(QNg)- Theo lộ trình, tháng 9/2013, thủy điện Đắkdrinh sẽ hoàn thiện và đi vào phát điện tổ máy số 1; tháng 12/2013 sẽ phát điện tổ máy số 2. Tiến độ thi công các hạng mục đến thời điểm này đều đạt từ 80% đến 90% khối lượng. Tuy nhiên, công tác định cư, định canh cho dân thì vẫn chưa đến đâu…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Định cư... còn chờ !
Công trình thủy điện Đắkdrinh xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum và huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi. Trong đó, diện tích chiếm đất là 975 ha, gồm diện tích ngập lòng hồ 567 ha; diện tích xây dựng công trình 158 ha; diện tích tái định cư (đất ở, đất vườn) 250ha. Số xã bị ảnh hưởng gồm: Sơn Tân, Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Dung. Số hộ phải di dời 250 hộ, 882 nhân khẩu. Trong đó có 204 hộ phải di dời đưa vào khu tái định cư. Dự án bồi thường, di dân, tái định cư thuộc thủy điện Đắkdrinh do UBND huyện Sơn Tây làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện từ năm 2010. Đến nay, tiến độ thực hiện dự án này chậm so kế hoạch đề ra.
Đập chính thủy điện Đăkdrinh trong giai đoạn “nước rút”. Ảnh: THANH NHỊ |
Việc tái định cư cho dân được UBND huyện Sơn Tây bố trí tại 4 khu tái định cư tập trung gồm: Khu TĐC Nước Vương (Sơn Liên) 34 hộ (9 hộ TĐC tự do); Nước Lang (Sơn Dung) 72 hộ; Anh Nhoi 1 (Sơn Long) 30 hộ; Anh Nhoi 2 (Sơn Long) 68 hộ. Hiện tại mới chỉ có khu tái định cư Nước Vương được triển khai thực hiện xây dựng nhà ở; còn các khu khác mới đang lập thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh, khu TĐC Nước Vương phải hoàn thành chậm nhất vào cuối tháng 9/2012. Thế nhưng đến tháng 4/2013, nhà ở mới chỉ xây xong phần “xương”, chưa lợp mái, chưa lát nền nên dân chưa thể vào đây “ổn cư” được. Còn 3 khu TĐC Nước Lang, Anh Nhoi 1, Anh Nhoi 2, UBND huyện Sơn Tây cam kết đến hết tháng 6/2013 sẽ hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau đó đưa vào triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, nhưng không đưa ra mốc thời gian bao giờ hoàn thành bàn giao cho dân vào ở!
Chính vì chưa thấy khu TĐC được xây dựng nên người dân khi được vận động tham gia TĐC tập trung rất băn khoăn. “Cán bộ bảo mình vào ở trong khu TĐC tập trung nhưng hiện giờ chỉ thấy toàn rừng xanh rì, chẳng thấy nhà, thấy vườn đâu. Mình muốn nhìn thấy cái nhà, cái vườn của mình để an tâm” – anh Đinh Văn Hố, thuộc diện di dời vào khu TĐC Anh Nhoi 2, xã Sơn Long nói.
Trong khi đó, UBND huyện Sơn Tây và Dự án thủy điện Đắkdrinh lại chưa thống nhất một số nội dung và cho rằng, dự án đã không thực hiện đúng thỏa thuận về xây dựng khu TĐC cho dân như ban đầu. Cụ thể như diện tích đường giao thông nội vùng, ngoại vùng bị “cắt” bớt; mức hỗ trợ chênh lệch trong xây dựng nhà TĐC cho dân đối với những hộ thiếu kinh phí không nhất quán. “Nhiều vấn đề Dự án và huyện Sơn Tây cần phải có thời gian bàn bạc, thảo luận để giải quyết, không thể chỉ gửi giấy tờ, công văn là xong”, ông Vương Quý Thạch-Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án thủy điện Đắkdrinh cho biết.
Thực tế hiện nay, TĐC cho 204 hộ dân thuộc diện di dời đang xảy ra tình trạng “3 nhà” gồm hộ dân, chính quyền địa phương và dự án đang “nhìn” vào “hành động” của nhau. Dân mong “nhìn” thấy ngôi nhà TĐC của gia đình mình; huyện Sơn Tây mong “nhìn” thấy hành động điều chỉnh của dự án; còn dự án lại trông chờ vào việc “được thông cảm” từ phía chính quyền và người dân!
Định canh... mới trên giấy !
Theo cam kết của dự án, ngoài được hỗ trợ nhà ở trên diện tích đất 1.000m2 (400 mét đất ở, 600 mét đất vườn), hộ dân thuộc diện phải di dời còn được nhận 10.000m2 đất sản xuất (trong đó có 1.500 m2 ruộng lúa nước). Thế nhưng, trên thực tế, sau khi đã nhường đất sản xuất cho thủy điện, thì quyền lợi tái định canh cho dân mới chỉ nằm trên… 3 phương án!
Phương án 1, nếu những hộ dân có diện tích đất còn lại đảm bảo đủ để canh tác thì tiến hành kiểm tra xác định diện tích cụ thể và thực hiện chi trả tiền bồi thường cho dân theo quy định để dân tiếp tục sản xuất.
Khu tái định cư Nước Vương cho 25 hộ dân xóm Nghèo đến nay vẫn chưa có nóc dù tiến độ đã chậm 6 tháng! |
Phương án 2, nếu hộ dân không còn đất nhưng đủ khả năng tự khai hoang và cam kết không thực hiện tái định canh thì yêu cầu hộ dân chứng minh, xác định cụ thể diện tích đất để bồi thường cho dân.
Phương án 3, nếu hộ dân không thuộc hai trường hợp trên thì giao cho Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện thực hiện các bước tái định canh theo quy định. Và chuyện tái định canh dự án thủy điện Đắkrdinh đến thời điểm này vẫn chỉ là… phương án!
Hiện nay có nhiều hộ dân sau khi bị thu hồi đất, diện tích còn lại trên 1 ha đảm bảo đủ sản xuất nhưng không có đường vào khu sản xuất đang kiến nghị xem xét xây dựng các tuyến đường để thuận tiện đi lại, vận chuyển nông, lâm sản. Thế nhưng, mong mỏi này vẫn chưa được dự án chấp thuận.
Tại buổi kiểm tra công tác tái định cư cho dân thủy điện Đắkrdinh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan yêu cầu huyện Sơn Tây, BQL Dự án thủy điện Đắkdrinh phải khẩn trương bàn bạc, thống nhất tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhất quán cách làm, hỗ trợ tích cực để lo tái định canh, định cư cho dân. “Làm không nổi, thì báo tỉnh, cần thiết tỉnh mời người có thẩm quyền quyết định của Dự án Đắkdrinh ở Trung ương về để bàn bạc, cùng tháo gỡ. Cá nhân, đơn vị nào để xảy ra chậm trễ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan nhấn mạnh.
Bài, ảnh: THANH NHỊ