(Báo Quảng Ngãi)- Mất mát nhiều. Thiệt hại lớn. Đó là những gì mà trận lũ vừa qua để lại cho người dân Quảng Ngãi. Và trong khó khăn người ta lại thấy cái tình, cái nghĩa sáng ngời, lan tỏa…
80 tuổi đời nhưng bà Trương Thị Hợi ngụ thôn Nhơn Lộc 2, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào lớn, lại hung dữ như cơn lũ đêm ngày 15.11 vừa qua. Để rồi sau trận cuồng nộ dữ dội ấy, căn nhà cấp 4 “đội” đầy rác, lại trống hoác khi mà toàn bộ tài sản, vật dụng gia đình đã bị nước cuốn trôi. Thứ mà bà Hợi giữ lại được chính là tính mạng của vợ chồng già và đứa cháu ngoại gái vừa tròn 17 tuổi.
Nhờ lò sấy của Trạm giống cây nông nghiệp Đức Hiệp, hàng trăm tấn lương thực của người dân vùng lũ thoát cảnh úng thối. |
Còn bà Nguyễn Thị Lan ở xóm Trũng Bầu, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) cũng chưa hết bàng hoàng và tin mình còn sống sót. Chẳng là trong cái đêm lũ dữ ập về, bà nghĩ mình đã yên phận trên gác xếp vì có bao giờ nước “leo” lên tận ấy đâu. Nhưng lần này bà đã lầm. 19 giờ tối, nước ào ào tuôn vào nhà, ngập tới nóc. Giữa lúc sự sống và cái chết mong manh nhất, chiếc ghe nhỏ của lực lượng cứu hộ xã Hành Tín Tây tròng trành trườn vào nhà. Bà Lan thoát chết trong gang tấc.
Cũng trong tâm trạng mừng mừng, tủi tủi vì thoát khỏi tay tử thần trong phút chốc, hai sản phụ Nguyễn Thị Thu Ngân và Trương Thị Mỹ Lan ở xã Hành Tín Đông chỉ biết ôm chặt đứa con nhỏ chưa đầy tuần tuổi trong làn nước mắt. “Không có mấy anh ở xã đến cõng, rồi đưa lên ghe, chắc mẹ con em đã…”, Lan bỏ lửng câu nói trong tiếng nấc.
Lũ qua: Cứu tài sản
Nước lũ rút, cái mà người dân lo lắng nhất không phải là nhà cửa, đồ đạc bị đắp bùn mà là lúa, gạo, mì, bắp đang bắt đầu lên men. Chẳng thế mà khi biết tin Trạm giống cây nông nghiệp Đức Hiệp, thuộc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi (TT) mở ba lò sấy, người dân ở khắp nơi vội vã chuyển gạo, lúa ướt về, những mong chúng kịp khô trước khi bị hỏng. Dẫu biết sau khi sấy xong, chỗ lương thực ấy cũng chỉ để dành làm thức ăn cho heo, gà, vịt. Quả thật, với hơn 8 tấn lúa bị ướt, đang bắt đầu lên mộng thì sấy là giải pháp duy nhất mà chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn 3, xã Đức Tân (Mộ Đức) có thể vớt vát, gỡ gạc. Bởi số lúa này sau đó có thể bán cho người chăn nuôi vịt, gia súc. Nên dù được bạn hàng thương tình thu mua lúa ướt với giá 100.000 đồng/bao 50-60kg, nhưng khi nghe TT mở lò sấy, chị tất tả thuê xe chở 8 tấn lúa đến hong khô.
Theo ông Đỗ Đức Sáu, Phó Giám đốc TT thì hiện giờ, nhu cầu sấy lúa, gạo, bắp của người dân vùng lũ là rất lớn. Nhưng vì công suất của 3 lò sấy chỉ đạt 20 tấn/ngày đêm, nên TT cũng lực bất tòng tâm. Và để chia sẻ khó khăn với bà con, TT không lấy phí sấy. “Người dân chỉ trả tiền điện, than; còn TT cử nhân viên, cán bộ kỹ thuật tình nguyện hướng dẫn, giúp đỡ người dân trong suốt quá trình sấy lương thực”, ông Sáu cho hay.
Bài, ảnh: MỸ HOA