Cảnh giác với chiêu lừa đảo ’trúng thưởng" qua điện thoại

11:06, 25/06/2013
.

(QNĐT)- Với thủ đoạn mạo danh các nhà mạng gọi điện thoại cho khách hàng thông báo trúng thưởng với giá trị lớn, sau đó yêu cầu trả tiền chi phí giao dịch nhận thưởng bằng cách nạp thẻ cào điện thoại. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của đồng bào miền núi huyện Tây Trà, Trà Bồng những kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt số tiền lên tới hàng chục triệu đồng từ thủ đoạn này.

TIN LIÊN QUAN


Trúng "quả lừa"... mất 1 năm lương

Sự việc bị một đối tượng lạ lừa trúng thưởng qua điện thoại xảy ra cách đây đã hơn nữa tháng, nhưng khi nhắc lại anh Hồ Văn Hữu- Phó Bí đoàn xã Trà Thọ vẫn còn rất buồn và bức xúc.

Anh Hữu kể: Sáng ngày mùng 2/6, trong lúc ngồi chờ em gái đang thi tốt nghiệp THPT ở Trung tâm huyện Tây Trà thì anh nhận được cuộc điện thoại từ một số  lạ. Qua điện thoại, ở đầu dây bên kia, một người đàn ông nói giọng miền Bắc tự nhận mình là nhân viên của Tổng công ty viễn thông Quân đội Viettel, thông báo chúc mừng số thuê bao của anh đã may mắn trúng thưởng trong đợt quay số của công ty Viettel. Cơ cấu giải thưởng gồm tiền mặt là 180 triệu đồng và 1 chiếc xe tay ga Airblade.

"Người đàn ông này nói, có 2 cách để anh nhận giải thưởng, một là ra Hà Nội trực tiếp nhận giải thưởng, hai là chúng tôi sẽ chuyển giải thưởng đến tận nhà cho anh và anh phải chịu chi phí vận chuyển. Người này yêu cầu chi phí vận chuyển phần thưởng từ Hà Nội về nhà và chi phí tiền nước cho anh em đoàn đi trao thưởng cho anh là 4,3 triệu đồng bằng cách mua card nạp tiền điện thoại rồi đọc mã số trên đó cho họ"- anh Hữu cho biết.

 

Chi phí mua card điện thoại được anh Hữu ghi lại trong sổ cẩn thận để trừ lại sau khi
Chi phí mua card điện thoại được anh Hữu ghi lại trong sổ cẩn thận để trừ lại sau khi "nhận thưởng"


Vui sướng, khi biết tin mình trúng thưởng số tiền lớn nên anh liền tất tả đi mua 43 card nạp tiền mạng Viettel trị giá 100 nghìn đồng/card và cung cấp mã số card nạp tiền điện thoại cho người tự xưng là nhân viên của hãng Viettel.

Sau khi cung cấp mã số card nạp tiền điện thoại xong, người đàn ông này yêu cầu anh Hữu phải đốt hết toàn bộ số card điện thoại vừa cào nạp tiền xong với lý do hết sức "huyền bí": "Đốt để nhân viên công ty dùng 3G định vị, lấy số sêri để đối chiếu khi trao thưởng"- anh Hữu cho hay.


Đặc biệt, người đàn ông này yêu cầu anh Hữu phải tuyệt đối bí mật giải thưởng, anh không được tiết lộ cho bất kỳ người thân hay bạn bè biết, và "dọa" nếu anh tiết lộ cho ai biết thì phần quà của anh sẽ cắt.

Chưa dừng lại ở đó, đến 19 giờ cùng ngày, người đàn ông này tiếp tục điện thoại yêu cầu anh Hữu nạp tiếp thêm 5 triệu nữa thì đoàn trao thưởng sẽ đến trao giải thưởng cho anh trong vài ngày tới. Đang lúc khó khăn, thấy giải thưởng “trên trời rơi xuống”, anh nghĩ, chẳng lẽ bỏ qua cơ hội nhận giải thưởng lớn dù lúc này anh đã hết tiền, đành bấm bụng đi vay nóng số tiền 5 triệu đồng (tính cả tiền gốc lẫn lãi khi trả là 7 triệu).

Vì mua card nạp tiền với số lượng lớn nên toàn bộ các đại lí bán card điện thoại trong xã cũng "cháy hàng", sáng sớm hôm sau anh lên Trung tâm huyện Tây Trà mua tiếp 50 cái card trị giá 5 triệu đồng để nạp cho người này.

"Khi số tiền nạp card điện thoại đã lên đến 9,3 triệu đồng, nhưng người này nói bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Sáng ngày 4/6, người này yêu cầu anh nạp thêm 5 triệu đồng nữa để “hoàn tất các thủ tục nhận thưởng”, và hứa chiều tối ngày 4/6, đoàn nhân viên đi trao thưởng cho anh có cả đoàn quay phim của đài truyền hình VTV3 đến tận nơi trao thưởng. Anh cần phô tô chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đoàn trao thưởng"- anh Hữu kể.

 

Bây giờ, anh Hữu luôn cảnh giác với những cuộc điện thoại từ số lạ.
Bây giờ, anh Hữu luôn cảnh giác với những cuộc điện thoại từ số lạ.


