(Báo Quảng Ngãi)- Xác định xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) là một trong những chương trình công tác lớn nên huyện Sơn Tây đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đầu những năm 2000, Sơn Tây là một trong những huyện có cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế kém phát triển, trình độ dân trí thấp, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo còn khá cao. Cụ thể là, năm 2005, tỷ lệ hộ đói nghèo trên địa bàn huyện chiếm 85,97% tổng số hộ, cá biệt có nơi chiếm 92%.
Diện mạo mới ở khu dân cư Nước Vương, xã Sơn Liên. |
Trong đó, gần như 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo. “Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và tập quán canh tác của người dân lạc hậu, thiếu vốn sản xuất, đất canh tác và tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước vẫn còn nặng nề…”, ông Lê Văn Tùng- Chủ tịch UBND huyện nói. Ông Đinh Văn Vế - Trưởng thôn Ra Bâng, xã Sơn Long cho rằng: Hiện ở Ra Bâng còn 80/110 hộ nghèo. Nguyên nhân là thôn tuy có diện tích tự nhiên lớn, nhưng phần lớn là gò đồi, địa hình trắc trở, giao thông đi lại khó khăn... làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, trong thôn vẫn có nhiều gia đình không chịu làm ăn, lười lao động. Những trường hợp này, xã, thôn phân công người giúp đỡ nhưng hiệu quả còn thấp.
Ông Phạm Hồng Khuyến - Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết thêm: Khi mới chia tách xã, đường đi lại rất khó khăn, chỉ là đường mòn. Việc sản xuất nông lâm nghiệp hầu như là tự cung, tự cấp, hàng hóa làm ra bán không được. Mặt khác, do trình độ dân trí thấp nên nhiều mô hình khuyến nông triển khai hiệu quả, nhưng không nhân rộng được, nên khi kết thúc dự án cũng là lúc người dân quay lại cách làm cũ.
Trước thực trạng đó, Sơn Tây đã thành lập Ban chỉ đạo XĐGN từ huyện đến xã. Thông qua nguồn vốn 135, 134, 30a… huyện đầu tư gần 500 tỷ đồng xây dựng 267 công trình cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, đến nay Sơn Tây đã có các công trình hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, nước sinh hoạt… góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Từ năm 2005-2012, có 5.445 lượt hộ nghèo vay 62 tỷ đồng từ ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng nguồn vốn tương đối có hiệu quả. Để thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân, huyện hỗ trợ người dân cây trồng, vật nuôi; triển khai các mô hình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… với kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn. Toàn huyện có 108.455 lượt đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo được cấp thẻ BHYT; tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng chục ngàn lượt người.
Thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí cho con em hộ nghèo ăn học, chính sách trợ cước, trợ giá, định canh, định cư, di dân vùng sạt lở núi cũng được quan tâm... Huyện cũng huy động các nguồn lực hỗ trợ các gia đình xây dựng mới 2.675/2.717 ngôi nhà 167, cùng nhiều nhà đại đoàn kết… được đông đảo nhân dân đón nhận trong niềm vui khôn xiết. Nhờ đẩy mạnh các biện pháp XĐGN nên đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Tây giảm còn 54%. Các hộ thoát nghèo đã tích cực lao động, sản xuất, nhiều hộ đã cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, mì, cau, nhiều hộ đã biết xoay vòng, phát huy được hiệu quả đồng vốn vay… “Những chính sách trên đã tác động tích cực đến hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào” - ông Lê Văn Tùng, khẳng định.
Tuy đạt được kết quả đáng khích lệ nói trên, song số hộ nghèo của Sơn Tây vẫn còn cao. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân huyện Sơn Tây cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các chương trình, dự án để việc XĐGN hiệu quả và bền vững hơn.
Bài, ảnh: Bá Sơn