Chuyện "nhặt" ở Lý Sơn

03:03, 18/03/2013
.

(QNg)- Có lẽ, ở Việt Nam, tàn tích của một ngọn núi lửa được nhìn thấy rõ "hình hài" nhất là ở Lý Sơn. Nơi đây, không chỉ có một mà có đến 4 ngọn núi lửa. Ngọn cao nhất, lớn nhất ở đảo lớn, trên đỉnh là miệng núi sâu hoắm, được sử dụng làm hồ chứa nước phục vụ tưới nước cho những cánh đồng xung quanh chân núi. Nếu như ở đô thị, "tấc đất, tấc vàng" thì ở Lý Sơn cũng gần như vậy, hầu như chỗ nào còn đất, đều được khai thác triệt để, để canh tác.

TIN LIÊN QUAN


Nơi người không cho đất "nghỉ"


Tôi ra Lý Sơn, nghe được một câu nói của các bạn trẻ nơi đây, vừa tự hào về sự cần cù, chăm chỉ, vừa cho thấy sự khó khăn của người dân vùng đảo: "ở đây, người không cho đất nghỉ". Đất không được "nghỉ"! Một khái niệm thật thú vị. Ở đâu, có sự chăm chỉ, cần cù hơn thế?!

 

Đảo Lý Sơn nhìn từ phía biển.                      ảnh: P.V
Đảo Lý Sơn nhìn từ phía biển. ảnh: P.V


Huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 10 km², dân số khoảng 2 vạn người. Chính vì đất hẹp, người đông, một phần lớn là núi đá khô cằn nên ở Lý Sơn, hầu như tất cả mọi nơi đều được tận dụng để trồng cây, và hết mùa này, đến mùa khác, các loại cây trồng khác nhau được luân canh, không cho đất "nghỉ". Từ tháng 9 hoặc 10 năm trước đến tầm tháng 2 hoặc 3 năm sau, là vụ tỏi; hết mùa tỏi, người dân lại làm đất để chuyển sang vụ hành, hết hành lại chuyển sang dưa; và hết vụ dưa, là chuyển sang trồng các loại đậu. Sản phẩm nào ở Lý Sơn cũng đặc biệt ngon, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tỏi. Nếu như một người khách nào đến Lý Sơn mà không mang được ít tỏi về làm quà hay khách đến Lý Sơn mà chủ nhà chưa biếu cho ít tỏi, thì xem như chưa đến Lý Sơn…

Nghề trồng tỏi

Tỏi Lý Sơn nổi tiếng cả nước, đến nỗi Lý Sơn còn được gọi là "đảo tỏi". Không biết vì thời tiết, đất đai hay do quy trình và kinh nghiệm trồng tỏi từ lâu đời, mà tỏi Lý Sơn tuyệt ngon, với tép nhỏ, mùi vị thơm, cay, dịu. Trên nền đất khô cằn, người dân Lý Sơn rải lên những lớp cát san hô được lấy từ bờ biển rồi tiếp tục phủ lên một lớp cát trắng. Cứ sau một, hai mùa thu hoạch, lớp cát cũ được cào bỏ, một lớp cát mới được thay thế. Những cánh đồng tỏi được chăm bón, dẫn nước ra tận nơi để tưới tắm chu đáo không để tỏi quá khô hạn; có nơi, đồng tỏi còn được che lưới để tránh gió biển… Những giọt mồ hôi rơi xuống trên cánh đồng cát san hô trắng vàng, để vun trồng những củ tỏi thơm ngon không nơi nào sánh được. Song, cũng có những vụ tỏi mất mùa. Mỗi củ tỏi chỉ có duy nhất một múi (tép) tỏi, người Lý Sơn thường gọi là "tỏi một", hay "tỏi cô đơn", "tỏi mồ côi".

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, những cây tỏi này chỉ có duy nhất một tép, thay vì một củ tỏi với khoảng 6-7 tép. Vì vậy, sản lượng tỏi chỉ bằng 1/8 đến 1/9 so với loại tỏi bình thường. Song, cũng là luật bù trừ của tự nhiên, trời cho loại tỏi này nhiều đặc điểm mà tỏi bình thường không thể nào có được. Hôm ra Lý Sơn, tôi bị đau bụng, được chủ nhà cho uống nửa ly rượu tỏi, vậy mà khỏi hẳn! Khả năng phòng, chữa bệnh của rượu ngâm tỏi cô đơn hiệu quả hơn nhiều so với các loại tỏi thông thường…

Những chàng trai bám biển

Đội tàu thuyền Lý Sơn là một đội mạnh! Hiện, huyện đảo có gần 450 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Ở Lý Sơn, trở thành ngư dân có thể từ lúc mới 14, 15 tuổi. Thầy giáo Tổng phụ trách đội TNTP Trường tiểu học An Vĩnh - Võ Xuân Kiêm khoe rằng, đã từng đi biển từ lúc học cấp hai. Vậy mà vẫn đỗ Trường cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn. Tốt nghiệp ra trường, đi dạy, nhưng hè đến, anh vẫn theo tàu nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến. Với anh Kiêm, đi biển còn là một tình yêu, không đi, sẽ nhớ… Tôi đến chơi nhà của Tống Đức Chiến, Đinh Văn Thời (thôn Tây). Mới 21, 22 tuổi nhưng các anh đã có 7 năm bám biển, hầu như vùng biển nào ở biển Đông các anh cũng đã từng đến, nhớ tên từng hòn đảo chìm, đảo nổi, từng rặng san hô.