Là người đồng bào dân tộc, thật thà, nên anh cứ đinh ninh rằng đoàn trao  thưởng đang trên đường mang tiền và xe đến cho mình nên không mảy may nghi ngờ. Vừa mừng rỡ, vừa thậm thà thậm thụt đi mua thẻ cào điện thoại.

"Chờ mãi đến tối và ngày hôm sau anh vẫn không thấy, anh nghi ngờ mình nên lấy điện thoại gọi vào số điện thoại của người này thì "không liên lạc được", lúc này anh mới biết mình bị lừa.

"Thiệt tình lúc đó tôi buồn và bức xúc lắm nhưng không biết nói với ai, không nghĩ mình bị người ta lừa dễ dàng như vậy. Cứ nghĩ mình trúng được giải thưởng lớn, ai ngờ!"- anh Hữu buồn rầu.

Anh Hữu chia sẻ: Tiền lương hàng tháng phụ cấp làm cán bộ Đoàn xã cũng chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, giờ tôi làm cả năm cũng chẳng đủ trả nợ số tiền 14,5 triệu đồng mà tôi vay mượn để "nhận thưởng" ".

Vỡ mộng "giấc mơ" đổi đời

Chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, tâm lý thích nhận thưởng, không riêng gì anh Hữu mà nhiều người dân đã trở thanh nạn nhân của trò lừa đảo này.

Anh Hồ Văn Truyền- Trưởng Công an xã Trà Thọ cho biết: Cũng với hình thức lừa đảo, gọi điện thoại thông báo trúng thưởng lớn, trên địa bàn xã Trà Thọ, theo tôi nắm được có 4 trường hợp bị "mắc bẫy" của bọn lừa đảo. Hầu hết các trường hợp này đều là cán bộ xã. Ngoài anh Hồ Văn Hữu còn có anh Hồ Văn Nghĩa- Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã bị lừa 5,5 triệu đồng, anh Hồ Trọng Phú- Cán bộ địa chính xã bị lừa 900 nghìn đồng, anh Hồ Ngọc Sâm ở thôn Bắc Nguyên cũng bị lừa mất 5 triệu đồng.

"Người ta biết số điện thoại và biết cả tên, địa chỉ và công việc mình đang công tác nên mình cũng chẳng nghi ngờ, cứ nghĩ là người của Tập đoàn viễn thông Viettel thật, vì chỉ có người của Tập đoàn mới biết các thông tin cá nhân tường tận của mình như vậy, nên mình làm "thủ tục" theo hướng dẫn để nhận giải, chứ ai ngờ bị lừa như thế này."- anh Hồ Văn Nghĩa bức xúc.

Với chiêu bài đó, trên địa bàn huyện Trà Bồng cũng có không ít trường hợp phải vỡ mộng "giải thưởng lớn".

Chị Hồ Thị Tý, ở thôn 6, xã Trà Thủy (Trà Bồng) là một trong những nạn nhân của trò lừa đảo này và đã bị mất hơn 3 triệu đồng cho biết: Lúc nghe mình trúng thưởng với số tiền lớn ai cũng ham, thế nhưng, đến thời gian nhận thưởng như lời hứa hẹn, thì không thấy người trao giải thưởng đâu, mới tá hỏa biết mình bị lừa.


Theo ghi nhận của chúng tôi, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này khá đơn giản, nhưng do đánh trúng tâm lý của nhiều người dân là thích nhận phần thưởng, nên chúng dễ dàng đạt được mục đích. Sau khi gọi điện, khi thấy "con mồi" nào còn lưỡng lự không tin tưởng thì lập tức những đối tượng này liền cho nói chuyện điện thoại ngay với "giám đốc" để tạo niềm tin. Thực ra, "giám đốc"  cũng chỉ là bọn chúng giả dạng giọng nói. Sau khi nhận được số lượng thẻ cào kha khá, chúng sẽ chủ động cắt liên lạc. Nếu bị người dân "bắt bài" thì chúng sẽ lập tức cúp máy.

 

Anh Hồ Văn Trợ ở xã Trà Thọ (Tây Trà) cho hay: Bọn chúng cũng gọi điện thoại đến thông báo anh đã trúng thưởng, nhưng do biết trước những trường hợp bị lừa trên địa bàn, anh chủ động "bắt bài" ngay, thế là bọn chúng chủ động tắt máy.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Trà Bồng,Tây Trà còn không ít những trường hợp bị lừa đảo bằng hình thức này. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi xảy ra sự việc, người dân lại chọn cách im lặng, không báo cáo  nên các ngành chức năng cũng không nắm được hết  và chưa có con số thống kê cụ thể về các trường hợp bị lừa để có những biện pháp xử lý.

"Đối tượng mà bọn lừa đảo hướng đến là những người dân nhận tiền đền bù của Dự án Hồ chứa nước Nước Trong. Hiện chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho người dân đề cao cảnh giác trước những cuộc điện thoại và tin nhắn trúng thưởng, kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện những dấu hiệu như đã nêu ở trên, để tránh để những trường hợp tương tự xảy ra"- anh Hồ Văn Truyền- Trưởng Công an xã Trà Thọ cho biết.

Thiết nghĩ, trước thủ đoạn lừa đảo này, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và xử lý nghiêm loại tội phạm này để không còn những trường hợp "tiền mất, tật mang" đáng tiếc xảy ra.




Bảo Ngọc
 


.