Tây Trà mùa giáp hạt

01:12, 24/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tây Trà đang mùa giáp hạt. Thiếu lương thực cộng với nhà ở tạm bợ làm cho đời sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số rơi vào cảnh khó khăn. Về Tây Trà trong mùa giáp hạt không khí thật vắng vẻ...

TIN LIÊN QUAN

Chặt lồ ô đổi gạo

Trên các con đường liên xã ở Tây Trà, từng tốp người tay cầm rựa vác những bó lồ ô khá nặng. Anh Hồ Văn Hiền, thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, bảo: "Nhà hết gạo nên phải vào núi chặt lồ ô đem ra khu vực trung tâm huyện bán lấy tiền mua gạo". Chị Giang, vợ anh Hiền tiếp lời: "Ruộng nhà mình chỉ làm được một ang lúa giống. Vụ vừa rồi con chuột nó phá, nên chỉ thu được hai bao lúa. Số lúa gạo đó nấu độn củ mì chỉ đủ ăn hai tháng thôi! Giờ, con cái đói rồi nên vợ chồng phải cực thôi".

 

Những đợt mưa lũ vừa qua làm cho nhà anh Hồ Văn Hiền bị sạt vách, tốc mái.
Những đợt mưa lũ vừa qua làm cho nhà anh Hồ Văn Hiền bị sạt vách, tốc mái.


 Khi hỏi chặt lồ ô ở đâu, anh Hiền chỉ về phía núi cao: "Ở con suối bên kia núi ấy. Những con suối gần xóm, bà con chặt sạch lồ ô rồi". Những năm gần đây cây lồ ô được tư thương thu mua làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm đũa, làm ván ép. Nhiều người chặt lồ ô bán khiến diện tích rừng lồ ô giảm đáng kể. Giờ, trong thời điểm giáp hạt, đồng bào lại đi lùng sục đốn chặt nên rừng lồ ô càng ít hơn.

Dọc thôn Trà Nga (Trà Phong) và khu vực quanh trung tâm huyện lỵ Tây Trà có khá nhiều lồ ô được chất đống, một số đang chuyển lên xe tải. Anh Hồ Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Trà Phong, cho biết: "Mỗi cây lồ ô bà con bán được 6.000 đến 7.000 đồng. Cây lớn thì bán được từ 10.000 - 12.000 đồng. Quy đổi, sau một ngày đi rừng, bà con kiếm được 6 - 7 kg gạo".

Chuyện chặt lồ ô đổi gạo trong mùa giáp hạt của người dân Tây Trà đã diễn ra nhiều năm rồi. Sau mùa mưa bão, nhiều tuyến đường giao thông ở Tây Trà bị tắc nghẽn, hàng cứu trợ chưa về đến nơi, đồng bào lại lên núi chặt lồ ô về bán. Già Hồ Văn Biên - thôn Trà Nga, lo ngại: "Ở đây, ruộng đất quá ít nên năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 11, tháng 12, bà con đổ xô lên núi chặt lồ ô đổi lấy gạo. Lồ ô bị đốn chặt quanh năm chắc không bao lâu nữa cũng hết. Tôi xem ti vi thấy các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, đồng bào đã trồng cây keo làm giàu nên khuyên con cháu nên trồng keo như họ".

Ở một số góc vườn của đồng bào Cor Tây Trà bây giờ đã có những vườn ươm keo giống nẩy mầm xanh tốt. Anh Hồ Văn Mến ở thôn 7, Trà Xinh đã ươm 10.000 cây. Đến nay anh đã xuất bán cho dân trong vùng được 6.000 cây. Số còn lại anh dự định trồng trên đất rẫy đã trồng mì. Anh Mến nói: "Trồng lúa thu hoạch chỉ ăn trong hai tháng đã hết. Trồng mì khi thu hoạch bán, xa nơi mua nên chẳng được bao nhiêu. Năm nay, thấy bà con trồng keo mình cũng tranh thủ trồng".

Hơn 1.400 ngôi nhà chờ kinh phí

Mùa giáp hạt ở Tây Trà người nghèo không chỉ khó nhọc lo cho cái ăn, mà sau những đợt bão lũ nhà của những hộ nghèo dột nát hơn. Nhiều hộ đồng bào bộc bạch: Thiếu ăn  có thể vào rừng chặt lồ lô bán kiếm tiền đong gạo hoặc ăn củ mì. Nhưng nhà mà dột nát thì mưa xuống là khổ lắm. Anh Hồ Văn Hiền (xã Trà Xinh), than: "Hai vợ chồng ra ăn riêng. Cha mẹ cho cái rẫy, vài đám ruộng chỉ đủ gieo vài ang giống. Tiền không có nên nhờ bà con vào rừng sâu chặt cây, lấy lá là ru, dây mây để về dựng nhà. Ở được hai năm thì ngôi nhà đã dột nát. Đợt mưa lũ vừa qua lại bị tốc mái, hai vợ chồng phải thức thâu đêm. Sau đó phải mất ba ngày liên tiếp đi cắt lá rừng về lợp lại".

Theo thống kê của UBND huyện Tây Trà, đến thời điểm này, toàn huyện có hơn 1.400 hộ rơi vào cảnh như anh Hiền. Nhiều người khó khăn về nhà ở vì mới tách hộ hoặc nhà tạm bợ sau mưa bão bị sụp đổ, tốc mái. Những hộ này nằm trong diện xây nhà theo Chương trình 167 từ năm 2012, với kinh phí gần 33,80 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh, Quỹ vì người nghèo, vốn cộng đồng, dòng tộc và vốn vay ưu đãi. Bình quân mỗi căn nhà được hỗ trợ 24 triệu đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của ngành chức năng huyện Tây Trà, số tiền này không đủ để xây dựng một ngôi nhà có diện tích trên 24m2. Bởi vì ở Tây Trà địa hình phức tạp, chi phí vận chuyển, tiền công thợ quá cao... Làm được căn nhà 24m2 phải tốn 36 triệu đồng, trong khi kinh phí từ các nguồn chưa có nên bà con phải tiếp tục sống trong những căn nhà hư hỏng, dột nát.

 Nhà cửa dột nát, thiếu lương thực đang là khó khăn của nhiều hộ đồng bào dân tộc ở huyện Tây Trà. Cũng có những chuyến hàng cứu trợ về địa phương nhưng "tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống" nên sự khổ nghèo đang xảy ra. Điều này cho thấy, ngoài sự trợ giúp của tỉnh và Trung ương, chính quyền và người dân Tây Trà cần phát huy nội lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương, dốc sức cho công tác xóa đói giảm nghèo.  
  

 Bài, ảnh: MAI HẠ   
 


.