(Baoquangngai.vn)-
Để tránh thiệt hại do siêu bão Haiyan (bão số 14), từ ngày 8.11 các địa phương ven biển ở huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh đã khẩn trương tổ chức các lực lượng tuyên truyền cho người dân chằng chống nhà cửa và chuẩn bị sơ tán khi bão vào, chuẩn bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn và trực sẵn sàng cứu nạn khi có lệnh. Không khí phòng tránh siêu bão đang rất khẩn trương.
Sẵn sàng ứng phó với siêu bão
Để chủ động phòng tránh, đối phó với diễn biến của cơn bão số 14, các xã, thị trấn đã kêu gọi người dân chằn chống nhà cửa. Ông Bùi Bình- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết, huyện sẵn sàng thực hiện phương án di dời, sơ tán 5.150 hộ, với hơn 19.800 khẩu ở vùng có nguy cơ sạt lở. Trong đó, có gần 630 hộ vùng ven biển, 1.060 hộ vùng ngập sâu, hơn 3.100 hộ vùng ven sông, 350 hộ vùng ven núi.
|
Tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão ở Cảng Neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa. Ảnh: A.Kiều |
Chiều 8.11, hệ thống loa truyền thanh toàn xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) liên tục phát đi bản tin về cơn bão Haiyan đang tiến vào biển Đông. Cùng với đó, cán bộ địa phương tổ chức thành nhiều nhóm đến các khu dân để thông báo và cùng với người dân chuẩn bị ứng phó với bão. Nhiều người dân đã dùng bao cát và dây thừng để chằng, buộc mái nhà, thu dọn tài sản chuẩn bị sơ tán khi bão vào.
Ông Võ Minh Vương – Phó Chủ tịch, kiêm trưởng ban phòng chống lụt bão xã Tịnh Kỳ cho biết, địa phương có khoảng 500 hộ với 2.300 nhân khẩu dọc bờ biển sẽ phải di dời đến nơi an toàn khi bão đến. Đến hết ngày hôm nay, các đoàn công tác được phân công đi kiểm tra tại các khu dân cư sẽ thông báo đầy đủ các số liệu thống kê và sẽ tập hợp lại rồi bàn phương án triển khai ứng phó với bão, đặc biệt là công tác di dời dân đến nơi an toàn.
Vì bão còn ở xa và trời hửng nắng nên người dân sẽ chủ quan. Để khắc phục chuyện này, hạn chế thiệt hại, chúng tôi phải tổ chức 9 tổ công tác đến từng nhà dân để thông báo cho bà con để họ chủ động tránh bão. Tịnh Kỳ là khu vực ven biển nên có nguy cơ chịu ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và nhà cửa của người dân.
Trước đó, các xã ven biển Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ và các đơn vị liên quan chủ động thực hiện các biện pháp kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu để phòng tránh bão an toàn, tuyệt đối không cho người ở lại trên thuyền, công tác này sẽ thực hiện xong trước 17 giờ ngày 9.11.
Tại làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), mọi người cũng cấp tập lo chèn chống nhà cửa, đưa thuyền thúng về bờ. Tiếng hô hào, giục giã của người dân lẫn trong tiếng sóng biển đập ầm ầm, báo hiệu cơn bão mạnh đang tiến về bờ.
Cùng hơn chục thanh niên khỏe mạnh đưa con thuyền công suất nhỏ của mình vào bờ, ngư dân Trần Văn Thành ngụ thôn Phước Thiện, xã Bình Hải lo lắng nói: Bà con đều phải lo cất thuyền, thúng từ sáng nay. Mãi đến bây giờ vẫn còn một số thuyền chưa đưa vào hết được. Chúng tôi phải lo kéo nhanh vào bờ chứ không sẽ thành "mồi" cho bão.
|
Người dân tranh thủ cất thuyền thúng trước bão |
Những ngày vừa qua, ông Thành theo dõi thông tin về cơn bão Haiyan rất thường xuyên. “Nếu không chuẩn bị kĩ thì cơn bão với sức mạnh hiếm có này sẽ càn quét, hủy hoại hết công sức, tiền của hàng chục năm của bà con ở đây”- ông Thành lo lắng.
Tinh thần khẩn trương phòng, chống bão như ông Thành cũng là tinh thần chung của hầu hết các hộ gia đình ven biển. Do đó, cả ngày 8.11, họ tập tìm mọi cách để giữ gìn tài sản khi bão tới. Gia đình nào có thuyền thì lo tìm chốn neo đậu, kéo vào bờ an toàn. Gia đình nào không có thuyền thì lo chăm chút, kéo dây, chằng chống thật kỹ mái nhà bằng những bao tải cát đầy ụ.
|
Chằng lại mái nhà bằng ốc vít và các bao tải cát |
Đang chăm chú vào việc đóng đinh và bỏ bao tải cát lên mái nhà mình, anh Nguyễn Thanh Đồng- ngụ thôn An Cường, xã Bình Hải nói: Đợt bão số 11 vừa rồi tôi còn chủ quan không làm gì để đối phó với bão, chứ cơn bão Haiyan này kinh khủng quá. Nên phải chằng mái cho thật kỹ chứ không là tốc mái chứ chơi! Khi bão tới, hễ có thông báo là “chạy”, không lo đến nhà cửa nữa. Lần trước bão số 11 thôn này đã phải đi hơn 300 hộ. Nhưng với cơn bão Haiyan, chắc phải cả thôn đi tìm chỗ trú.
