(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu phải vượt qua muôn trùng sóng gió, nhất là khi Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động ngang ngược để uy hiếp tinh thần, nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên quyết bám biểm. Khi ngư dân ra khơi, trong đất liền những người mẹ, người vợ của họ đang ngày đêm gửi gắm bao hy vọng, trông đợi vào các phiên biển. Họ là hậu phương vững chắc để các ngư dân luôn yên tâm bám biển.
TIN LIÊN QUAN
Căn nhà khang trang của vợ chồng ngư dân trẻ Nguyễn Thanh Biên (32 tuổi, xóm Gành Cả xã Bình Châu (Bình Sơn) là thành quả của những chuyến đi biển dài ngày. Tất bật đón con đi học về, chuẩn bị bữa cơm chiều, chị Nguyễn Thị Dung - vợ anh Biên cho biết: Anh Biên đã theo tàu ra khơi ngày 6.5. Trước mỗi lần anh Biên ra biển, chị Dung đều tự tay chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các vật dụng, lương thực, nước ngọt cho chồng. Buổi tối, thông qua I-com, anh Biên đều liên lạc, thông báo tình hình, tin tức cho vợ con biết. Dẫu xa cách giữa đất liền và biển khơi, nhưng tình cảm gia đình lúc nào cũng được chia sẻ khiến khoảng cách, thời gian như được rút ngắn lại hơn.
Những người vợ, người mẹ đảm đang là hậu phương vững chắc để các ngư dân yên tâm bám biển. |
Tàu ra khơi cho đến lúc trở về thường là một tháng. Về nhà nghỉ ngơi được vài hôm, anh Biên lại tiếp tục lên đường. Để chồng yên tâm bám biển, chị Dung quán xuyến hết mọi việc nhà. Lúc nào nhắc về chồng, chị Dung cũng kể với giọng tràn đầy sự yêu thương.
Chị Dung cho biết thêm, hai lần chiếc tàu của gia đình bị bắt, nhưng vợ chồng chị vẫn cố gắng xoay sở để tiếp tục vươn khơi. Bởi chị hiểu một điều, nghề biển là nghề truyền thống của cha ông, mình còn trẻ phải luôn gìn giữ và phát huy. Chị Dung chỉ những vỏ sò, vỏ ốc... được trưng bày trang trọng trong phòng khách, tự hào kể, đấy là những quà tặng của biển khơi được anh Biên mang về. Chị giữ gìn cẩn thận như minh chứng cho tình yêu đã gắn bó 11 năm của hai người và như một lời hứa sắt son sẽ luôn là hậu phương vững chắc để anh Biên vững chãi nơi biển khơi.
... Kiên quyết bám biển
Vùng quê biển Bình Châu những ngày này xôn xao câu chuyện về hai ngư dân là Nguyễn Tấn Hải và Nguyễn Hiền Lê Anh bị phía Trung Quốc đánh trọng thương. Bà Nguyễn Thị Liêm (vợ của chủ tàu Nguyễn Văn Quang) cho biết, chuyến tàu ra khơi mùng 2.4 âm lịch, trên tàu có 14 người. Ngoài bạn tàu, còn lại là anh em, bà con với nhau. Bà Liêm có hai người con trai là ngư dân trẻ Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Trung cùng tham gia trên chuyến tàu ấy. Những ngày tàu ra khơi, chiếc điện thoại luôn được bà Liêm giữ bên người để liên lạc với các con.
Khi Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền biển đảo của đất nước, bà Liêm luôn bật ti vi để theo dõi thông tin thời sự, thông báo cho các con biết tình hình. Dẫu bất bình trước những hành động của Trung Quốc, nhưng khi được hỏi tàu có tiếp tục ra khơi không, ông Quang, bà Liêm ngay lập tức khẳng định chắc nịch: “Đi chứ! Tàu sửa xong rồi, mình phải tiếp tục bám biển đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”.
Những người như chị Dung, bà Liêm dẫu chưa một lần đến Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng với họ vùng biển này thật gần gũi, thân thuộc. Bởi chồng, con họ đã gắn bó lâu dài với các vùng biển này.
Trong các câu chuyện sống động của ngư dân về những tháng ngày trên biển, họ luôn nhắc về Hoàng Sa, Trường Sa cho vợ con mình biết. Hoàng Sa, Trường Sa đã ban tặng những luồng cá ngon, sản vật quý cho ngư dân, đồng thời đây còn là vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dẫu gặp phải nhiều hiểm nguy, bất trắc, những người vợ, người mẹ vẫn luôn động viên, ủng hộ chồng con mình bám biển. Bởi các chị luôn vững tin rằng, những chiếc tàu của gia đình mình là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển bảo. Các ngư dân còn là những “người lính” can trường góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.