(Baoquangngai.vn)- Thiên nhiên đã ưu ái mang lại cho rừng núi Ba Tơ cây hương liệu quý xá xị với mùi thơm quyến rũ. Trải qua thời gian, những gốc xá xị gồ ghề mang hình thù quái dị đang được săn, đào để làm nên những đồ mỹ nghệ, vật trang trí đẹp mắt trong nhiều gia đình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Về vùng núi Ba Bích (Ba Tơ), người đi đường dễ dàng bắt gặp hình ảnh những gốc cây xá xị xù xì nằm lăn lóc ở nhiều nơi. Săn tìm và gia công những gốc cây tỏa mùi thơm ngát đang là nghề mới “nổi” của người dân địa phương. Khi công việc đồng án, vụ mùa được gác lại, họ rủ nhau đi bộ lên những rặng núi xa đào và khuân về từng gốc cây xá xị to lớn.
“Ở vùng núi này, ngày xưa loại cây có hương thơm như vầy nhiều lắm. Nhưng khi người ta phát rừng để làm rẫy keo, rẫy mỳ thì không thấy còn xuất hiện loại cây này nữa. Những gốc cây to thì vẫn còn nằm trong lòng đất”- Anh Nguyễn Phùng Hưng, chủ cơ sở gia công và kinh doanh gốc cây xá xị ở thôn Con Trổ, xã Ba Bích cho hay.
Gốc xá xị mang hình thù kỳ dị được gia công để bán cho nhiều người trong và ngoài tỉnh |
Tại nhà anh Hưng, hiện đang bày bán nhiều gốc xá xị từ nhỏ đến lớn với đủ mức giá, loại nào cũng có. Từ khi bắt đầu kinh doanh mặt hàng này, anh Hưng đã bán được gốc cây giá trị nhất với số tiền gần 20 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của anh, người đến mua rất kén dáng cây. Mà dáng cây, dáng gốc thì người bán không thể sửa mà chỉ gia công lại bề mặt cho đẹp hơn.
Ít ai biết, để có những gốc xá xị đẹp giá trị từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, những thợ săn, đào địa phương đã phải vất vả vượt rừng, vượt suối nhưng chỉ nhận được những đồng tiền công ít ỏi. “Những ngày gốc xá xị còn chuộng thì chúng tôi kiếm được khoảng 100 nghìn đồng/ngày. Nhưng thời điểm này thì mang gốc về phải chờ lâu lắm mới có người mua, nên thu nhập cũng ít dần”- anh Phạm Văn Toàn, thôn Đồng Vào, xã Ba Bích cho hay.
Anh Toàn chia sẻ: “Ngày xưa còn nhiều, chứ giờ để tìm được một gốc xá xị thì phải đi bộ khoảng 4-5 tiếng đồng hồ. Gặp gốc đẹp thì bán được giá khoảng 400-500 nghìn đồng. Còn gốc xấu, nhỏ thì chỉ được vài chục nghìn đồng. Chưa kể rủi ro bị ngã vực, cây đè trong khi đi tìm xá xị”.
Tuy nhiên, với người dân địa phương, số tiền vài trăm nghìn từ việc săn, đào gốc sá xị vẫn rất lớn so với thu nhập còn quá thấp ở đây. Do đó, họ vẫn bất chấp nguy hiểm, bỏ công sức để kiếm thêm tiền từ việc làm này.
Nhiều gốc xá xị nằm lăn lóc ở lề đường chờ người mua |
Thời điểm thịnh nhất của việc mua bán cây xá xị là vào khoảng cuối năm 2012. Người có nhu cầu mua gốc xá xị để làm đồ mỹ nghệ, đồ gỗ trang trí trong nhà vào dịp gần tết đến từ khắp vùng ở trong và ngoài tỉnh. Vào thời gian đó, nhiều thanh niên trai tráng đổ xô vào rừng tìm kiếm. Chỉ tính riêng ở xã Ba Bích đã có trên 10 gia đình có người làm nghề săn, tìm gốc xá xị để đem về bán cho các cơ sở gia công.
Ông Phạm Văn Chuyên- Chủ tịch UBND xã Ba Bích cho biết: Không riêng xã Ba Bích mà người dân địa phương đã rủ nhau đi tìm gốc xá xị trên một vạt núi rộng lớn kéo dài từ Ba Lế, Ba Nam đến Ba Bích. Chủ yếu họ tìm các gốc cây đã bị rục, đốn chặt, bỏ quên trong lòng đất. Khi người dân nào đào được một gốc cây xá xị, họ phải xin phép UBND xã và có cam kết công việc của họ không gây ảnh hưởng đến môi trường, làm sạt lở khu vực đào.
Đến thời điểm này, tuy sức mua đã kém hơn rất nhiều thời điểm thịnh hành nhưng dự báo sẽ tăng lên vào dịp cuối năm nay. Chỉ tay về phía những gốc cây tỏa hương đang nằm chỏng chơ ngay trước nhà, anh Phạm Văn Quân ở thôn Con Trổ cho biết: Sắp tới, tôi sẽ làm bóng lại mấy gốc cây kia để bán. Rồi cũng phải tranh thủ đi tìm thêm vài gốc về làm để kịp bán trong đợt cuối năm. Cứ đến Tết là nhu cầu của người mua lại tăng
Và nhiều thanh niên địa phương như anh Quân lại rủ nhau vào rừng sâu, len lỏi vào những rẫy keo, rẫy mì đầy hiểm nguy để khuân về từng gốc xá xị với mong muốn có thêm tiền trang trải cuộc sống.
Bài, ảnh: Thanh Phương