(Baoquangngai.vn)- Mỗi khi mùa mưa bão về, người dân xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) lại sống trong thấp thỏm, lo âu. Nỗi lo ấy cứ ngày càng lớn dần bởi mối bất an từ con sông, bờ đập có thể ập đến bất cứ lúc nào…
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Đập Suối Chí: Van xả lũ “tê liệt”
Công trình đập Suối Chí thuộc thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông được đầu tư xây dựng cách nay hơn chục năm với thiết kế hiện đại theo kiểu van tự động. Mùa nắng cửa van đóng lại để tích nước, cung cấp nước tưới cho hoa màu ở vùng hạ lưu. Mùa lũ cửa van tự động mở để xả lũ, đảm bảo an toàn.
Đập Suối Chí mùa này ăm ắp nước nhưng hệ thống van tự động đã “chết”. |
Thế nhưng hiện tại van tự động xả lũ của con đập này đã rơi vào tình trạng “tê liệt”, không thể tự động xả lũ được nữa, khiến cho nhiều hộ dân sống ở vùng hạ lưu đập Suối Chí sống trong thấp thỏm không yên khi mùa mưa lũ về.
Hiện tại vùng hạ lưu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ “sức nước” của đập Suối Chí có khoảng 30 hộ và chục hécta hoa màu. Trong đó có khoảng 15 hộ xóm Bãi, thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông nằm lọt thỏm dưới “túi nước” Suối Chí.
Trưởng thôn Khánh Giang Bùi Thanh lo lắng: “Bây giờ cứ thấy mưa lớn là dân… run! Sống gần con đập này, khi biết tin van tự động xả lũ của đập không còn tác dụng nữa họ lo lắm. Nước lũ tràn về ồ ạt mà van không thể xả thì nguy cơ đập bị vỡ là điều không thể tránh khỏi”.
Còn ông Trịnh Bê – Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông thì bảo: “Tức nước vỡ bờ là tất yếu. Mưa bao nhiêu nước từ thượng nguồn đổ dồn về đập, mưa càng lớn thì nước càng nhiều. Trong khi van xả lại “chết”, nước quá sức chứa sẽ gây áp lực, khả năng vỡ đập là rất lớn.
Nỗi lo “van chết” đã được nhân dân thôn Khánh Giang báo cáo lên UBND xã Hành Tín Đông. Xã làm văn bản báo cáo lên UBND huyện Nghĩa Hành. Hiện giờ nỗi lo ấy đã “chuyển” đến đâu, bao giờ được quan tâm giải tỏa thì người dân ở hạ lưu con đập này vẫn chưa có thông tin.
* Đường sông “Đông – Tây” bất an
Con đường “tắt” nối đôi bờ sông Vệ từ Hành Tín Đông sang Hành Tín Tây là những chuyến đò với canh cánh nỗi lo. Ông Trịnh Bê – Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông bảo rằng: Theo đường sông, từ Hành Tín Đông sang Hành Tín Tây chỉ chưa đầy 1 km. Trong khi, nếu đi đường vòng thì cả đi lẫn về dài gấp 30 lần đi tắt, mất nhiều thời gian, tốn tiền xăng. Do đó, hằng ngày có đến hàng trăm lượt người đã chọn đường sông từ Hành Tín Đông đi Hành Tín Tây để công tác, dạy học, sản xuất… Quãng đường tuy ngắn nhưng nỗi lo lại quá dài. Chỉ khi nào đò cặp bến, chân chạm đất thì người đi đò mới thở phào rằng mình đã bình an.
Sau cơn mưa chiều, nước từ thượng nguồn Ba Tơ đổ về như thác. Nước băng băng tràn qua ghềnh đá, ồng ộc xoáy vào bờ cát lôi cả cây cối, đất đá trôi theo. Chiếc ghe nhỏ bé của ông lái đò Nguyễn Tấn Diệp bất lực trước con nước lớn đã “leo” lên bờ cao nằm chỏng chơ.
Hàng chục người dân đến bến đò lại rồi đành quay trở về. “Đấy, ruộng đất đứng đây nhìn thấy nhưng đâu dễ đến được. Mưa nước sông dâng cao buộc phải đi đường vòng. Cả đi lẫn về 30 km chứ ít đâu!” – lão nông Nguyễn Tấn Cự ở thôn Khánh Lệ, xã Hành Tín Đông cho biết.
Mùa nắng, tuyến “đường thủy” này được một số người dân bỏ tiền làm cây cầu tre tạm bợ. Thế nhưng, cứ sau một trận mưa, nước sông dâng cao, chảy xiết là “tiêu” một cây cầu. Cầu trôi, người dân lại “vịn” vào những chiếc ghe nhỏ để sang sông, không đảm bảo an toàn.
“Từ đầu năm đến nay có 3 cây cầu bị trôi rồi. Dân lấy tiền đâu mà làm cầu mãi được. Mong Nhà nước quan tâm đầu tư một cây cầu vững chãi để nhân dân thuận tiện đi lại làm ăn” – ông Trịnh Bê, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông kiến nghị.
Đã nhiều lần cầu trôi và bao chuyến ghe lật, bất an vì thế tăng lên. Khát vọng về một cây cầu – khát vọng bình yên ở nơi đây đã đến hồi cháy bỏng !
Bài, ảnh: T. NHỊ - H.HOA