(QNg)- Đã thành lệ, khi ngày Tết qua đi thì cũng là lúc làng quê thưa bóng những người đàn ông, đàn bà trong độ tuổi lao động. Người ra đồng, người vào Sài Gòn, lên Tây Nguyên mưu sinh. Mỗi người mỗi gia cảnh, nhưng ai ra đi cũng mong gia đình có cuộc sống ấm no, sung túc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những ngày này, dọc QL 1 và Ga Quảng Ngãi có không ít người vai mang, tay xách hành lý đứng chờ xe, tàu vào các tỉnh phía Nam để mưu sinh. Anh Nguyễn Thỏa (52 tuổi) ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), hơn 5 năm qua vừa làm cha, vừa làm mẹ để chăm lo cho các con và canh tác mấy sào ruộng. Còn chị Lê Thị Tư vợ anh, sau những ngày vui Xuân đón Tết cùng gia đình đã trở lại TP.HCM để bán hàng rong.
Đội nắng chờ xe vào Nam mưu sinh. Ảnh: K.Ngân |
"Mỗi tháng tiện tặn cũng được 3 triệu đồng. Dù có vất vả, sống thiếu thốn tình cảm chồng con nhưng ở quê thì làm sao có được chừng ấy thu nhập, trong khi các con đang tuổi ăn, tuổi học, anh ấy lại đau yếu"- chị Tư tâm sự. Còn chị Nguyễn Thị Thảo, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) coi nghề buôn bán ve chai ở TP.HCM là cơ hội để thoát nghèo, nhưng chị không dám thổ lộ công việc này với người thân. Chị nói: "Mấy sào ruộng ở quê làm vụ được, vụ mất nên không đủ tiền nuôi 4 đứa nhỏ ăn học. Vào trong đó mua bán ve chai mỗi ngày cũng kiếm được hơn trăm ngàn đồng, nhưng nhếch nhác lắm".
Chuyện vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên làm ăn đối với người dân Quảng Ngãi không còn là chuyện đơn lẻ của một vài gia đình. Nhiều địa phương có cả làng ra đi và ăn nên làm ra, như ở xã Đức Phong, Tịnh Thọ, Phổ Khánh, Phổ Cường, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thương, Hành Đức... Sau rằm tháng Giêng, ở thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong (Mộ Đức) khá vắng vẻ. Ông Trần Tấn Vàng- Trưởng thôn Lâm Thượng thở dài, cho biết: "Sau Tết toàn thôn có gần phân nửa là đi làm ăn xa. Phần lớn phụ nữ vào TP.HCM mua bán ve chai, bán vé số, bán bánh. Đàn ông thì chạy xe thồ, làm thợ nề, lao động phổ thông. Một số người lên Tây Nguyên cạo mủ cao su, làm vườn cà phê. Do đó, tổ chức một phong trào gì đó ở địa phương rất khó…".
Với anh Lê Anh Vương ở xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) thì sự ra đi của anh là vì tương lai của hai đứa con đang học ở Đà Nẵng. Với anh, cái nghề thợ hồ chỉ có vào thành phố mới có công việc thường xuyên, chứ ở quê làm một tháng nghỉ vài ba tháng thì lấy tiền đâu lo học phí cho con. Tiễn anh Vương lên tàu, chị Lê Thu Hoài mắt đỏ hoe. "Hơn 10 năm rồi, hai vợ chồng chỉ ở bên nhau mấy ngày Tết. Dù không phải là lần đầu tiễn anh ấy đi, nhưng tôi vẫn thấy lòng bùi ngùi lắm" - chị Hoài tâm sự. Ở phía cuối sân ga, ông Trần Đức Hoạt ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) hôn vội đứa cháu ngoại Trần Như Quỳnh trước khi cháu cùng ba mẹ hành phương Nam mưu sinh. "Ba mẹ cháu làm công nhân ở TP.HCM. Tết gia đình quần tụ đông đủ, vậy mà vui chẳng được bao lâu lại phải xa nhau" - ông Hoạt tâm sự. Cùng cảnh ngộ ly hương mưu sinh, vợ chồng anh Lê Văn Tiến ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) phải gửi đứa con gái 10 tuổi cho ông, bà chăm sóc để bám đất sài thành làm đủ thứ nghề kiếm tiền lo cho gia đình.
Xã Tịnh Thọ cũng là một trong những địa phương có số người hành hương phương Nam làm ăn khá đông. Từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi mà dòng nước Thạch Nham chưa về với địa phương, vùng đất đồng gieo cằn cỗi làm không đủ ăn, nên cuộc sống của đại bộ phận nhân dân trong xã đều ở mức nghèo khổ. Thế rồi, phong trào ly hương vào Nam diễn ra mạnh mẽ. Nhiều người đã đổi đời, cuộc sống ổn định hơn. Có nhiều xóm mới hình thành gọi là "xóm Sài Gòn". Những ai có dịp đi ngang qua Tỉnh lộ 622C đoạn qua thôn Thọ Tây (xã Tịnh Thọ) sẽ rất ngạc nhiên với hàng chục ngôi nhà khang trang nằm cạnh ven đường. Nhà khá to nhưng quanh năm im ỉm, cửa đóng then cài. Những ngôi nhà đó là của những gia đình trẻ xây dựng nên nhờ đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam.
Ông Nguyễn Bá Ngoạt- Chủ tịch UBND xã Tịnh Thọ cho biết, địa phương không thống kê được cụ thể bao nhiêu người thường xuyên đi làm ăn sinh sống ở miền Nam, nhưng có thể nói là rất đông. Bên cạnh những mặt tích cực thì một số gia đình quanh năm suốt tháng làm ăn ở xa, thiếu quan tâm đến con cái, dẫn đến tình trạng con em bỏ học, hư hỏng, phạm pháp.
Vật lộn mưu sinh nơi đất khách quê người, những lao động nghèo đã vượt qua mọi vất vả chỉ để cuối năm về quê có ít tiền lo cho gia đình. Tận hưởng niềm vui đoàn tụ cùng người thân, rồi họ lại bịn rịn vào lại phương Nam trong tâm trạng đau đáu nỗi nhớ quê hương, gia đình.
Nhóm PV