Bi kịch sống cùng người cha hung bạo

10:06, 17/06/2013
.

(QNĐT)- Cha mẹ ly hôn, đứa bé 9 tuổi sống cùng người cha tàn bạo và phải liên tiếp hứng chịu roi đòn từ những cơn nóng giận bất thường. Bi kịch của cuộc đời cậu bé Trần Tự ở xã Nghĩa Điền, Tư Nghĩa bắt đầu từ lúc em được sinh ra đời.

TIN LIÊN QUAN


Chiều tối 15/5, sau khi dùng nhiều khúc cây đánh dồn dập vào người đứa con trai 9 tuổi là Trần Tự, gây ra thương tích đầy mình, ông Trần Thới đã bị công an huyện Tư Nghĩa bắt, tạm giam để điều tra, làm rõ về hành vi bạo hành.

Theo lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra, ông Thới cố chấp cho rằng chỉ vì nóng giận con trai ham chơi nên đánh duy nhất một lần và đã thấy mình sai. Tuy nhiên, bác sĩ Lê Văn thiều- Trưởng Khoa ngoại chấn thương, chỉnh hình nhận định: Qua khám và điều trị cho cháu, tôi thấy cơ thể cháu xuất hiện nhiều vết bầm, tím, sưng tấy ở mông, lưng, vai, đùi và cánh tay… Nhiều dấu vết cũ chưa hết đã xuất hiện dấu mới. Chứng tỏ, cháu không chỉ bị đánh đập duy nhất một lần.

 

Ông Trần Thới đang bị tạm giam tại cơ quan công an huyện Tư Nghĩa
Ông Trần Thới đang bị tạm giam tại cơ quan công an huyện Tư Nghĩa


Sáng 17/6, tinh thần cậu bé Tự đã phấn chấn trở lại. Người mẹ ruột là chị Phan Thị Lên sau khi hay tin đứa con bị cha ruột đánh đến mức phải nhập viện, đã kịp thời trở về từ miền Nam để chăm sóc cháu.

Bôi thuốc vào các vết thương cho Tự, chị Lên không giấu nổi những giọt nước mắt mặn đắng: Tôi đang đi làm ở tận Kiên Giang. Nghe tin người nhà báo cháu bị cha đánh mà ruột gan như ngắt từng đoạn. Suốt quãng đường 1 ngày, 1 đêm về quê, tôi cứ lo sẽ có chuyện gì xấu với cháu. Đến nơi, nhìn thấy toàn thân cháu bị bầm tím, trầy sước, tôi đã không kiềm lòng được.

Còn quá nhỏ để thấu hiểu nước mắt của người mẹ, cậu bé Trần Tự vừa cười vừa nói: “Má đừng khóc nữa, gặp con thì má phải mừng chứ. Con có sao đâu, ba chỉ đánh sơ sơ thôi!”. Nghe được câu nói của cậu bé với thân thể còn nguyên vết trầy sướt, những người có mặt tại phòng bệnh, ai cũng xót xa.

Dường như những lần roi đòn dã man của người cha ruột, đã khiến cho Tự cảm thấy quá sợ hãi. Đối với em, mọi cử chỉ, hành động đều dè dặt, hễ không vừa lòng cha thì sẽ bị đánh đòn rất tàn bạo. Không chỉ ở tay chân, khắp cơ thể cậu bé đều có dấu tích của việc bị bạo hành. Bà con, hàng xóm nơi cậu bé và người cha sống đều khẳng định việc đánh đập là chuyện xảy ra rất thường xuyên.

 

Chị Phan Thị Lên- mẹ ruột của Tự, xót lòng nhìn những vết thương của con
Chị Phan Thị Lên- mẹ ruột của Tự, xót lòng nhìn những vết thương của con


Bà Trần Thị Điều- chị ruột của Trần Thới cho biết: Ngày vợ chồng nó chưa ly hôn thì tôi thường xuyên phải chứng kiến cảnh nó đánh vợ, đánh con. Lúc nó đánh thì không ai được vào can ngăn. Càng can thì nó càng đánh đập nặng nề hơn. Giờ vợ nó ly hôn, thoát khỏi cảnh nghiệt ngã rồi thì mọi roi đòn đều dồn vào đứa con út tội nghiệp. Tôi thấy nó đánh thằng Tự mà lòng như xát muối. Đau lắm, một bên là em ruột, một bên là cháu ruột mình. Nhưng nó ác quá, phải làm cách nào cứu thằng Tự ra khỏi tay nó mới được.

Ông Trần Thới kết hôn cùng chị Phan Thị Lên đã được 18 năm và có 3 mặt con. Thế nhưng, 18 năm hôn nhân ấy với chị Lên chỉ là sự tủi nhục và nỗi ám ảnh khôn nguôi về người chồng tàn bạo. Chị Lên kể: Ngày còn sống chung với nhau, chỉ cần không vừa lòng bất cứ chuyện gì là ông Thới liền lôi vợ, con ra đánh. Lúc lên cơn nóng giận ông ta gặp gì là cầm lấy để đánh đập mẹ con tôi. Từ khi 3 đứa con sinh ra đời, chúng đã quá quen với việc bị cha hành hạ. Đứa nào cũng sợ cha như sợ cọp! Tôi đã nhiều lần báo cáo lên chính quyền nhưng họ chỉ gọi lên giáo dục rồi thả về. Thế là ông ta vẫn chứng nào tật nấy.

