Tây Trà: Hạn hán đến sớm

09:03, 05/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đầu vụ sản xuất đông xuân, nhưng tình trạng khô hạn ở Tây Trà đã xuất hiện. Nước trên các sông, suối cạn kiệt. Lúa và hoa màu thiếu nước, nhiều nơi trở nên vàng quạch. Nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng bắt đầu trở nên hiếm hoi.

TIN LIÊN QUAN

Chắt chiu nước cho lúa

Cánh đồng rộng nhất huyện miền núi Tây Trà nằm ở xã Trà Phong mới xanh cây, bén rễ được một thời gian ngắn đã phải chịu cảnh thiếu nước. Nước không đủ làm cho lúa vàng vọt, cỏ dại phát triển mạnh, chuột, sâu bệnh cắn phá. Nhiều nông dân bám đồng từ sáng sớm đến chiều tối để vét mương, tìm nước cho lúa. Nước dẫn về đến đâu, tranh thủ nhổ cỏ, tỉa dặm. Họ lo cho bát cơm mùa tới không được đầy nữa vì thiếu nước, lúa hẳn sẽ mất mùa. Chị Đinh Thị Xây, thôn Trà Niêu, xã Trà Phong bảo: “Cả nhà mình đã vét mương thông thoáng nhưng nước chảy về ruộng yếu lắm. Tại cái suối đầu nguồn nó cạn nước rồi!”.

 

Nước ở các khe suối bắt đầu cạn kiệt.
Nước ở các khe suối bắt đầu cạn kiệt.


Tây Trà là địa phương diện tích lúa nước ít nhất tỉnh (khoảng 100 ha). Cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” ở xã Trà Thọ nay đã nhường cho công trình hồ chứa nước Nước Trong. Diện tích ruộng bị thu hẹp khá lớn, ngành nông nghiệp Tây Trà đã đề ra nhiều chương trình cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng suất cho cây lúa nhưng mãi vẫn chưa thành hiện thực. Bởi địa hình phức tạp, diện tích manh mún, thiên tai ngày càng gia tăng và cả thói quen “sản xuất lúa chay” không bón phân, chăm sóc không đúng kỹ thuật của chính nông dân… nay lại thêm nguồn nước tưới bị thiếu trầm trọng do lượng nước đầu nguồn từ sông, suối tụt giảm bất thường.

Con sông Hà Riềng – “bể nước” lớn nhất huyện, cung cấp lượng nước tưới cho gần như toàn bộ diện tích lúa nước và hoa màu ở Trà Phong, nay được chia làm hai đoạn “khô” và “nước”. Đoạn phía trên đập tích nước của thủy điện, nước mênh mông như biển nên diện tích lúa ở khu vực này được cung cấp nước đầy đủ, xanh tốt. Phía dưới bờ đập là hình ảnh “dòng sông chết” với đá cuội ngổn ngang, trơ đáy. Diện tích lúa và hoa màu ở khu vực này vì thế cũng “chết” theo sông.

Báo động thiếu nước sinh hoạt

Lên Tây Trà vào thời điểm mùa hạn chưa tới, nhưng hầu hết hệ thống nước tự chảy ở các khu dân cư đã không còn nước để chảy về nhà dân nữa. “Bể chứa đầu nguồn khô cạn. Người dân phải xuống suối lấy nước về dùng” – ông Đinh Văn Thong, già làng thôn Trà Ót, xã Trà Quân cho biết. Bể chứa nước thôn Trà Ót mấy năm giờ này tràn đầy, nước dùng không hết. Nhưng năm nay con suối từ Cà Nhút dẫn về đã bị các đối tượng đào đãi vàng trái phép gây sạt lở, vùi lấp, nước không có lối về làng nữa.

Tại địa bàn xã Trà Xinh – phía bờ nam của hồ chứa nước Nước Trong, tình trạng khô hạn càng nghiêm trọng hơn. Nước ở các con suối thượng nguồn cạn, người dân phải đi bộ tương đối xa ra con sông Tang để lấy nước về dùng. Thế nhưng, con sông này hiện nay đỏ quạch bởi lượng bùn đất phía thượng nguồn ở Nam Trà My (Quảng Nam) xả xuống.

Không thể dựa vào nước sông Tang được nữa, người dân phải đi bộ vào rừng tìm đến các khe suối, dùng can nhựa hứng nước, cõng ra đường lớn chở bằng xe máy về nhà. Chị Đinh Thị Veo ở thôn Trà Kem vừa đi lấy nước về, đặt can nước xuống sân, lưng áo đẫm mồ hôi, bảo: “Ống dẫn nước không còn nước chảy về. Sông thì đục. Còn con suối nhỏ nước trong thì ở tít trên đồi cao, phải đi xa mới lấy được nước uống. Mất thời gian, mệt nhiều lắm!”.

Ông Nguyễn Trung Tập – Bí thư Huyện ủy trăn trở: “Nguồn nước sông, suối ngày càng khô cạn là do rừng bị tàn phá. Mùa khô hạn năm nay có lẽ người dân sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn mọi năm”. Thế nhưng, tìm giải pháp nào để giúp dân có nguồn nước đảm bảo vệ sinh, đủ đáp ứng nhu cầu thường nhật thì vẫn là bài toán khó đối với Tây Trà.

Hệ thống nước tự chảy thì đang gần như tắc tị. Hệ thống giếng đóng, giếng đào chưa có. Nguồn nước từ sông thì cũng đang cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng. Chỗ  dựa duy nhất có lẽ chỉ còn lại từ các khe suối nhỏ tận non cao. Để đưa nguồn nước này về nhà, người dân phải dùng sức để cõng. Và không phải ai cũng đủ sức để làm nổi việc này…

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.