Ông Đoàn Hà Yên- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: Tinh thần là sẽ di dời toàn bộ các hộ dân sống ven biển của huyện với trên 2.000 hộ. Đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua nên người dân cũng ý thức được và chuẩn bị từ sớm. Theo kế hoạch, đến sáng mai (9.11), chúng tôi sẽ thực hiện di dời các hộ dân này ngay khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.
|
Các hộ dân ven biển đã sẵn sàng di tản khi có thông báo |
Từ sáng sớm, tiếng loa huy động người dân chuẩn bị tài sản để sơ tán khi cần thiết đã vang lên ở khắp ngóc ngách của những làng ven biển nằm trong vùng nguy hiểm. Riêng xã Bình Hải chuẩn bị di tản hơn 1.000 hộ, xã Bình Đông sơ tán hơn 600 hộ. Bình Châu cũng sẵn sàng chỗ ở tạm cho hơn 60 hộ dân ở hai thôn Châu Thuận và Châu Tân. Đến hiện tại, nhiều hộ sống ven biển đã gói gém đồ đạc, các ngư lưới cụ vào sâu để nhờ ở nhà người quen sâu trong đất liền.
Cùng với việc chuẩn bị sơ tán tài sản và con người, công tác neo trú tàu thuyền cũng là vấn đề lớn, được chú trọng tại các xã ven biển huyện Bình Sơn. Tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã có hơn 1.000 tàu thuyền từ khắp các xã bãi ngang về neo trú. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, hiện cảng đang có dấu hiệu quá tải. Nhiều tàu thuyền trong số 428 phương tiện của xã Bình Châu buộc phải tìm nơi neo trú ở các kênh rạch và bến khác vì về bờ chậm, cảng không còn chỗ neo trú.
Còn tại vũng neo đậu tàu thuyền vừa mới xây dựng xong tại xã Bình Đông, đến thời điểm hiện tại, đã tập trung hàng trăm chiếc thuyền lớn, nhỏ ở khắp các xã Bình Chánh, Bình Thạnh… về neo trú trước khi bão tới.
|
Nhiều hộ dân Tịnh Kỳ đã chủ động chằng chống nhà cửa tránh bão số 14. Ảnh: X.Thiên |
Tại huyện Tư Nghĩa, công tác ứng phó với bão cũng đang rất khẩn trương. Từ sáng sớm 9.11, người dân ở các thôn, xóm hối hả ra quân dùng bao tải xúc cát, dây thừng giằng mái nhà chắc chắn để chống bão số 14.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Tư Nghĩa đang huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ sẵn sàng di dời, sơ tán 4.173 hộ dân với 17.739 nhân khẩu trong vùng ảnh hưởng bão, ngập lụt, sạt lở núi ven sông, ven biển.
|
Người dân chằng buộc mái nhà. Ảnh: A.Kiều |
Số hộ dân nhà yếu, nhà tạm còn lại cũng buộc phải sơ tán đến nhà ở kiên cố vào sâu khu vực an toàn. Việc sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm chậm nhất hoàn tất lúc 17h tối nay. Huyện cũng đã kêu gọi 674 tàu thuyền vào neo đậu ở các vùng biển an toàn, tuy nhiên vẫn còn 6 tàu thuyền chưa liên lạc được, nhưng hiện đang hoạt động trên vùng viển Bắc Vịnh Bắc Bộ nên không gây nguy hiểm.
Sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn
Để chủ động ứng phó và tổ chức tìm kiếm cứu nạn khi cơn bão 14 ảnh hưởng vào đất liền, lực lượng Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão theo phương châm 4 tại chỗ. Các đồn, trạm kiểm soát biên phòng đóng chốt tại các địa bàn cũng đang phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ người dân trong việc chuẩn bị các khâu cần thiết trước bão.
Sau khi nhận thông tin về bão Haiyan, Hải đội 2 , BĐBP Quảng Ngãi ngay trong ngày 8.11 đã triển khai các phương án 4 tại chỗ, trực 100 % quân số, chuẩn bị phương tiện thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên biển.
|
Cán bộ chiến sĩ tàu cứu nạn BP 09-19-01 kiểm tra lại trang thiết bị sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ cứ nạn trên biển. Ảnh: X.Thiên |
Đại úy Võ Sơn - thuyền trưởng tàu BP-09-19-01, cho biết, trong ngày hôm nay, chúng tôi đã tổ chức triển khai tất cả các nhiệm vụ cấp trên giao phó để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có sự cố xảy ra. Các chiến sĩ trên tàu có mặt 24/24 giờ trên tàu để sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh.
Trung úy Lê Quang Cường - Phó Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết, hiện tại tất cả phương tiện cũng như con người đã được triển khai sẵn sàng làm nhiệm vụ. Hiện tại, 4 tàu làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn của Hải đội 2 với hơn 30 cán bộ chiến sĩ trong tư thế trực sẵn sàng nhận lệnh.
Đến cuối ngày 8.11, tại cảng Sa Kỳ và cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, ngày hôm nay, hàng trăm ghe thuyền của ngư dân đã vào neo đậu. Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa đã không còn chỗ cho tàu vào trú bão. Vì thế, nhiều tàu thuyền phải neo đậu tại cảng Sa Kỳ.
Bài, ảnh: T.Phương - X.Thiên -
A.Kiều