Xây dựng tuyến phố văn minh ở thành phố Quảng Ngãi: Cần sự đồng lòng của người dân

10:01, 19/01/2013
.

(QNg)- Xây dựng tuyến phố văn minh là một trong những tiêu chí mà thành phố Quảng Ngãi đang tập trung để phấn đấu lên đô thị loại 2 vào năm 2015. Để thực hiện tiêu chí này, từ tháng 12/2012 thành phố Quảng Ngãi quyết định chọn xây dựng thí điểm 2 tuyến phố văn minh tại đường Lê Trung Đình và Hùng Vương. Để chủ trương này đi vào cuộc sống, ngoài sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đòi hỏi phải có sự tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân.

TIN LIÊN QUAN


Giải bài toán lấn chiếm vỉa hè

Trong số 17 tiêu chí để xây dựng tuyến phố văn minh, khó khăn nhất hiện nay vẫn là tiêu chí về quản lý và sử dụng vỉa hè. Cụ thể là, trên các tuyến phố này không được phép lấn chiếm vỉa hè để sử dụng vào mục đích khác ngoài việc dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán vẫn là căn bệnh trầm kha chưa có lời giải của thành phố Quảng Ngãi trong nhiều năm qua. Sau mỗi đợt ra quân thì đâu lại vào đấy, Đội quản lý trật tự đô thị thành phố, các ngành chức năng và UBND các phường, xã tổ chức ra quân giải tỏa các điểm vi phạm nhưng do lực lượng mỏng, không có chức năng xử phạt các hành vi vi phạm nên hiệu lực của công tác kiểm tra không cao.

Đường Hùng Vương được chọn làm tuyến phố văn minh.
Đường Hùng Vương được chọn làm tuyến phố văn minh.


Bà Nguyễn Thị Thái, tổ 18, phường Trần Hưng Đạo cho biết: Thành phố có chủ trương xây dựng tuyến phố văn minh, tôi và gia đình rất phấn khởi. Nếu làm được thì diện mạo thành phố sẽ có sự thay đổi rất lớn. Bên cạnh việc lắng nghe, tạo việc làm cho những hộ buôn bán nhỏ trên đường Hùng Vương và Lê Trung Đình thì các cấp chính quyền của thành phố cũng phải kiên quyết xử lý tình trạng quảng cáo vặt, lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán. Hơn một tháng triển khai, tôi thấy vẫn còn tình trạng này và trong thời điểm sắp Tết lại càng khó xử lý.

Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là chuyện muôn thuở ở các đô thị. Thành phố Quảng Ngãi cần làm gì để giải bài toán nan giải này?

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Tuyến phố văn minh đô thị bao gồm 17 tiêu chí về văn minh, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị và an toàn giao thông. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình phải treo cờ Tổ quốc đúng quy định và đầy đủ trong các ngày lễ, tết. Giữ gìn, bảo quản và chăm sóc sạch đẹp các công trình di tích lịch sử văn hóa, cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, tài sản nơi công cộng. Trụ sở cơ quan, nhà ở, cửa hàng và công trình khác ở mặt tiền đường có kiến trúc hài hoà, bảo đảm sạch đẹp, an toàn. 90% hộ gia đình trở lên được công nhận là gia đình văn hóa. Hệ thống chiếu sáng, cấp, thoát nước luôn hoạt động tốt. Không treo, vẽ, dán quảng cáo trái phép; không xây dựng lều quán, mái che lấn chiếm vỉa hè để bày bán hàng hoá và các dịch vụ khác.

Hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông, truyền hình đảm bảo gọn gàng và an toàn cho cư dân đô thị. Không có người ăn xin, buôn bán hàng rong; không để xảy ra tình trạng đeo bám, níu kéo du khách; không có chợ tạm, chợ cóc tự phát. Lòng đường, vỉa hè luôn sạch sẽ. 100% hộ dân đăng ký thu gom rác. Chỗ đậu, đỗ xe dưới lòng đường phải phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng quy định…

Hiện nay, thành phố Quảng Ngãi có 78 tuyến phố chính cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn xây dựng tuyến phố văn minh. Hầu hết các tuyến phố này có mặt cắt 11,5 m. Để đạt các tiêu chí của đô thị loại 2, thành phố đã lựa chọn và tập trung xây dựng tiêu chí văn minh trên 32 tuyến phố. Sau khi thí điểm tại 2 tuyến phố Lê Trung Đình và Hùng Vương, TP Quảng Ngãi sẽ triển khai ra 30 tuyến đường khác. Trong năm 2013, xây dựng thêm 10 tuyến phố. Năm 2014, xây dựng ở 40 tuyến phố. Đến năm 2015, có 40% tuyến phố nội thành đạt các tiêu chí tuyến phố văn minh. Để đạt mục tiêu đề ra, giải pháp chính được TP. Quảng Ngãi cũng như các phường tập trung thực hiện là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phối hợp thực hiện.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết: Thời gian xây dựng thí điểm tuyến phố Hùng Vương, Lê Trung Đình trở thành tuyến phố văn minh trong vòng 4 tháng.  Bắt đầu từ tháng 12/2012 đến hết tháng 3/2013. Trong đó, từ ngày 15/12/2012-28/2/2013 tập trung tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Sau giai đoạn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ bắt đầu tập trung kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm. Đối với những trường hợp cố tình tái lấn chiếm nhiều lần, sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định. Hiện nay, Nghị định 71/CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/CP đã phù hợp hơn với thực tiễn nên tạo thuận lợi hơn cho các ngành chức năng trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm.

Rõ ràng, để thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh đòi hỏi ý thức chấp hành của người dân. Các tổ dân phố, tổ tự quản ở tổ dân phố cần làm tốt việc nhắc nhở, vận động bà con buôn bán làm ăn đúng vị trí quy định. Đồng thời thực hiện lồng ghép các quy định nếp sống văn minh đô thị với các tiêu chí của tuyến phố văn minh. Có như vậy, quyết tâm xây dựng tuyến phố văn minh mới sớm thành hiện thực.
  

Bài, ảnh: Thanh Thuận
 


.