Ngư trường truyền thống vẫn là vùng biển Hoàng Sa, nơi mà các thế hệ ông cha của họ đã đặt chân đến. Những chàng trai trẻ này mỗi chuyến vật lộn với sóng gió từ một tháng đến tháng rưỡi mới vào bờ, nghỉ ba, bốn ngày để chuẩn bị lương thực, dầu, đá (nước đá) rồi lại lên đường. Mỗi chuyến đi, trung bình được khoảng 7-9 triệu đồng; khi trúng luồng cá, thì được nhiều hơn. Đã làm nghề đánh bắt xa bờ, giữa mênh mông sóng nước, nguy hiểm tất nhiên là có nhiều: Sóng gió, mưa bão, hải tặc, tàu chết máy… nhưng trong câu chuyện nhặt này, chỉ nói về chuyện nguy hiểm khi lặn biển để đâm cá hoặc lấy ốc. Hỏi chuyện, mấy ngư dân trẻ cho biết, có thể lặn đến 60, 70 mét nước.

Tôi nghe, mà không tin ở tai mình. Rồi hỏi lại, vậy, lặn có bình ô xy, áo quần chuyên dụng bảo vệ không? Chàng trai cười: Bọn em chỉ mặc áo quần này (bình thường) thôi à, miệng thì ngậm thêm dây dẫn khí, chứ có bình lặn, áo lặn gì đâu". Những chàng trai này không sợ độ sâu, áp suất, mà sợ ống dẫn khí bị tắc (do bị gập, rối), bị tuột hoặc máy nổ bơm khí bị hỏng. Lúc đó không có ô xy, kéo lên thì không kịp, mà có kịp thì cũng khó sống bởi cơ thể bị giảm áp suất đột ngột…

Đội Hoàng Sa

Ở Lý Sơn, có bảo tàng Hoàng Sa và tượng đài tưởng niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, tọa lạc tại một vị trí đẹp, trên tuyến đường đẹp nhất, hướng ra biển Đông. Hẳn, chúng ta ai cũng biết, từ hơn 360 năm trước, các Chúa Nguyễn thiết lập nên đội Hoàng Sa gồm 70 người (suất). Mỗi năm đội Hoàng Sa luân phiên nhau đi giữ biển đảo.

Nhân dân Lý Sơn được mùa tỏi.
Nhân dân Lý Sơn được mùa tỏi.

Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, vào tháng giêng đội "nhận giấy làm sai dịch, được cấp phát mỗi người 6 tháng lương, chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển, phải mất ba ngày ba đêm mới đến đảo. Ở đó họ tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Họ thu được những đồ vật của tàu (bị đắm) như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì, súng, ngà voi, sáp ong vàng, chiêng, đồ sứ,... Họ còn lượm thật nhiều vỏ đồi mồi, hải sâm và hạt ốc vân. Đến tháng 8 thì họ trở về, vào cửa Yêu (Thuận An ngày nay, T.G) rồi tới thành Phú Xuân để nạp các thứ lượm được. Sau khi cân, phân loại và định giá mới cho họ bán riêng vài thứ như ốc vân, hải ba và hải sâm. Xong, họ được lãnh bằng để về nhà…

Việc duy trì hải đội Hoàng Sa và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa được diễn ra liên tục, được các nước trên thế giới khẳng định ngay vào thời điểm đó. Tới đầu thế kỷ 19 (năm 1816) nhân cuộc đo khoảng cách đường biển giữa các dinh trấn, vua Gia Long đồng thời cũng yêu cầu thủy quân cùng với hải đội Hoàng Sa thăm dò và đo đạc đường thủy tại Hoàng Sa. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua còn phê chuẩn tấu trình của Bộ công về việc cử người ra Hoàng Sa đo thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền. Sách Đại Nam thực lục chính biên ghi: "Sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc. Một bài gỗ dài 5 thước, rộng 6 tấc và dày 1 tấc; mặt bài gỗ khắc: "Minh Mạng thập thất niên Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chí thử, hữu chí đẳng tư".

Ngày đó, tàu thuyền thô sơ, nhiều chuyến đi Hoàng Sa không trở về. Ấy vậy, mà các thế hệ thanh niên của vùng An Vĩnh (Bình Sơn) và Cù Lao Ré (Lý Sơn) vẫn kiên cường, dũng cảm xung phong vào đội Hoàng Sa. Mỗi người đi đều vui vẻ đón nhận những khó khăn, thử thách sẽ chờ họ, kể cả cái chết. Họ chuẩn bị cho mình một chiếc chiếu, sáu ống tre, mấy sợi dây mây để nếu có chết, thì người sống bó lại, quấn tre xung quanh, khắc tên, tuổi, quê quán rồi thả xuống biển, hầu mong có thuyền cá thấy được, đưa vào đất liền chôn cất. Bởi vậy, ở Lý Sơn, có những câu ru:

"Hoàng Sa lắm bể nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây"
…  "Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về"


Và ở Lý Sơn, các thế hệ tiền nhân đã tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân những người không trở về như một lễ truy điệu cho những người chiến sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo ngoài khơi xa. Câu chuyện lịch sử ấy thật hào hùng, khí phách làm sao!


 Dương Văn An
 


.