Nạn bói toán đầu năm: Đến hẹn lại lên

02:02, 25/02/2013
.

(QNĐT)- Tuy đã có không ít cảnh báo rằng: “ Bói ra ma, quét nhà ra rác”, nhưng nhiều người vẫn rủ nhau đi xem bói đầu năm với mong muốn xem năm nay mình có gặp may mắn hay vận hạn gì không?  Và đây chính là dịp, để các vị thầy bói tha hồ bòn rút tiền bạc của những người nhẹ dạ, cả tin.

TIN LIÊN QUAN


Đầu năm, các điểm xem bói “vào mùa”. Để hành nghề, các thầy bói cũng có nhiều cách khác nhau: người xem dựa theo sách, người xem tiền, xem tướng mạo, bói bài, xem đường chỉ tay, người thì cầu hồn... Nhiều người bỏ cả công việc, bỏ cả tiền rồi lại phải xếp hàng từ sớm đến tối... chỉ để được nghe "thầy" phán mấy câu.

Từ cầu hồn...

Nghe nhiều người đã rỉ tai nhau địa chỉ xem bói bằng phương thức cầu hồn rất  "uy tín" của cô Sáu N. ở xã Đức Minh (Mộ Đức) tồn tại hơn 20 năm nay, chúng tôi đã có chuyến thâm nhập để mục sở thị việc cầu hồn của cô Sáu Nhịn.

6 giờ sáng ngày 24/2, chúng tôi đã có mặt tại nhà cô Sáu N. Trước thềm nhà “cô Sáu”, xe máy xếp thành hàng dài, còn bên trong có trên dưới 20 người đang chầu chực tới phiên mình.

Vì khách đến xem rất đông, nên ai đến đây cũng phải lấy số thứ tự. Để lấy số thứ tự, khách đến xem bói, cầu hồn phải mua một bộ “hồ sơ” bán tại nhà “cô Sáu” trên đó có ghi số thứ tự với giá 30.000 đồng. Bộ "hồ sơ" này, gồm một hộp bánh và một bộ giấy vàng mã, để khách ghi “lý lịch trích ngang” của người chết cũng như người sống. Người bán hồ sơ (là con dâu của "cô  Sáu" ) nhắc nhở khách, ghi càng đầy đủ thông tin càng tốt. Sau khi cầu hồn xong thì đem đốt để "hồn nhận" luôn.

 

Nhiều người ngồi chờ đến lượt để
Nhiều người ngồi chờ đến lượt để "cô Sáu" gọi hồn người thân.


Theo quan sát của chúng tôi, người tìm đến nhà "cô Sáu" đủ mọi lứa tuổi và thành phần. Nghe lời đồn thổi về uy tín của "cô Sáu", nhiều người không quản đường xá xa xôi tìm đến để được "nói chuyện" với người thân đã khuất.

"Nghe danh "cô Sáu" đã lâu nhưng giờ mới có dịp tìm đến, đi từ sáng sớm đến giờ mới tới được đây, do đi muộn nên lấy số lấy thứ tự đến số 20, chắc giờ phải chờ đến trưa"- một phụ nữ ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho biết.

Chúng tôi tiếp cận đến gian phòng hành nghề của "cô Sáu", tại đây có hơn cả chục người đang ngoài quay quanh "cô Sáu" để chờ đến lượt mình. Trong gian phòng "làm việc" thờ rất nhiều phật, thần thánh, trên bàn thờ lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Mọi người im lặng chờ đợi tới lượt.

Lúc này, "cô Sáu" chuẩn bị gọi hồn đứa con gái 5 tuổi của một cặp vợ chồng ở xã Phổ An (Đức Phổ). Bằng một loạt các động tác vừa tụng kinh, gõ mõ vừa hỏi thông tin chi tiết gồm tên, tuổi, năm mất... của đứa con xấu số của cặp vợ chồng này, “cô Sáu” bỗng rùng mình và thế là hồn nhập về. Ngay lập tức giọng "cô Sáu" hồn nhiên như một đứa trẻ, "cô Sáu" khoanh tay chào ba mẹ, hỏi thăm sức khỏe ba mẹ, mấy anh chị em. Người mẹ sụt sùi, mấy anh em con cũng khỏe, nhưng ba con dạo này chân hay bị đau nhức. "Cô Sáu" nói: Chắc ba bị bệnh "nhà giàu" rồi đó! Lúc này, mọi người chứng kiến không nhịn được cười, vì tài hiểu biết ngôn ngữ hiện đại của "đứa trẻ" 5 tuổi, mất cách đây 20 năm, nhưng không ai dám cười to.

Thấy mọi người cười, nhanh chóng "cô Sáu" chuyển đề tài, với giọng nhỏng nhẻo: "Sao mẹ không gửi đồ chơi, bánh kẹo, quần áo xuống cho con"?  "Mẹ gửi rồi mà, con không nhận được sao"?- người mẹ trả lời. “Cô Sáu" khoanh tay nói cảm ơn mẹ nhưng lại trách khéo: Mẹ gửi thêm cho con nhiều đồ đẹp, nhà lầu, xe hơi, bánh kẹo...

Sau một hồi “nói chuyện” với con gái, vợ chồng này đã móc hầu bao 1 triệu đồng để nhờ "cô Sáu" sắm nhà cửa, xe, quần áo, bánh kẹo... cho con gái dưới cõi âm theo lời "cô Sáu" chỉ dạy.

