(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015 tại Quảng Ngãi đã đi được nửa chặng đường. Với mức đầu tư gần như toàn diện, nhưng nhiều chương trình, chính sách hiệu quả chưa tương xứng.
Nhiều chính sách chưa đạt mục tiêu và khó thực thi
Chương trình, chính sách giảm nghèo ở miền núi Quảng Ngãi đang “bao cấp” gần như toàn diện các mặt của cuộc sống thường nhật: Đất ở, đất sản xuất, nhà ở, gạo ăn, muối, dầu hỏa, miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập, hỗ trợ tiền điện thắp sáng, cây con giống; đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm... Thế nhưng, thực tế, không ít chính sách khi triển khai thực hiện chưa đạt mục tiêu “giảm nghèo bền vững”. Ông Nguyễn Hữu Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bao (Sơn Hà) cho biết: “Mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chính sách này không đạt được. Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh”.
Đường giao thông ở miền núi xây dựng từ nguồn vốn giảm nghèo bền vững. |
Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, mức hỗ trợ 15.000 đồng/học viên/ngày chưa đủ để người học có một bữa cơm trưa cho ngày học hôm đó. Vì thế không khuyến khích được người dân tham gia học nghề. Đồng thời, việc chọn nghề để đào tạo cũng còn nhiều bất cập, “học không đi đôi với hành”. 3 năm qua, toàn tỉnh có 1.653 người nghèo được đào tạo nghề. Nhưng, hầu như toàn bộ số người này đều không tìm được việc làm ổn định để có thể “giảm nghèo bền vững” sau đào tạo.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực thi. Song, trong thực tế, vẫn còn nhiều chính sách chưa thực hiện được. Nguyên nhân do kinh phí bố trí không đúng kế hoạch được phê duyệt. Cụ thể như nguồn hỗ trợ trợ giúp pháp lý cho người nghèo, hỗ trợ khuyến nông - lâm - ngư; hỗ trợ nước sinh hoạt, đất sản xuất, dạy nghề cho người nghèo và hỗ trợ người nghèo thụ hưởng văn hóa thông tin. Việc thực hiện hỗ trợ này lâu nay được tỉnh vận dụng lồng ghép với các chính sách khác.
Quá “bao cấp”
Nhìn lại 16 chương trình, chính sách giảm nghèo đang có hiệu lực trong thực tế, đã xuất hiện tình trạng quá… bao cấp. Gần như những thiết yếu của cuộc sống đều có trong chính sách dành cho người nghèo. Theo tính toán, mỗi năm hộ nghèo được hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp tới 20 triệu đồng/hộ. “Bao cấp quá nhiều đã tạo nên tính ỷ lại. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh, làm sao cho chính sách giảm nghèo đạt được mục tiêu giảm nghèo” – ông Dương Viết Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà đề nghị.
Việc có quá nhiều chính sách cũng tạo ra tình trạng “chính sách chồng lên chính sách”. Đơn cử như hỗ trợ con giống, nhiều chính sách cùng quy định nhưng mức hỗ trợ rất khác nhau. Ví dụ hỗ trợ heo giống theo Chương trình 30a trọng lượng 20kg, nhưng nếu theo Chương trình 135 thì trọng lượng 10 kg... Hoặc việc khoán chăm sóc bảo vệ rừng, chính sách 135 là 100.000 đồng/ha; nhưng chính sách 30a là 200.000 đồng/ha... Chính vì vậy đã xảy ra “tác dụng ngược” của chính sách.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, do sự “bao cấp” quá mức đã dẫn đến tình trạng người nghèo ỷ lại, không chủ động vươn lên mà chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ chính sách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích cho rằng: “Một bộ phận người nghèo không muốn thoát nghèo, thậm chí có tình trạng đấu tranh để được vào danh sách hộ nghèo, nhằm thụ hưởng chính sách của Nhà nước”. Đây là vấn đề cần được điều chỉnh.
