiên nhiên hoang sơ mà còn có ghềnh đá đen tuyệt đẹp ở bờ bắc đảo được hình thành từ nham thạch núi lửa hàng chục triệu năm trước; có bãi cát trắng, nước biển trong xanh. Nước từ nhà máy xử lý nước biển cũng có thể đóng chai phục vụ người dân đảo Lớn, khách du lịch ra đảo..." Gợi ý đấy của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ khiến chúng tôi không thể không suy nghĩ được, nếu như muốn đảo Bé ngày một lớn hơn, vững hơn giữa trùng khơi sóng gió", anh Hoằng bộc bạch.
 

Bài, ảnh: P.Đức


 


.