(QNg)- Thời gian qua, các cấp Mặt trận trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Hành trình hoàn thiện "19 tiêu chí" dẫu vẫn còn xa lắm, nhưng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên một niềm tin rằng, công cuộc kiến thiết nông thôn sẽ sớm về tới đích...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sôi nổi hiến đất, làm đường; dồn điền, đổi thửa
Những ngày đầu tháng 11, khắp mọi miền quê Quảng Ngãi, nhân dân nô nức tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Đây là ngày "nhà nhà được gặp nhau" trao đổi, chuyện trò, bày tỏ tâm tư nguyện vọng để cùng góp sức xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trong tỉnh vừa được nâng cấp, sửa chữa từ nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. |
Ngoài phần lễ và hội, nhân dân các khu dân cư trong tỉnh còn được tuyên truyền về chủ trương xây dựng nông thôn mới. Những điển hình trong phong trào này cũng được đại diện ban Mặt trận địa phương nêu lên để nhân dân học tập và làm theo... Được nhắc đến nhiều nhất tại các Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là các khu dân cư xã Bình Dương (Bình Sơn). Với cách làm hợp lòng dân, Mặt trận xã đã cùng với chính quyền vận động nhân dân hiến hàng ngàn mét vuông đất, đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng điện, đường, trường, trạm khang trang, góp phần hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tại huyện Tư Nghĩa, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã trở thành ngày hội thực sự của đông đảo nhân dân 3 khu dân cư thôn Năng Xã, xã Nghĩa Hiệp. Ngày ấy là ngày đông đảo nhân dân nơi đây được tham gia đóng góp ý kiến vào chủ trương "dồn điền, đổi thửa" cải tạo đồng ruộng, thiết thực hưởng ứng công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Người dân được Ban Mặt trận và trưởng thôn Năng Xã triển khai cặn kẽ yêu cầu của việc dồn điền, đổi thửa; đồng thời trả lời tất cả những băn khoăn của người dân về thực hiện chủ trương này. Kết thúc ngày hội, hơn 90% hộ gia đình thôn Năng Xã ký vào bản cam kết tự nguyện thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng "xóa" cảnh ruộng đồng manh mún, gây cản trở sản xuất. Lão nông Nguyễn Có (khu dân cư số 3, thôn Năng Xã) phát biểu: "Dồn điển đổi thửa là chủ trương đúng đắn, giúp nông dân có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Cách thức tiến hành đưa chủ trương này đi vào cuộc sống của các cấp mặt trận, chính quyền bài bản, hợp lòng dân, nên nhân dân sẵn sàng ủng hộ".
Sau 2 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có hàng ngàn khu dân cư trở thành điểm sáng của phong trào. Với thành tích hàng chục kilômét đường giao thông nông thôn; gần 20 công trình "nông thôn mới" được xây dựng; hàng nghìn hecta đất sản xuất được cải tạo theo hình thức dồn điền đổi thửa... được nhân dân tự nguyện thực hiện có công lao đóng góp không nhỏ của các "ông mặt trận" cơ sở.
Sự "vào cuộc" quyết liệt, hiệu quả
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay có 3.017 khu dân cư. Qua 2 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, hầu hết các khu dân cư có sự chuyển biến tích cực, trong đó có hàng ngàn khu dân cư đã mở rộng đường, xây thêm trường, dựng thêm công trình điện thắp sáng, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây chính là điều kiện thuận lợi "đẩy" phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới" đi vào cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết: "UBMTTQVN tỉnh đã chỉ đạo các cấp mặt trận địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các tầng lớp nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Với sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận, phong trào xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ".
Về các khu dân cư trong tỉnh sau hai năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, bất kỳ ai cũng có nhận xét: Diện mạo nông thôn, miền núi Quảng Ngãi đã có sự chuyển biến đáng kể, đặc biệt là diện mạo nông thôn "vùng lõm" trước đây, trong khi "suất" đầu tư không tăng nhiều so với những năm trước đó. Điều này chứng tỏ "sức dân" đã được khơi dậy, ý thức về đóng góp xây dựng quê hương thông qua góp công, góp của làm đường, xây trường đã được nâng lên một bước. Với phương châm "lấy sức dân để lo cho dân", Mặt trận các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt vai trò là "cầu nối" ý Đảng, lòng dân, thiết thực đưa chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống.
Song hành với vận động các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, các cấp mặt trận trong tỉnh còn làm tốt vai trò "phản biện" đến cơ quan chức năng của tỉnh những băn khoăn của nhân dân trong thực hiện phong trào này. Từ đó giúp tỉnh điều chỉnh kịp thời phương thức triển khai thực hiện, ưu tiên những tiêu chí có tính cấp bách trước, những tiêu chí khác sẽ triển khai khi điều kiện thích hợp. Chính vì thế, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi dù chậm nhưng "chắc". Hiện tại, xã "kém" nhất cũng đã đạt 3 đến 4 tiêu chí, xã điển hình đạt hơn 10 tiêu chí là nhờ có sự "vào cuộc" quyết liệt của các cấp mặt trận trong tỉnh.
Bài, ảnh: THANH NHỊ