(QNg)- Hiện tại, 14/14 UBND huyện, thành phố và 128/184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, với mục tiêu công khai, minh bạch hồ sơ thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà cho nhân dân. Tuy thế, thực chất của việc thực hiện mô hình này, nhiều nơi vẫn còn hình thức, đối phó.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mô hình "một cửa" đã được Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện cách đây 5 năm. Áp dụng mô hình này, người dân có nhiều thuận lợi trong quan hệ với cơ quan công quyền để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính: Nộp và nhận kết quả tại một bộ phận khi ấy được gọi đầy đủ là "Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính". Nhân dân trong tỉnh rất đồng tình với cách làm này vì không phải đi nhiều nơi, ngồi chờ ở nhiều "cửa" như trước đây.
Công khai thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" xã Sơn Thủy (Sơn Hà). |
Tại Quảng Ngãi, mô hình "một cửa" chủ yếu được áp dụng thực hiện đối với các lĩnh vực đăng ký kinh doanh; đất đai; xây dựng và nhà ở; công chứng, chứng thực; giải quyết chính sách lao động - thương binh - xã hội. Tại UBND huyện Sơn Hà và TP.Quảng Ngãi, UBND tỉnh chỉ đạo bộ phận "một cửa" bố trí thêm cán bộ các lĩnh vực kho bạc, công an, thuế cùng làm việc để kịp thời tiếp nhận hồ sơ từng lĩnh vực, giúp cho người dân khi có nhu cầu không phải đến trụ sở các cơ quan này để liên hệ giải quyết.
Năm 2007, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo áp dụng thực hiện mô hình "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính. Có nghĩa là người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết hồ sơ hành chính chỉ nộp hồ sơ ở bộ phận này, đến ngày hẹn trả kết quả đến tại đây để nhận. Các thủ tục phát sinh sẽ do cán bộ đại diện liên hệ với các cơ quan liên quan để giải quyết. Người dân không phải cầm hồ sơ đi lại nhiều cơ quan như trước đây. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có hai địa phương là Lý Sơn và Sơn Tây triển khai thực hiện mô hình này. Năm 2009, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình "một cửa liên thông" tại UBND TP Quảng Ngãi; tháng 9/2012 triển khai áp dụng tại UBND huyện Sơn Hà. Thế nhưng thực tế việc áp dụng mô hình này tại TP.Quảng Ngãi và huyện Sơn Hà vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đánh giá về hoạt động của mô hình này, UBND tỉnh thừa nhận việc thực hiện mô hình một cửa có nơi còn hình thức, đối phó; một số thủ tục hành chính đã thay đổi, nhưng chưa được cập nhật, công khai kịp thời. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa đảm bảo về diện tích, thiếu trang thiết bị đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, chất lượng công việc. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu nhưng chậm được xử lý. Công chức "một cửa" còn thiếu kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý công việc, nên hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp chưa chặt chẽ, hầu như các ngành, các cấp chỉ thực hiện tốt cơ chế một cửa trên một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành mình, cấp mình. Còn khi giải quyết công việc có liên quan đến một hoặc nhiều cơ quan khác, thì sự phối hợp này thường thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết hồ sơ hành chính…
Nguyên nhân của những hạn chế này được UBND tỉnh xác định: Do thiếu quan tâm đầu tư tài chính, biên chế ít, chủ yếu làm việc theo kiểu kiêm nhiệm; thiếu thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý đến nơi đến chốn những lĩnh vực hành chính mà dư luận phản ánh còn gây phiền hà, nhũng nhiễu; chậm xác minh, xử lý những cán bộ, công chức vi phạm hoặc có hành vi nhũng nhiễu, hạch sách, ứng xử thiếu văn hóa, gây khó khăn khi tổ chức, công dân đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính.
Một khi đã nhận diện rõ những nguyên nhân để xảy ra yếu kém, chắc chắn UBND tỉnh sẽ có biện pháp khắc phục hiệu quả, đưa chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" đi vào thực tiễn cuộc sống.
Bài, ảnh: THANH NHỊ