Tái hiện cuộc sống người rừng qua lời kể của "thông dịch viên" đặc biệt

07:08, 08/08/2013
.

(QNĐT)- Năm 1972, sau khi ngôi nhà bị trúng bom làm 3 người thân chết, ông Hồ Văn Thanh quá hoảng loạn và lo sợ nên sau đó một  thời gian đã bỏ làng ôm con trai Hồ Văn Lang, lúc đó hơn 1 tuổi trốn biệt vào rừng sâu ở xã Trà Xinh (Tây Trà) suốt 40 năm qua. Việc cha con ông sinh tồn sau ngần ấy năm “chui lủi” trong rừng khiến nhiều người tò mò về khả năng sinh tồn của cha con ông.
Ngày 7/8, chính quyền địa phương và người thân đã đưa 2 cha con ông Thanh từ rừng sâu về hòa nhập cộng đồng sau 40 năm làm “người rừng”. Sau khi được đưa từ rừng sâu thuộc địa phận xã Trà Xinh (Tây Trà) trở về, ông Hồ Văn Thanh (82 tuổi) sức khỏe yếu nên được chính quyền huyện Tây Trà đưa vào Trung tâm y tế huyện để chăm sóc. Còn anh Hồ Văn Lang (41 tuổi) được đưa về sống tạm tại nhà anh con bác ruột là ông Hồ Minh Lâm (44 tuổi) ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong.
 
Sinh tồn nơi rừng sâu
 
Trưa ngày 8/8, chúng tôi tìm đến nhà anh Hồ Minh Lâm để tìm gặp "người rừng" Hồ Văn Lang. Không còn đóng khố như những ngày trước, "người rừng" đã được người thân mặc quần áo. Thoáng thấy người lạ, dù không bỏ chạy như trước đó, nhưng “người rừng” ngồi nép mình sát vách tường, với ánh mắt đầy cảnh giác khi nhìn chúng tôi. Đôi khi "người rừng" đảo mắt nhìn xung quanh với cảm giác xa lạ vẫn còn hiện hữu. 
 
Suốt 40 năm sống biệt lập với cộng đồng, "người rừng" không biết nói tiếng Kinh mà chỉ nói đuợc một ít tiếng dân tộc Cor, nên để nói chuyện và tìm hiểu về "người rừng" chúng tôi phải nhờ đến một thông dịch viên đặc biệt là anh Hồ Minh Lâm- người duy nhất có thể nói chuyện được với anh Lang.

 

Trong khi ông Tâm trò chuyện với chúng tôi, thì
Trong khi ông Lâm trò chuyện với chúng tôi, thì "người rừng" tỏ vẻ sợ hãi ngồi nép vào tường.
 
Gương mặt ông Lâm thoáng buồn khi nhắc lại chuyện cũ. "Qua lời kể của cha tôi, từ khi một quả bom từ máy bay của Mỹ thả xuống làm mẹ ruột và 2 đứa con chết. Có lẻ không chịu nổi sự ám ảnh của cảnh tượng trên, nên ông Thanh mới bồng Lang, lúc đó khoảng hơn 1 tuổi rời làng ở xã Trà Khê trốn tận rừng sâu ở xã Trà Xinh"- ông Lâm cho biết.
 
Để sinh tồn ở nơi "rừng thiêng nước độc" và tránh sự tấn công của thú dữ, cha con ông Thanh chọn cách làm “nhà” giống như tổ chim treo trên thân cây cổ thụ, cách mặt đất khoảng 10m. Thời gian 40 năm ở rừng sâu, cha con "người rừng" chỉ biết đến cuộc sống bốn bề là rừng xanh bạt ngàn. Để có lương thực ăn, cha con ông Thanh phát rẫy để gieo lúa rẫy, trồng mì, lượm trái cây, làm bẫy bắt thú rừng làm thức ăn.
 
Vì cuộc sống sinh tồn phù hợp với điều kiện sống, hai cha con ông Thanh biến nhiều chất liệu trong rừng thành đồ dùng cho mình. Từ số vỏ nhôm, sắt... nhặt được trong lúc đi làm, ông Thanh đã mài và tạo ra rựa, dao, chén... Điều đặc biệt, dù sống tách rời cộng đồng, nhưng ông Thanh không quên sử dụng một miếng nhôm mỏng để làm dao cắt tóc và lược chải đầu cho 2 cha con. Còn quần áo thì làm bằng bẹ chuối khô để bện thành khố; dùng vỏ cây tếch dính thành tấm để mặc. Ngoài ra cha con ông còn làm cả áo mưa bằng vỏ cây.
 
