(QNĐT)- Như thông lệ, vào giữa tháng ba hằng năm, những người yêu chuộng hòa bình khắp nơi trên thế giới lại về Sơn Mỹ (Tịnh Khê - Sơn Tịnh), nơi xảy ra vụ thảm sát 504 thường dân để cầu mong linh hồn các nạn nhân được siêu thoát, cầu mong hòa bình và giúp đỡ người dân Sơn Mỹ vươn lên trong cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày 16 tháng 3 năm 1968, sau một đợt công kích dọn chỗ ngắn bằng pháo và súng máy bắn từ trực thăng, Đại đội Charlie đổ bộ vào Mỹ Lai - Sơn Mỹ. Họ xả súng vào đàn ông không mang vũ khí, đàn bà, trẻ em và cả trẻ sơ sinh. Những gia đình bị giết không thương tiếc. Phụ nữ bị cưỡng bức hàng loạt. Những người quỳ lạy bị đánh đập và tra tấn bằng tay, bằng súng, bị đâm bằng lưỡi lê. Một số nạn nhân bị cắt xẻo với dấu “C Company” (Đại đội C” trên ngực. Làng Mỹ Lai tan hoang, xác 504 thường dân vô tội la liệt khắp nơi.
Đã 45 năm trôi qua, nhưng vụ thảm sát Sơn Mỹ vẫn khiến thế giới phẫn nộ. Sơn Mỹ ngày càng nhận được nhiều đồng cảm và sẻ chia của nhân loại yêu chuộng hòa bình khắp nơi trên thế giới. Từ nơi hủy diệt, chứa đựng đầy oán giận và mất mát, mảnh đất Sơn Mỹ đã hồi sinh bằng niềm tin và lòng vị tha. Giờ đây, người Sơn Mỹ luôn mở vòng tay nhân ái, với những người một thời bên kia chiến tuyến.
Đều đặn 21 năm qua, Mike trở lại Mỹ Lai vào tháng 3. Ngày mai, Mike lại tấu vĩ cầm như lời tạ tội, sự xám hối, cầu nguyện cho những người đã nằm xuống. |
21 năm qua, Roy Mike Boehm, cựu binh Mỹ, đều đặn trở lại Mỹ Lai mỗi dịp tưởng niệm vụ thảm sát đau thương. Mike trong trang phục áo dài, khăn đóng đứng dưới chân tượng đài Khu chứng tích Sơn Mỹ tấu vĩ cầm như lời tạ tội, sự xám hối, cầu nguyện cho những người đã nằm xuống, với thông điệp không để nơi nào còn xảy ra nỗi đau như ở Mỹ Lai. Từ lâu ông đã trở thành người bạn thân thiết với người dân Mỹ Lai. Nhiều người còn gọi ông bằng cái tên rất đổi thân mật “ông Mai”.
“Lúc ấy tôi còn quá trẻ. Tôi đã bị dối lừa khi dấn thân vào cuộc chiến phi nghĩa. Chiến tranh quá tàn khốc. Làm sao có thể bù đắp được những mất mát, đau thương? Chúng tôi chỉ biết rằng giúp đỡ các bạn, giúp đỡ những nạn nhân. Mỗi lần đến là mỗi lần nung nấu một ý nghĩ phải làm gì đó cho Sơn Mỹ, mong hàn gắn vết thương chiến tranh trên mảnh đất đau thương, nghèo khó này” giọng Mike chùng xuống.
19 năm nay, Tổ chức Madison Quaker, Inc do Mike làm giám đốc đã quyên góp, hỗ trợ để giúp hàng ngàn phụ nữ nghèo tại Quảng Ngãi với 17 chương trình tín dụng, xây dựng phòng học, nhà tình thương, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam… Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, nở nụ cười sau những mất mát đau thương mà họ đã trải qua trong cuộc chiến.
“Chúng tôi đã làm được điều đó nhưng vẫn còn nhỏ bé với những gì mà họ cần chúng tôi giúp đỡ. Tôi nguyện sẽ làm công việc này đến khi nào đầu óc tôi còn minh mẫn”- Mike chia sẻ.
Mike thổ lộ: Tôi rất vinh dự và tự hào khi mặc áo dài là quốc phục của Việt Nam, điều đó thể hiện sự tôn kính của Mike với nhân dân Việt Nam. Không biết tự bao giờ, ông đã chọn vùng đất này là quê hương thứ hai của mình.
Những ngày qua, nhiều du khách trong nước và nước ngoài đã đến Sơn Mỹ để dự lễ tưởng niệm 45 năm thảm sát Sơn Mỹ. |
Cũng như Mike, hơn 10 năm qua, cứ đến ngày tưởng niệm 504 thường dân bị quân đội Mỹ thảm sát, Billy Kelly - một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, thành viên của Tổ chức Madison Quarker, Inc lại đến Sơn Mỹ và mang 504 đóa hồng đặt dưới chân tượng đài Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Billy Kelly nói: “Năm nào tôi không sang Việt Nam dự lễ tưởng niệm được thì sẽ nhờ người khác làm việc này, bởi đây là tấm lòng của tôi đối với những thường dân vô tội trong vụ thảm sát”.
Mỗi lần đến Sơn Mỹ, Mike, Billy thường xuyên đi bộ khắp các xóm làng, gặp gỡ nhiều người, đến thăm nhiều gia đình, gặp gỡ nhân nhiều nhân chứng của vụ thảm sát. Những giọt nước mắt ân hận, lời xin lỗi muộn màng của những cựu chiến binh Mỹ đã làm vơi đi nỗi đau trong lòng đồng bào Sơn Mỹ.
Xúc động trước việc làm của Mike, Billy, nhiều tổ chức, cá nhân nhân đạo, từ thiện khắp nơi trên thế giới đã đến Sơn Mỹ. Những người bạn không cùng màu da, ngôn ngữ, lại gặp nhau ở sự đồng cảm, sẻ chia để cầu mong cho linh hồn các nạn nhân được siêu thoát, thế giới không còn chiến tranh, nhân loại được sống trong hòa bình và giúp đỡ người dân Sơn Mỹ vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Bài, ành: Ái Kiều