Cách đây 4 năm, vì không chịu nổi cảnh hành hạ dã man, chị Lên xin ly hôn và không dám ở Quảng Ngãi nữa mà phải đi làm ăn xa. Theo lời chị, dù đã ly hôn rồi nhưng lúc nào chị cũng bị ám ánh việc người chồng cũ sẽ xuất hiện và liên tiếp dội đòn vào người. Chị xin dẫn con đi cùng nhưng ông Thới không chấp nhận mà giành cháu Tự lại sống cùng. Thế là, Tự phải gánh chịu roi đòn liên tiếp từ người cha trong nhiều năm liền. Chỉ vì những lý do hết sức đơn giản như: ăn ít cơm, chạy qua nhà hàng xóm chơi… Tự đều phải chuốc lấy sự nổi nóng kinh hoàng của người cha.

 

Cháu Trần Tự có dấu hiệu bị ngườ cha ruột đánh đập dã man nhiều lần trong thời gian dài
Cháu Trần Tự có dấu hiệu bị người cha ruột đánh đập dã man nhiều lần trong thời gian dài


Nổi tiếng vì hoàn cảnh gia đình éo le nhưng học hành giỏi giang, Tự được bạn bè, thầy cô yêu mến vô cùng. Qua nhiều lần thấy cháu Tự đến trường với nhiều vết bầm tím khắp người, khuôn mặt xanh xao, cô giáo chủ nhiệm của Tự- chị Nguyễn Thị Kim Lên đã đến nhà làm việc với ông Thới. Kết quả lần nào cũng nhận được câu nói lật lọng của người cha tàn ác: Nó đi đứng bị vấp ngã hay bị vật gì rơi vào người mới bầm tím như vậy thôi!

Không có sự hợp tác của người cha, cô Nguyễn Thị Kim Lên cũng đã gọi trực tiếp cho mẹ ruột của Tự để phản ánh. Cô giáo chủ nhiệm cho hay: Ở trường, cháu Tự rất ngoan, lại là học sinh giỏi. Nhưng không hiểu sao một đứa trẻ ngoan, hiền như vậy lại liên tiếp bị người lớn đánh đập. Tôi rất bức xúc và gọi điện trao đổi với mẹ ruột của cháu. Được biết, mẹ cháu nhiều lần từ miền Nam về với ý định dẫn cháu đi nhưng đều bị ông Thới ngăn cản cùng lời đe dọa đến đứa con trai: “Mày mà bước ra khỏi nhà thì tao sẽ đánh mày đến chết!”

Thế là, dù rất sợ hãi, cảnh bị đánh đập thường xuyên nhưng cháu Tự vẫn rất ngoan ngoãn ở nhà, nghe theo lời cha trong nỗi ám ảnh kinh hoàng vì roi đòn. Ôm mẹ vào lòng, Tự thỏ thẻ: “Ra viện rồi, má dẫn con vào Nam sống nghen má!”. Sâu thẳm trong lòng đứa trẻ 9 tuổi, vẫn còn sự sợ hãi dai dẳng với người cha tàn bạo. Hiện công an huyện Tư Nghĩa vẫn đang tiếp tục điều tra và củng cố hồ sơ, thu thập đủ bằng chứng để tố cáo vụ án người cha ruột bạo hành con trai.

Qua chuyện của bé Trần Tự, một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về nạn bạo hành gia đình, đặc biệt là bạo hành trẻ em lại được gióng lên. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần khẩn trương có động thái để lấy lại sự công bằng cho bé Trần Tự. Những đứa bé như Tự rất xứng đáng được nuôi nấng, giáo dục tốt thay vì phải hứng chịu những roi đòn từ người lớn.
 

Ngành chức năng nói gì?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng- Trưởng phòng phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp: Cần đưa bé Trần Tự đi giám định về thương tích thể chất và tinh thần
 
Trong Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, quy định khá rõ về 4 nhóm hành vi. Trong đó, trường hợp ông Trần Thới đánh con đến bầm tím thân thể là hành vi bạo lực về thể chất. Nếu tỉ lệ thương tật trên người cháu trên 11% thì chúng ta có thể xử lí theo Luật hình sự với mức án từ 3 năm đến tù chung thân.
 
Tuy nhiên, trường hợp tỉ lệ thương tật của cháu chưa đến 11% nhưng có bằng chứng bị bạo hành nhiều lần trong thời gian dài thì vẫn có thể xử lý người cha theo điều 9, Luật hình sự về tội “cố ý gây thương tích”. Sau khi có kết quả xử lý của cơ quan điều tra, người cha sẽ không được tiếp xúc với con trai và bị tước quyền nuôi con. Người mẹ có thể giành quyền nuôi con nếu có đơn yêu cầu. Qua xem xét, cơ thể cháu Trần Tự chỉ bị thương phần mềm nhưng bị đánh đập trong thời gian dài, cháu  rất có thể bị thương tật về tinh thần. Do đó cơ quan chức năng cần đưa cháu đi giám định thương tích để làm căn cứ xử lý hành vi bạo hành của người cha.
 
Bà Trương Thị Diệu Hảo- Trưởng Ban gia đình xã hội, Hội LHPN tỉnh: Sẽ can thiệp tước quyền nuôi con của ông Trần Thới
 
Sau khi sự việc xảy ra, chi hội phụ nữ xã cũng đã tích cực vào cuộc can thiệp nhằm tố cáo hành vi bạo hành của ông Trần Thới với cơ quan điều tra. Chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng tách đứa bé khỏi sự kiểm soát của người cha để tránh trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của cháu về sau này.
 
 
Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi hội phụ nữ xã Nghĩa Điền theo dõi, và can thiệp kịp thời nhằm lấy lại công bằng cho cháu Trần Tự. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan chức năng, có văn bản đề nghị tước quyền nuôi con của người cha nếu cần thiết.

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.