"Mỗi năm, tôi cũng một vài lần lặn lội gần cả ngày trời để vào thăm cha con Lang, tiếp tế gạo và muối, nhưng gần như hai người không sử dụng đến. Thấy cảnh sống nơi xa xôi, hiểm trở, tôi nói 2 cha con nên về lại làng. Thế nhưng lần nào cũng nhận được cái lắc đầu dứt khoát từ ông Thanh. Còn mỗi lần thấy người lạ, ông Thanh và con trốn vào rừng không bao giờ tiếp xúc"- ông Lâm kể.

 

Những vật dụng cha con
Những vật dụng cha con "người rừng" sử dụng trong suốt 40 năm qua.
 
Cứ thế, hết năm này qua năm khác, hai cha con ông Thanh sống thui thủi trong rừng sâu mà không trở về làng. Điều kì lạ là dù sống kham khổ, thiếu thốn như vậy, thế nhưng sức khỏe của 2 cha con ông Thanh vẫn bình thường. Và qua lời của ông Lâm, Lang cho biết chưa bị ốm lần nào, kể cả cha mình cũng vậy.
 
Theo các bác sĩ ở Trung tâm y tế huyện Tây Trà, người cha Hồ Văn Thanh và con trai Hồ Văn Lang đều không mắc chứng bệnh nào. Ông Hồ Văn Thanh do tuổi cao, ăn uống thiếu chất và thay đổi môi trường đột ngột nên bị suy nhược sức khỏe. Điều mà các bác sĩ khâm phục, là họ không bị sốt rét trong suốt thời gian ở trong rừng sâu.
 
Những ngày đầu lạ lẫm của "người rừng"
 
"Mặc dù đã nhiều lần tôi vào động viên hai cha con Lang về, nhưng đều bất thành. Cách đây không lâu, khi vào thăm thấy ông Thanh sức khỏe đã yếu chỉ nằm một chỗ, nên tôi bàn với người thân trong làng, đồng thời đến UBND xã Trà Phong đề nghị cho người vào đưa ông Thanh và Lang về. Lúc đầu thấy đông người lạ vào, Lang bỏ chạy vào phía trong rừng và đứng nhìn ra. Tuy nhiên thấy mọi người khiêng cha lên võng để đưa đi, Lang liền hoảng hốt chạy theo"- ông Lâm cho biết.
 
Căn nhà gạch ngói “xa lạ” khác hẳn với mái nhà bằng cây, cùng cuộc sống sinh hoạt ở “thế giới mới” cũng đều lạ lẫm với "người rừng"." Cả đêm qua, Lang không chịu ngủ cứ ngồi ăn trầu, hút thuốc liên tục và thỉnh thoảng lại đi ra, vào còn miệng thì lầm bầm. Tôi sợ Lang nhớ rừng mà quay về nơi ở cũ nên lúc nào cũng có người ở bên cạnh Lang để canh chừng"- ông Lâm kể.

 

Quen với mặc khố, nên anh Lang không biết mặc quần áo, phải có người giúp mặc
Quen với mặc khố, nên anh Lang không biết mặc quần áo, phải có người giúp mặc.
 
Ông Lâm nói vui, những lần đầu bật tivi lên là Lang nhắm tịt mắt không dám mở mắt ra, một vài lần thì quen nên nó xem và cười. Buổi tối phải tắt điện, chứ bật điện là Lang không chịu, quần áo phải có người mặc giúp và qua gần 1 ngày trở về, Lang ăn uống bình thường trừ mì tôm và bún vì chê hôi không ăn được.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện Lang còn có người em trai, tuy nhiên hoàn cảnh của gia đình người em trai cũng rất khó khăn, trong khi bản thân Lang phải mất một thời gian rất dài mới có thể hòa nhập được trở lại với cuộc sống của cộng đồng.
 
Ông Hoàng Anh Ngọc- Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: Ngay sau khi cha con ông Thanh được đưa về, tôi cùng cán bộ của huyện đã vào thăm, động viên người thân. Trước mắt, huyện tặng quà và hỗ trợ 2 triệu đồng. Đồng thời, tôi đã chỉ đạo cho xã Trà Phong cử người trông chừng để tránh trường hợp Lang bỏ về lại rừng; làm thủ tục cấp đất để làm nhà cho cha con ông Thanh và chỉ đạo cho Trung tâm y tế huyện theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho ông...
 
Tập bắn súng ná cao su cùng các cháu
Tập bắn súng ná cao su cùng các cháu

 

"Người rừng" liên tục hút thuốc và ăn trầu

 

 
                                   Bảo Ngọc 
 

.