Nghèo thêm sau lũ
Theo thông lệ, tháng 10 hằng năm việc bình xét, chọn hộ nghèo hoàn tất. Lũ lịch sử xảy ra vào thời điểm giữa tháng 11, tức là khi nhiều địa phương đã hoàn tất công tác bình xét hộ nghèo. Nếu không có “cơ chế đặc biệt” xét bổ sung, thì hàng ngàn hộ nghèo vùng lũ sẽ không được thụ hưởng chính sách dành cho hộ nghèo.
Người dân Sơn Giang (Sơn Hà) xây lại nhà bị lũ làm sập. |
Ông Nguyễn Minh Tâm – Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) nhẩm tính: “Sau lũ, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã tăng lên gấp đôi. Trước lũ, xã chốt danh sách gửi về cho huyện chỉ có 226 hộ nghèo. Nhưng nay, số hộ nghèo đã tăng lên hơn 500 hộ do sau lũ họ bị mất hết tài sản, nhà sập, trâu bò trôi, ruộng vườn bị bồi lấp, không còn kế mưu sinh”. Ông Lê Ba, thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây vừa được khu dân cư xét thoát nghèo cách đó ít hôm thế mà nay đã “rơi” xuống hộ nghèo. Ông Ba lo lắng: “Tôi vừa được xét thoát nghèo hôm 5.11. Mười ngày sau toàn bộ tài sản của gia đình tôi bị lũ cuốn sạch, giờ chẳng còn gì để làm kế mưu sinh. Nghèo hơn trước đây nữa rồi!”.
Đối với người dân miền núi, sau lũ cuộc sống còn khó khăn hơn. Nhiều hộ bị sập nhà đến nay vẫn còn ở nhà tạm; trâu bò, gà vịt nước lũ đều cuốn sạch. Nỗi lo sau lũ thêm nặng khi đồng ruộng bị bồi lấp, mì, mía thất thu, khó có khả năng tái sản xuất. “Mười năm làm, một đêm lũ cuốn, trắng tay. Mới thoát nghèo giờ lại phải xin trở lại hộ nghèo để mong được Nhà nước cưu mang, hỗ trợ” – già làng Đinh Văn Pin, thôn Xà Nay, xã Sơn Nham (Sơn Hà) nghẹn ngào nói.
Theo thống kê của UBND tỉnh, thời điểm trước lũ, Quảng Ngãi có khoảng 47.000 hộ nghèo. Thế nhưng sau lũ lịch sử, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn gia tăng thêm 1%, tương đương khoảng gần 4.000 hộ. Số hộ gia tăng này hiện nay vẫn “nằm ngoài” danh sách hộ nghèo do địa phương trình lên cơ quan có thẩm quyền. Lý do phát sinh sau khi các địa phương đã chốt danh sách hộ nghèo năm 2013.
Ông Trương Đình Đức – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Theo quy định, việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo thực hiện vào ngày1.10 hằng năm. Lũ xảy ra vào ngày 15.11, nên số hộ nghèo sau lũ chắc chắn không có tên trong danh sách hộ nghèo đã được xét. Mỗi năm chỉ xét hộ nghèo một lần. Nếu không được bổ sung thì năm sau 4.000 hộ này mới được xét công nhận hộ nghèo để hưởng chính sách.
Lũ đi qua, cái nghèo như vây chặt lấy người dân vùng lũ. Triệu triệu tấm lòng đang hướng về vùng lũ Quảng Ngãi. Chính sách hộ nghèo dành cho 4.000 hộ nghèo vừa phát sinh sau lũ cũng là sự sẻ chia có ý nghĩa, thiết thực giúp họ có thêm điều kiện ổn định cuộc sống. Vì vậy, việc cơ quan có thẩm quyền cho phép bổ sung số hộ nghèo trên là hợp lý, chính đáng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...
Bài, ảnh: Thanh Nhị