(QNg)- Lẽ ra anh đã là một thầy giáo có thâm niên 13 năm gắn với "bảng đen, phấn trắng" nếu như "cái họa" kia không "vận" vào anh. Vậy mà bây giờ anh trở thành người tàn phế, đói cơm, thiếu mặc, đau bệnh không tiền thuốc men…
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Thầy Tuyền khùng!"
Chiều muộn, chúng tôi cùng một số học trò cũ tìm về xóm Ốc, thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn đến thăm thầy giáo Phạm Văn Tuyền. Ngôi nhà nhỏ dán hàng chữ "Nhà tình thương" nằm cuối con hẻm cụt tựa lưng vào ngọn núi Giếng Tiền là nhà của thầy. Trời nóng hầm hập, vậy mà trong nhà có một người đàn ông nằm quấn chăn ấm. "Thầy Tuyền đó!" - những học trò cũ nói với chúng tôi với giọng nghẹn ngào thương cảm…
Bà cụ Cho và con trai Phạm Văn Tuyền. |
Thấy có khách, thầy Tuyền bật dậy dù vậy thầy chẳng nhận ra bất kỳ người nào trong số những người trò cũ đến thăm thầy hôm ấy. Bà cụ Đoàn Thị Cho - mẹ của thầy Tuyền bảo: "Nó bị bệnh thần kinh từ 10 năm nay rồi. Hôm nay uống thuốc an thần nên mới chịu nằm ngủ. Mấy bữa không có thuốc, nó cứ đi suốt ngoài đường từ sáng đến tối".
Thầy Tuyền chẳng nhớ gì về mình, trừ kỷ niệm ngày đầu tiên đứng lớp. Kỷ niệm ấy có lẽ chẳng gì xóa nổi kể cả căn bệnh tâm thần kia, bởi nó là ước mơ cháy bỏng của chàng thanh niên nghèo hiếu học Phạm Văn Tuyền. Bà cụ Cho lần tìm những tấm giấy khen, tấm bằng đại học của con trai mình đem khoe với chúng tôi, rồi bảo rằng: "Cả đời tôi lam lũ gánh đất thuê nuôi nó ăn học mới có tấm bằng đại học này. Vì nó bị tâm thần nên tôi phải gìn giữ hộ mấy thứ này cho nó". Bà phân trần, hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi gò má nhăn nheo.
Bà cụ Cho kể: Chồng bà mất khi Phạm Văn Tuyền mới vừa lên 3. Gia đình bà là nông dân mà chẳng có tí đất trồng hành tỏi nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Đôi vai bà đã phải gánh hàng nghìn vạn gánh đất thuê mới có thể nuôi các con khôn lớn, lo cho Tuyền ăn học đỗ vào Đại học Sư phạm Quy Nhơn, khoa Ngữ văn. Tuyền ra trường năm 1999 và trở về quê hương dạy văn tại Trường THPT Lý Sơn. Kể từ khi đứng trên bục giảng, năm nào Tuyền cũng đạt giáo viên dạy giỏi. Thế mà niềm vui ngắn chỉ tày gang, đúng 3 năm sau ngày cầm phấn, Tuyền bị bạo bệnh và trở thành người tâm thần. Phạm Văn Tuyền buộc phải nghỉ việc, rời xa bục giảng, lang thang ngoài đường, nhiều khi không tìm được lối về nhà. Hàng xóm thường phải dẫn "Thầy Tuyền khùng" về nhà cho cụ Cho vì bà tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, đi lại chậm chạp, khó khăn…
"Mơ có cơm ăn, thuốc uống"…
Ngồi tại nhà của cụ Cho chỉ độ một tiếng đồng hồ mà "thầy Tuyền khùng" cứ đòi mẹ lấy thuốc cho uống. "Uống nhiều để bớt bệnh còn đi chơi chứ! Mai có mấy cái đám cưới ngoài lộ vui lắm mẹ à" - câu nói ngây ngô như đứa trẻ lên ba của người con trai Phạm Văn Tuyền tuổi gần 40 khiến lòng tôi trào dâng một niềm cảm thương vô hạn. Nhìn những tấm hình hồi anh còn là sinh viên Đại học Sư phạm Quy Nhơn cao to, vạm vỡ, "hoành tráng" nhất đội bóng đá của khoa và tấm thân gầy gò, nét mặt ngây dại bây giờ mới hiểu hết nỗi đau của người mẹ già cụ bà Đoàn Thị Cho.
Cụ Cho sinh 5 người con, nhưng chỉ có 2 người lập gia đình và cũng đều nghèo, hạnh phúc lại không trọn vẹn. Còn con gái đầu vì bệnh tật không có tiền chữa trị đã xuất gia vào chùa nương nhờ cửa Phật; người con gái út không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng vì sợ không ai lo cho mẹ già, anh dại. Cơm bữa đói bữa no, thuốc khi không khi có, bệnh của thầy Tuyền càng ngày càng nặng. Mỗi tháng thầy được nhận 270.000 đồng tiền chế độ của "người tâm thần", bà cụ Cho được 180.000 đồng chế độ người cao tuổi. Số tiền ấy là để mua gạo, mắm. Còn tiền mua thuốc cho Tuyền trông chờ hoàn toàn vào tiền gánh đất thuê mỗi ngày của người em gái. Tiền làm thuê thì ít ỏi nhưng mỗi viên thuốc chữa bệnh cho anh trai Phạm Văn Tuyền thường phải bằng cả ngày làm thuê lam lũ của em mình.
Ngày xưa Phạm Văn Tuyền ước mơ làm thầy giáo và sự thực ước mơ ấy một thời đã thành hiện thực. Còn hôm nay, căn bệnh tâm thần đã cướp mất của thầy tất cả: Tuổi xuân, sức khỏe, trí tuệ, công danh. Bà Cho chỉ ước rằng: "Mong cho Tuyền có cơm ăn, thuốc uống, có quần áo đẹp để mặc đi chơi". Dù là thế gia cảnh nghèo khó cùng kiệt của bà thì cũng chẳng thể nào lo nổi. Mong xã hội quan tâm giúp đỡ cho hoàn cảnh của bà Cho, thầy Tuyền.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Đoàn Thị Cho xóm Ốc, thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn hoặc Báo Quảng Ngãi số 02 Cao Bá Quát, TP Quảng Ngãi hay UBMTTQVN tỉnh số 277 Quang Trung, TP Quảng Ngãi để chuyển đến gia đình.
Bài, ảnh: THANH NHỊ