(QNĐT)- Sau gần 30 năm phục vụ trong quân đội, thương binh Huỳnh Văn Châu ngụ ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) trở về đời thường với hai bàn tay trắng và tinh thần hăng say lao động. Đến tuổi xế chiều, người thương binh này luôn được ngưỡng mộ vì đã gầy dựng gia tài tiền tỷ và một mái ấm hạnh phúc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hết mình trong kháng chiến
Kể về quá khứ chiến tranh, ông Châu đưa mắt nhìn xa xăm nhớ lại: “Những năm tháng đó làm sao tôi quên được. Nó đã gắn liền với tôi, như những mảnh đạn còn nằm lại nơi thân già này bao nhiêu năm qua!”.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1964, ông Huỳnh Văn Châu tham gia vào đội du kích xã với mong muốn chiến tranh mau kết thúc. Cậu thanh niên tuổi mới đôi mươi hừng hực bầu nhiệt huyết nhanh chóng được điều động vào Đại đội 71Z, chiến đấu ở khắp khu Đông huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn.
Thương binh Huỳnh Văn Châu đã từng có thời gian chiến đấu gian khổ cùng đồng đội. Đến khi hòa bình, ông lại tiếp tục lao động, làm giàu từ hai bàn tay trắng |
Những năm tháng gian lao ấy, ông cùng đồng đội đã không biết bao lần bị thương. Ông phải nhiều lần rơi nước mắt chứng kiến đồng đội hy sinh ở chiến trường. Ông Châu vẫn còn nhớ như in trận đánh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968- lần ông bị thương nặng tưởng chừng như không qua khỏi.
Thương binh 3/4 Huỳnh Văn Châu
|
Ông Châu cho biết: Lần đó, tôi bị nhiều mảnh đạn văng vào ngực, cánh tay và lưng. Đồng đội phải đưa tôi về tuyến sau để điều trị. Tỉnh dậy với thân thể nhức nhối, tưởng sẽ gục ngã nhưng không hiểu sao lúc đó lại có suy nghĩ rằng mình phải sống, sống để tiếp tục chiến đấu giành lại hòa bình. Cũng nhờ sự cứu chữa kịp thời mà tôi đã qua khỏi với tỷ lệ thương tật 41%.
Được đơn vị cho lựa chọn ở lại chiến trường hoặc phục viên sau khi bị thương, ông Châu vẫn quyết tâm xin ở lại với nguyện vọng còn sức khỏe, thì còn chiến đấu. “Nhiều đồng đội đã hy sinh vì tự do, độc lập. Đằng này, mình chưa làm được gì để trả nghĩa, viết tiếp ước mơ của đồng đội thì sao có thể bỏ cuộc!”- ông Châu tâm sự.
Với tinh thần hết mình vì quân đội, ông Châu được điều động làm Chính trị viên Đại đội 71Z năm 1970 và tiếp tục giữ chức Huyện đội trưởng Sơn Tịnh. Không ít lần, những mảnh đạn còn nằm lại trong người hành hạ ông, khiến ông ngã quỵ. Nhưng khi nhìn những tấm hình chụp chung cùng đồng đội trong quá trình chiến đấu và ngày toàn thắng, ông lại như được tiếp thêm động lực để tiếp tục cống hiến sức mình cho cách mạng, cho quân đội.
Nghị lực giữa đời thường
Đến năm 1993, ông Châu về hưu và nhận ra mình chẳng làm được gì cho gia đình khi nhìn lại ngôi nhà tuềnh toành cùng vợ con nheo nhóc. Thế là, ông quyết tâm phải làm gì đó để giúp vợ con đỡ khổ.
Hiện công ty khai thác đá của ông Châu giải quyết việc làm cho 30-40 công nhân |
Ông Châu cho biết: “Ngày đó, cuộc sống cơ cực lắm. Mình mãi lo phục vụ cho quân đội mà quên mất rằng đã để vợ quá khổ với gánh nặng gia đình. Nên tôi đã thăm dò nhu cầu sử dụng đá xây dựng tại địa phương để cùng một cựu chiến binh khác thành lập tổ hợp sản xuất đá xây dựng”. Thấy công việc khá ổn định, ông Châu chưa dừng lại ở đó mà tiếp tục ra tận Đà Nẵng để tìm hiểu nhu cầu sử dụng đá phụ gia trong sản xuất xi măng.
Năm 2002, ông mạnh dạn đăng ký mở Công ty TNHH Huỳnh Châu chuyên khai thác đá phụ gia, đá xây dựng cung cấp cho nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Ban đầu, vì chưa có vốn nhiều, ông Châu phải đi thuê máy móc và xe tải vận chuyển. Đến khi đã có đủ vốn, ông mạnh dạn đầu tư 2 máy đào trị giá hơn 1 tỷ đồng để khai thác ở các mỏ đá tại địa phương.
Công việc kinh doanh của ông không hẳn lúc nào cũng thuận lợi. Có lúc, rơi vào bế tắc phải nghĩ đến cảnh giải thể công ty, bán hết máy móc. Nhưng ông Châu lại nghĩ, mình đã làm đến nước này từ bàn tay trắng thì không thể nào dễ dàng bỏ cuộc. Tinh thần của của một người lính bộ đội cụ Hồ đã giúp ông vượt qua mọi sóng gió.
Dù bận rộn với công ty, ông Châu vẫn luôn giành thời gian giúp vợ làm công việc nhà và đồng án |
Đến nay, công ty của ông mỗi tháng cung cấp khoảng 2.000-3.000 khối đá phụ gia cho các công ty sản xuất xi măng, trị giá trên dưới 200 triệu đồng. Thu nhập mỗi năm của ông từ công ty lên đến hơn 1 tỷ đồng. Dưới sự quản lý của ông Châu, có 30-40 công nhân là người địa phương, với mức lương từ 3-6 triệu đồng/tháng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Châu còn là hội viên hội cựu chiến binh xã rất tích cực trong công tác từ thiện, góp phần xây dựng quê hương. Năm 2012, ông Huỳnh Văn Châu đã được xã tuyên dương vì hành động đóng góp 15 triệu đồng cho việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Dù rất bận rộn với công ty, ông Châu luôn dành thời gian để chăm sóc gia đình và giúp vợ làm công việc đồng án. Với ông, niềm vui tuổi già chính là được lao động và được sống trong mái ấm gia đình. Ông luôn dạy các con, dù mình có ở trong hoàn cảnh nào, chỉ cần có quyết tâm, tinh thần hăng say lao động thì sẽ được đền đáp, được sống hạnh phúc.
Chia tay ông, chúng tôi vẫn không thôi suy nghĩ về câu nói của người thương binh tỷ phú: Ai cũng có quyền ước mơ và thực hiện nó. Thời chiến, tôi cùng đồng đội chiến đấu để được tự do. Thời bình, tôi lại tiếp tục thực hiện ước mơ lao động không ngừng nghỉ, vươn lên từ hai bàn tay trắng, như lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.