Anh thương binh quyết tâm "biến" sỏi đá thành vàng

09:08, 02/08/2012
.

(QNg)- Đó là anh Phạm Văn Trinh (SN 1958) ở thôn Nam Thuận, xã Bình Chương (Bình Sơn). Anh đã nỗ lực cải tạo vùng đất trống đồi trọc, đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình.

Chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp "Vườn- ao- chuồng- rừng" của anh nhân Ngày thương binh liệt sĩ (27/7). Vóc dáng cao gầy, nước da ngăm đen, người thương binh hạng 3/4 tâm sự với chúng tôi rất chân tình, cởi mở. Anh Trinh kể lại, năm 1976 anh tham gia lực lượng Công an vũ trang tỉnh (nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh). Đến năm 1979 anh tình nguyện tham gia chiến trường K- Campuchia.

Anh Trinh chăm sóc đàn gà kiến và chim bồ câu.
Anh Trinh chăm sóc đàn gà kiến và chim bồ câu.

Năm 1985 anh bị thương rồi phục viên. Sau khi rời quân ngũ, anh về lại quê hương công tác tại Phòng Thương nghiệp huyện Bình Sơn được 4 năm. Sau đó, anh xin nghỉ công tác về quê làm ăn. Là thương binh, trở về với cuộc sống đời thường, cuộc sống của gia đình gồm 4 nhân khẩu  hết sức khó khăn. Gia đình anh sống hoàn toàn dựa vào 4 sào ruộng và tiền trợ cấp thương binh hạng 3/4  ít ỏi, không đủ để trang trải cuộc sống, nhất là khi các con anh đều đi học.

Với quyết tâm không cam chịu cảnh sống đói nghèo, năm 1992 vợ chồng anh  lên vùng đồi núi hoang vắng ở xã Bình Chương khai hoang lập nghiệp với khát khao thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu từ bàn tay trắng. Với bản lĩnh và phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, với ý chí và sự kiên trì đã giúp anh vượt qua nỗi đau thể xác, hai vợ chồng anh khai hoang được khoảng 10ha đất đồi núi trọc.

Từ số tiền trợ cấp thương tật, cộng với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh đầu tư trang trại chăn nuôi. Lúc đầu vài chục con gà, 5-6 con lợn (giống lợn bản địa) và phát đồi trồng rừng. Thu hoạch từng mùa vụ, có lãi từ mô hình nhỏ, anh mở rộng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Có nguồn vốn, anh đầu tư nuôi chim bồ câu, đào ao thả cá, trồng cây cảnh. Từ đó, thu nhập của gia đình ngày càng tăng lên, anh chị đã nuôi 2 con ăn học và đã có việc làm ổn định.

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", từ năm 2007 đến nay, trang trại tổng hợp của anh (khoảng 10ha) đã "nở hoa, kết trái". Hiện trang trại của anh có 9 ha keo gần đến kì khai thác, 80 con lợn bản địa (heo ki), đàn gà kiến trên 500 con, 80 cặp chim bồ câu, 500 con ba ba 1 năm tuổi, hơn 5.000 con cá các loại và hàng ngàn loại cây cảnh, cây ăn quả (xoài, mận, mãng cầu, thanh long ruột đỏ...) trị giá trên 1 tỉ đồng. Từ nguồn thu nhập hàng năm, anh đầu tư, mở rộng thêm quy mô trang trại, đa dạng cây- con vật nuôi. Với mô hình trang trại tổng hợp "Vườn- ao- chuồng- rừng", trung bình mỗi năm trừ các khoảng chi phí còn lãi hơn 200 trăm triệu đồng.

Không những làm kinh tế giỏi, Cựu chiến binh Phạm Văn Trinh còn tích cực tham gia công tác xã hội. Anh thường xuyên vận động hội viên tham gia xây dựng quỹ vì đồng đội, quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học… giúp đỡ các hộ gia đình ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn. Anh xứng đáng là cựu chiến binh điển hình của tỉnh, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình và đóng góp một phần công sức nhỏ bé của anh cho xã hội.


             Bài, ảnh: HẢI YẾN
 


.