(QNĐT)- Xã Ba Điền (Ba Tơ) từng là địa phương “nóng” vì Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Thế nhưng, hôm nay nơi này đang dần trở lại nhịp sống sinh hoạt êm đềm vốn có khi dịch bệnh đang dần tạm lắng.
Chúng tôi về lại xã Ba Điền vào một ngày nắng ráo, trời xanh trong veo. Ngoài cánh đồng loáng thoáng bóng người lom khom làm đất chuẩn bị cho mùa vụ mới. Tiếng trẻ con đọc bài ê a vang vọng một góc trời.
Đứng giữa khung cảnh yên bình ấy, chúng tôi như cảm nhận được rằng, nhân dân nơi đây chưa bao giờ phải trải qua những nỗi đau đến cắt ruột khi lần lượt tiễn biệt người thân lìa đời vì Hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân.
Năm học mới, niềm vui mới
Nơi chúng tôi ghé thăm đầu tiên khi bước vào địa phận xã Ba Điền là Trường tiểu học-THCS Ba Điền. Tiếp đón khách từ miền xuôi lên, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Dương hồ hởi nói: Qua gần 2 tuần kể từ ngày khai giảng, sĩ số học sinh của trường luôn được đảm bảo. Hiện tại trường có 105 học sinh tiểu học và 57 học sinh THCS.
Trong năm học mới, sĩ số học sinh của Trường Tiểu học- THCS Ba Điền luôn được đảm bảo |
Còn nhớ cách đây hơn 3 tháng, các thầy cô giáo nơi đây cứ thấp thỏm vừa dạy học vừa sợ học sinh… nghỉ. Có hôm, hơn 1/3 số học sinh nghỉ học với vô số lí do khác nhau được đưa ra như: Nghỉ ốm, nghỉ vì nhà có việc bận… Nhưng chung quy lại vẫn là do Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã làm lung lạc sức khỏe cũng như tinh thần các học sinh nơi đây.
Để rồi, không chịu bị khuất phục bởi căn bệnh quái ác, các thầy cô chẳng nề hà đường xa vất vả, đến từng nhà vận động các em đi học trở lại. Với sự kiên nhẫn và lý lẽ thuyết phục, các thầy cô đã thành công trong việc đảm bảo sĩ số học sinh, nhất là trong mùa tựu trường vừa qua.
Thầy Dương tâm sự: Hiện tại, căn bệnh đang dần tạm lắng nên tinh thần học sinh đang rất ổn định. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây vẫn đang phối hợp với y tế học đường theo dõi, kịp thời phát hiện và có biện pháp để tiếp tục vận động học sinh bám trường, bám lớp trong năm học mới.
Đổi thay trong nếp sinh hoạt hằng ngày
Vào thôn Làng Rêu (từng là nơi có số ca mắc bệnh nhiều nhất của xã Ba Điền), chúng tôi bắt gặp cảnh sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất thường ngày của đồng bào bên dòng suối Xvanh chảy róc rách.
Nhịp sống yên bình đã trở lại bên dòng suối Xvanh |
Ông Phạm Văn Hiền tay thoăn thoắt buộc từng bó mây to để cân ký và đem đi bán, chia sẻ: Giờ bệnh cũng tạm thời lắng rồi nên bà con chúng tôi lại vào lên rẫy, vào rừng để lao động, kiếm tiền. Thời gian vừa qua, hầu hết gia đình nào trong thôn cũng phải chịu thiệt hại nặng nề về người cũng như tài sản. Thế cho nên, chúng tôi phải vượt qua để tiếp tục sống thật tốt.
Thôn làng Rêu hôm nay bỗng nhiên nhộn nhịp hơn mọi ngày. Bởi có gia đình trong thôn đang sửa chữa lại nhà cửa và có rất nhiều bà con ở các thôn khác tới phụ giúp công. Đàn ông khỏe mạnh thì khuân vác các cột gỗ, cây đà. Phụ nữ cũng cõng gùi chứa các viên gạch, ngói cũ đi. Họ vừa làm vừa nói chuyện một cách rôm rả.
Ông Phạm Văn Tới ở thôn Gò Nghênh cho hay: Thời gian qua, nhờ có Đảng, Nhà nước tuyên truyền nên bà con ở các thôn lân cận đã ý thức được Hội chứng viêm da dày sừng không lây lan nên chúng tôi cũng không sợ sệt, né tránh như lúc đầu nữa. Không chỉ là sửa chữa nhà cửa, mà bà con ở thôn Làng Rêu cần giúp đỡ gì thì bà con ở các thôn khác trong xã cũng sẵn sàng qua lại giúp đỡ.
Bà con ở các thôn khác đã không còn sợ bị lây bệnh và mạnh dạn giúp đỡ bà con thôn Làng Rêu sữa chữa nhà cửa |
Nói về nét đổi thay ở vùng quê miền núi này, ông Phạm Văn Bút- Bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Ba Điền nói: Từ đầu tháng 7 đến nay, đời sống nhân dân Ba Điền đã thay đổi rất nhiều từ nếp ăn, nếp ở đến vệ sinh môi trường và cá nhân hằng ngày.
Nghe theo lời vận động tuyên truyền của chính quyền và ngành y tế, đồng bào H’re nơi đây đã biết dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, sử dụng gạo trắng do nhà nước cấp (15kg/khẩu/tháng), ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, là đã biết đến tìm bác sĩ ở trạm y tế để khám, chữa bệnh chứ không cúng quẩy, tin theo các hủ tục lạc hậu như xưa.
Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng Hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân đã làm cho cuộc sống đồng bào nơi đây bị xáo trộn, mất mát quá nhiều. Trong đó, có rất nhiều đứa trẻ không thể tìm lại được niềm hạnh phúc vốn mong manh sau khi cha, mẹ và người thân qua đời, dù dịch bệnh đã dần tạm lắng.
Đón đọc kỳ 2: Cần lắm những tấm lòng
Thanh Phương