Hiệu quả từ mô hình "Hũ gạo tình thương"

10:03, 12/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mô hình “Hũ gạo tình thương” của chị em phụ nữ xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) đã gây dựng từ 3 năm qua, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình thoát khỏi cái đói và qua cơn hoạn nạn, nhiều gia đình khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN


Mô hình “Hũ gạo tình thương” đã được Hội LHPN xã Nghĩa Thương phát động từ 3 năm nay và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các chị em hội viên phụ nữ. Năm 2012, Hội LHPN xã Nghĩa Thương thu nhận được hơn 1.500 kg gạo và năm 2013 thu nhận được hơn 1.600 kg gạo tại 22 hũ gạo đặt ở 22 máy xay xát trên địa bàn xã, hỗ trợ cho hơn 100 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Từ mô hình hũ gạo tình thương đã giúp cụ Bường có cái ăn hằng ngày.
Từ mô hình hũ gạo tình thương đã giúp cụ Bường có cái ăn hằng ngày.


“BCH Hội LHPN xã Nghĩa Thương đã áp dụng và thực hiện nhiều hình thức tiết kiệm để gây quỹ hỗ trợ cho một số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đạt hiệu quả không cao. Để thay đổi hình thức hoạt động có hiệu quả, Hội đã chọn máy xay xát của ông Võ Văn Bình làm điểm để xây dựng mô hình Hũ gạo tình thương. Số gạo thu được, Hội đã hỗ trợ cho chị Nguyễn Thị Đường, thôn La Hà 3 mắc bệnh hiểm nghèo. Thấy được ý nghĩa của việc làm trên, nên nhiều chị em phụ nữ đã nhiệt tình ủng hộ. Trước hiệu quả của mô hình này, năm 2012, hội tiến hành đặt 22 hũ gạo tại 22 máy xay xát trên địa bàn xã”, chị Lê Thị Ngọc Ánh- Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Thương, cho biết.

Từ khi đặt hũ gạo tại 22 cơ sở xay xát trên địa bàn xã, chẳng ai bảo ai, mỗi lần đi xay xát các chị đều bớt lại một hoặc hai nắm gạo bỏ vào Hũ gạo tình thương. Bà Dương Thị Hồng (50 tuổi)- chủ máy xay xát ở thôn La Hà 3 cho biết: “Sau khi đặt hũ gạo tại máy xay xát của gia đình tôi, nhiều người đã chủ động góp gạo.

Tuy nhiên cũng có một số người e ngại số gạo tiết kiệm được sẽ không đến tận tay người cần được giúp đỡ. Thấy vậy vợ chồng tôi đã giải thích cặn kẽ quy chế tổ chức và hoạt động của hũ gạo tình thương nên nhiều người an tâm và hưởng ứng mô hình này”. Ðịnh kỳ hàng tháng, số gạo tình nghĩa này sẽ được trao tận tay cho những hội viên nghèo, những hội viên có hoàn cảnh không may mắn trong cuộc sống. Ðến nay, các chị em hội viên đã quyên góp hơn 3.000 kg gạo giúp đỡ được nhiều hộ nghèo trong xã. Vợ chồng cụ Phan Thị Bường (77 tuổi), thôn La Hà 2 là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp đỡ.

Hai vợ chồng cụ Bường tuổi đã cao, các con có gia đình và ra ở riêng, kinh tế cũng khó khăn nên không giúp được ba mẹ nhiều. Hai vợ chồng cụ phải sống nhờ vào tiền trợ cấp. Chính vì vậy khi có nguồn hỗ trợ nào là phụ nữ xã đều ưu ái xét cho vợ chồng cụ. “Nhờ sự quan tâm của các cô trong Hội phụ nữ thôn nên gia đình mới có gạo để ăn. Bà con hàng xóm thương cảnh vợ chồng già sống nương tựa vào nhau nên thỉnh thoảng cũng cho tiền mua mắm”, cụ Bường bộc bạch.

“Số gạo này tuy không nhiều nhưng đối với hoàn cảnh gia đình cụ Bường cũng như nhiều phụ nữ nghèo khác là cả một nguồn động viên lớn. Mỗi lần trao gạo hỗ trợ cho chị em hội viên cũng là thêm một hội viên được giúp đỡ. Đấy là nguồn động viên lớn lao giúp chúng tôi tiếp tục cống hiến sức mình để mô hình ngày càng được nhân rộng nhằm thu gom được lượng gạo nhiều hơn để giúp đỡ cho những hoàn cảnh không may ấy”, chị Trương Hồng Minh - Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn La Hà 2, tâm sự.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.