(QNg)- Tháng 8/2012, Công ty TNHH công nghiệp nặng DoosanVina tài trợ cho xã An Bình (đảo Bé) huyện đảo Lý Sơn hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt, trị giá 1 triệu USD. Nhà máy “triệu đô” này có công suất 100 mét khối nước ngọt/ngày, đủ cấp nước cho hơn 500 nhân khẩu. Thế nhưng kể từ tháng 1/2013, nhà máy hoạt động cầm chừng. Người dân đảo Bé lại trở về với điệp khúc cũ: Thiếu nước ngọt. Nguyên nhân vì sao?
TIN LIÊN QUAN |
---|
NHÀ MÁY CẤP NƯỚC “NHỎ GIỌT”
Ở đảo Bé - Lý Sơn, mùa nắng hạn thường đến sớm. Những chiếc lu chứa nước mưa những tưởng chỉ còn trong kỷ niệm từ khi có nhà máy “triệu đô” đi vào hoạt động. Nhưng nay lại phải tái xuất để “hóng” nước trời. “Trông chờ vào nước ngọt của nhà máy cấp thì thiếu nước dùng, vì cứ 3 đến 5 ngày nhà máy mới cấp một lần, nhưng cũng chỉ cấp ít chục lít, chủ yếu là để uống. Còn mọi sinh hoạt khác, người dân phải tận dụng nước mưa", bà Trần Thị Dung, khu dân cư số 2 đảo Bé tâm sự.
Tháp chứa nước Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ở đảo Bé đã và đang “cạn” dần vì nhà máy thiếu nhiên liệu hoạt động cầm chừng! Ảnh: Thanh Nhị |
Ông Trần Ngọc Hoằng - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, hiện tại mỗi ngày máy chỉ chạy khoảng 1 tiếng đồng hồ, chứ không chạy hết công suất như trước nữa. Nguyên nhân là thiếu tiền mua dầu để chạy máy! “Mỗi tiếng máy ngốn hết 14 lít dầu, với giá như hiện nay tốn hơn 300.000 đồng. Công suất của giờ đầu chỉ đạt độ vài ba mét khối nước. Số nước ấy chỉ đủ dân uống thôi. Xã đã vận động bà con tận dụng nước mưa để dùng cho sinh hoạt hàng ngày”. Trong khi đó, người dân đảo Bé lại yên tâm rằng, khi nhà máy đi vào hoạt động, lượng nước ngọt được cung cấp đủ dùng nên chủ quan không dự trữ nước mưa. Vì thế, mới đầu mùa khô đã không ít hộ dân lao đao vì thiếu nước.
Ông Hoằng phân trần, từ tháng 8/2012 đến hết ngày 31/12/2012, kinh phí do Công ty DoosanVina tài trợ, nên nhà máy hoạt động liên tục. Còn từ ngày 1/1/2013 trở về sau, công ty không tài trợ nữa, ngân sách địa phương phải bỏ ra để mua dầu chạy máy. Ngân sách lại có hạn, nên cố lắm cũng chỉ chạy cầm chừng vậy thôi.
LẤY TIỀN ĐÂU ĐỂ “NUÔI” NHÀ MÁY!
Theo tính toán để cung cấp 30 mét khối nước cho 500 người dân trên đảo (60 lít nước/người/ngày) trong năm 2013, Lý Sơn cần nguồn kinh phí khoảng 1,23 tỷ đồng để bù chênh lệch giá bán nước. Trong đó, xăng dầu 999 triệu đồng, thay thế phụ tùng 153 triệu đồng, trả công tổ vận hành máy 131 triệu đồng, trang bị dụng cụ lao động và vật dụng khác 20 triệu đồng...
Kỹ sư Doosan Vina bảo trì máy móc, thiết bị nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ở đảo Bé. Ảnh: Thanh Nhị |
Chiều 5/4/2013, tại cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ nhà máy nước đảo Bé với UBND huyện Lý Sơn và các sở, ngành, đồng chí Phạm Như Sô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mục tiêu của việc xây dựng nhà máy là hỗ trợ cho người dân An Bình có nước ngọt dùng cho sinh hoạt. Do đó, tỉnh đồng ý cấp bù giá nước cho An Bình. Tuy nhiên, để nhân dân có trách nhiệm trong việc sử dụng nước tiết kiệm, huyện phải xây dựng 2 bảng giá nước: Nước cho sinh hoạt trong định mức mỗi khẩu 2m3/tháng, giá 11.000đồng/m3; giá nước vượt định mức là 119.000đồng/m3. |
Nếu quy ra giá thành thì 1 mét khối nước ngọt cho dân đảo Bé được “sản xuất” từ nhà máy này có giá tới 119.072 đồng. Và như vậy, ngân sách phải bù lỗ 112.572 đồng cho mỗi mét khối nước ngọt được “chiết ra” từ nhà máy này.
Mới đây, huyện Lý Sơn đã đề nghị tỉnh hỗ trợ 1,23 tỷ đồng để bù chênh lệch giữa chi phí quản lý, vận hành với giá thành cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trên đảo Bé trong năm 2013. Sở Tài chính cho biết, việc hỗ trợ khoản chênh lệch này được lấy từ ngân sách tỉnh!
Một lãnh đạo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh cho rằng: Mỗi năm ngân sách bỏ ra 1,23 tỷ đồng để vận hành nhà máy cấp nước cho dân cư ở đảo Bé là số tiền không nhỏ. Nếu đem số tiền này để mua nước ngọt (từ đảo lớn) cấp cho dân đảo Bé thì vẫn lợi hơn. Lý giải của vị lãnh đạo này xem ra có lý. Vì như là quy luật của tự nhiên, ở đảo Bé hay tận Trường Sa cũng vậy thôi, không phải quanh năm dân “khát” nước, mà chỉ có những tháng của mùa khô thôi. Nhiều người dân đảo Bé còn quả quyết rằng, những tháng mùa mưa, chúng tôi sẽ không mua nước máy(?!).
Quả là trớ trêu, nếu mọi sự trên đời cứ lấy tiền làm thước đo giá trị, thì biết đến bao giờ chiếc lu hứng nước mưa của người dân đảo Bé mới đi vào dĩ vãng. Biết đến bao giờ mới lý giải được tại sao DoosanVina lại "cho không" người dân đảo Bé nhà máy "triệu đô". Câu chuyện "hậu" nhà máy triệu đô ở đảo Bé nếu cứ lấy tiền để tính thiệt hơn sẽ không có lời kết có hậu.
BÁ - THANH