Phòng, chống cháy rừng: Nhìn từ ý thức người dân

09:04, 22/04/2013
.

(QNg)- Toàn tỉnh hiện có 261.618 ha rừng, trong đó rừng trồng 151.171 ha và rừng tự nhiên 110.447 ha.  Năm 2012 xảy ra 19 vụ cháy, thiêu rụi gần 67 ha rừng. Dự báo năm nay nắng nóng sẽ gay gắt hơn nên nguy cơ rừng bị cháy là rất lớn.

TIN LIÊN QUAN


101 lý do cháy rừng

Bước vào mùa khô hạn, người dân Hành Tín Đông - xã có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất huyện Nghĩa Hành (1.012 ha) lại ăn không ngon, ngủ không yên vì bị những lò than ám ảnh. Bởi, dưới cái nắng nóng như đổ lửa, chỉ cần một mẩu than nhỏ cũng dễ khiến hàng nghìn ha rừng ở đây biến thành tro.

Vì vậy, dù tình trạng đốt than gần đây đã tạm lắng, nhưng họ vẫn nơm nớp lo sợ, không dám lơ là việc thăm rừng. Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trường Lệ Trần Trọng Tài cho biết: Khu rừng này không chỉ chiếm diện tích lớn, địa hình phức tạp mà nó còn giữ được gần như nguyên vẹn các tầng sinh thái nên chỉ cần sơ sẩy là “chết” ngay. Trong khi đó, một số người dân ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ vẫn thường lén lút lên rừng đốn hạ cây cối để đốt than dù Ban quản lý đã nhiều lần phát hiện, xử lý. “Phá hủy hầm xong, họ lén xây cái khác. Hành động này không chỉ khiến cây gỗ non bị triệt hạ, mà còn đẩy nguy cơ cháy rừng luôn trong tình trạng căng như dây đàn”, ông Tài cho hay.

 

Đốt rừng làm nương rẫy là  nguy cơ dẫn đến cháy rừng.
Đốt rừng làm nương rẫy là nguy cơ dẫn đến cháy rừng.


Còn tại huyện Đức Phổ, địa phương dẫn đầu tỉnh về số vụ cũng như mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra trong năm 2012 (10 vụ/47 ha rừng bị thiêu rụi) cũng thấp thỏm khi vào mùa nắng nóng. Bởi đến giờ, người dân thôn Vạn Lý, xã Phổ Phong vẫn chưa quên đám cháy xảy ra vào ngày 12/8/2012 khiến gần 20 ha bạch đàn và keo bị lửa thiêu rụi. “Dù không xác định nguyên nhân chính xác (chỉ phán đoán là do người dân vô ý vứt tàn thuốc lá ra vạt rừng khiến lửa bốc cháy-PV) nhưng hầu hết những vụ cháy rừng trên địa bàn huyện đều do sự bất cẩn của người dân, nhất là việc đốt thực bì”, ông Trần Em - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ nói.    

Với huyện miền núi Minh Long, tuy không có những vụ cháy rừng lớn, nhưng chính quyền địa phương cũng đau đầu với tình trạng người dân lén đốt rừng để… trồng lúa! Khổ nỗi là điểm rừng được chọn để trồng lúa thường ở sâu, lực lượng chức năng khó phát hiện, nên nguy cơ lửa lan sang các khu rừng lân cận là rất lớn.

Phòng cháy là chính

Đốt rừng trồng lúa, đốt than hay đốt thực bì khiến lửa cháy lan đều do sự bất cẩn của người dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được ẩn họa do mình gây ra. Vậy nên mới có chuyện 5 người dân ở thôn Làng Reng, xã Long Môn (Minh Long) sau khi đốt 3,1 ha rừng để trồng lúa đã vô tư thổ lộ rằng: “Rừng lớn thế này, mình chỉ phát một vạt nhỏ để gieo lúa chứ có đốt nhiều đâu”! Còn những người chặt cây rừng đốt làm than thì lại biện minh cho cái nghèo, cứ thản nhiên đặt lò lửa ngay trong lòng rừng mà không mảy may lo lắng.

Quan ngại nhất vẫn là tình trạng người dân đốt thực bì nhưng chủ quan, không áp dụng các kỹ thuật và biện pháp phòng cháy, chữa cháy, nên khi đám cháy lan ra diện rộng thì chỉ biết chờ lực lượng chức năng ứng cứu. Điều đáng nói là hầu hết những người này lại cho rằng, việc mình làm chỉ là do… sơ ý. Khi bị các ngành chức năng phát hiện và xử lý, họ mới… giật mình xin tha! “Rõ ràng, người dân thiếu cả ý thức và kiến thức bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng”, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Nguyễn Văn Thuần nhận định.

Ngay từ đầu mùa khô 2013, cùng với việc nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng, các địa phương còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý những trường hợp phá rừng, gây nguy hiểm cho rừng. Đồng thời, nhiều địa phương đã củng cố lực lượng tuyến cơ sở, đầu tư trang thiết bị, chủ động xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần). Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, biện pháp trọng tâm nhất vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trang bị kiến thức bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng đến từng hộ dân và các chủ rừng. Bởi xét cho cùng, rừng hiếm khi vô cớ tự phát cháy, nên nếu được chính chủ của mình nâng niu, bảo vệ thì nó vẫn có thể sống bình yên...  

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.