 

Sau khi cầu hồn xong thì những bộ
Sau khi cầu hồn xong thì những bộ "hồ sơ" được gia chủ đem đi đốt để "hồn nhận".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy yêu cầu của gia chủ muốn gọi hồn người khuất, “cô Sáu" tự biến giọng nói từ trẻ con, thanh niên đến bà cụ, ông già... Mỗi lần gọi hồn "cô Sáu" cho gia chủ "nói chuyện" với người thân đã khuất chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút và với “năng suất” làm việc ấy, một ngày, "cô Sáu" gọi hồn cho hàng chục người.
 
Càng gần trưa, lượng người đến nhà “cô Sáu" xem bói, gọi hồn càng nhiều.  Theo những người dân sống gần nhà "cô Sáu" thì,  hằng ngày có hàng chục người đến đây để gọi hồn. Thậm chí có ngày lượng người đến có lúc cả trăm người.

...cho đến bói bài, xem chỉ tay
 
Được nhiều người giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà thầy Q ở xã Tịnh Long (Sơn Tịnh). Thầy Q (một phụ nữ khoảng 50 tuổi)  được nhiều người "quảng cáo" là có tuyệt chiêu bói bài và xem chỉ tay rất "chính xác".

Phải chờ hơn 3 giờ đồng hồ vì có quá đông người đến xem, chúng tôi mới  được diện kiến thầy Q.  Trong vai một người… “chưa lấy được vợ”,  anh bạn tôi nhờ thầy xem giúp đường tình duyên. Sau vài câu xã giao, đôi tay thầy thoăn thoắt tráo bài, xếp bài. Thầy Q. đưa cho người bạn của tôi 9 lá bài và yêu cầu rút một lá. Cầm lá bài xem, thầy Q. phán chắc nịch: "Vì nợ tiền duyên từ kiếp trước, nên em có vong theo đuổi, do vậy mà đường tình duyên trắc trở, lận đận. Phải cắt duyên âm mới mong lấy được vợ".
 
Nghe thầy “phán” như vậy, anh bạn tôi phải cố gắng lắm để nhịn cười. “Vậy có cách nào giải không thầy?”- bạn tôi hỏi. Ngừng một lúc, thầy phán tiếp: "Muốn cắt duyên âm không khó, về nhà soạn những lễ vật để thầy cắt duyên âm, chắc chắn năm nay sẽ lấy được vợ”. Mỗi lần phán xong một câu, thầy lại nhìn vào mắt của bạn tôi như để dò xét thái độ.


Cũng theo thầy, tùy lòng thành của người làm thủ tục “cắt duyên” với các đấng bề trên mà việc "cắt duyên" nhanh hay chậm , nếu "lòng thành" càng nhiều thì việc cắt duyên càng nhanh. "Lòng thành" theo thầy không dưới 1 triệu đồng.

Nói xong, thầy Q. bảo chúng tôi quay ra, thời gian tích tắc chỉ trong vòng 2 phút đồng hồ, “thầy” tiếp tục gọi người khác… Trước khi quay ra, người bạn của tôi cũng không quên rút tờ 50.000 gọi “cúng thần” cho người thủ quỹ của thầy ngồi bên cạnh. Lúc này, bên ngoài còn có hơn cả chục người đang ngồi chờ đến lượt mình.


Chính quyền địa phương buông lỏng?


Không khó để lật tẩy những trò bịp của nhiều thầy bói, nhưng với nhiều người nhẹ dạ, cả tin vào dịp đầu năm, vẫn tìm đến các thầy bói để "rước lo" vào người.  Không ít người tốn tiền mà lại còn chuốc lo lắng tới mất ăn mất ngủ.

Hiện nay, không chỉ các điểm xem bói tại gia mà ở các đền, chùa hoạt động này cũng diễn ra khá phổ biến. Hầu hết các “thầy bói” chỉ nói theo kiểu “may thì trúng”, không có cơ sở khoa học và thực tế, lợi dụng sự cả tin, mê tín của người xem để moi tiền. Theo nhiều người, đây đúng là nghề chẳng cần vốn nhưng rất dễ kiếm tiền. Có người hành nghề nuôi cả gia đình, lại còn dư tiền của cất nhà, sắm xe…

Tuy đã có những quy định cấm hoặc xử phạt đối với việc hành nghề mê tín dị đoan, nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, những người hành nghề này hoạt động công khai giữa thanh thiên, bạch nhật, người ra, vào coi bói nườm nượp, hỏi bất cứ người dân nào cũng biết và chỉ tường tận điểm coi bói ở địa bàn mình. Thậm chí, có điểm hành nghề mê tín dị đoan ở các thôn văn hóa, hay ở cách trụ sở UBND xã không xa.

 

Mặc dù trời mưa, nhưng nhiều người vẫn
Mặc dù trời mưa, nhưng nhiều người vẫn "đội" mưa để đi xem bói. (Ảnh chụp sáng ngày 24/2, tại nhà "cô Sáu")

Nhiều người thắc mắc, không hiểu vì sao, nhiều điểm bói toán hoạt động công khai nhiều năm nay, nhưng chính quyền nhiều địa phương vẫn như không hay biết hoặc có biết mà vẫn thản nhiên? Lẽ nào không thể dẹp được nạn bói toán,  mê tín dị đoan đang tồn tại?

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người, kiên quyết đấu tranh với những tệ nạn mê tín dị đoan, thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới ở cơ sở.


PV
 


.