Số phận người nhiễm HIV/AIDS: Từ trong góc khuất (kỳ 2)

01:09, 26/09/2012
.

(QNg)- Đối với bệnh nhân HIV/AIDS, sự dèm pha, xa lánh của cộng đồng, xã hội còn đáng sợ hơn virus quái ác. Họ luôn tìm cách giấu bệnh…  
 

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2:  Sợ ánh mắt người đời



Chỉ một số ít bệnh nhân HIV/AIDS vượt qua giông bão của cuộc đời. Phần lớn trong số họ vẫn sống trong quằn quại nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn-nỗi đau luôn được giấu kín bởi ánh mắt người đời.

 


"Nợ" một câu nói

Mặt trời khuất sau đỉnh núi. Người phụ nữ nhiễm HIV tên D (ở huyện Đức Phổ, tên của nhân vật đã được thay đổi) kể chuyện đau thương của cuộc đời trong tiếng sóng biển dập dìu. Chồng đi biển. Trong một lần cập bến ở  tỉnh bạn, anh đã trót mua vui. Anh lây bệnh cho vợ. Rồi vợ chồng sinh con. Đứa con gái giờ đã học lớp 4. Nó chẳng biết mình mắc bệnh HIV. Ngày nào cũng uống thuốc. Mỗi khi nó buộc miệng hỏi: "Con bị đau sao mà uống thuốc hoài?", mình chỉ nói "Thuốc chữa bệnh tim con à". Thắp nén nhang cho chồng, chị D buồn thiu nói: "Ảnh mất cách đây chục năm. Đau không đi biển ở nhà, đến khi tới bệnh viện mới té ngửa là bị HIV giai đoạn cuối". Người phụ nữ dứt ruột sinh ra anh ghê sợ căn bệnh AIDS nên chẳng dám chăm sóc con trai. Cái nghĩa, cái tình đã giữ chị ở lại bên chồng cho đến khi anh trút hơi thở cuối cùng.

Chờ xét nghiệm chẩn đoán sớm trẻ em phơi nhiễm HIV. Ảnh: Q.Quỳnh
Chờ xét nghiệm chẩn đoán sớm trẻ em phơi nhiễm HIV. Ảnh: Q.Quỳnh


Chị D gục ngã trước số phận, nhiều lần tìm đến cái chết. Chị giận bản thân mình: "Nếu biết trước thì con bé đã không lây bệnh". "Nhóm những người bạn"-những người nhiễm HIV như chị ở ngoài tỉnh đã giúp chị đứng lên. Chị đứng vững trên đôi chân của mình, vững về tinh thần để tiếp tục sống và nuôi con. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, có cả tiếng cười giòn tan của chị. Quán ăn của chị luôn đắt khách. Nhiều ông thấy chị góa bụa nên đeo đuổi… "Không đâu. Đừng làm nhiều người khổ theo. Chị luôn tránh xa mấy  ổng", chị D lắc đầu nói. Nghị lực đã giúp chị D chiến thắng nỗi đau để sống và nuôi con, song chị vẫn không chiến thắng được nỗi sợ hãi, lỡ một khi mọi người xung quanh biết mình nhiễm HIV. Chị D bảo: "Biết là HIV chỉ lây truyền qua đường tình dục, đường máu, nhưng bà con sẽ xa lánh ngay nếu biết mình mắc bệnh. Thế thì mình không sống nổi em à".

Mỗi lần chị ra Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh nhận thuốc ARV (thuốc kháng HIV) là mỗi lần chị bóc bỏ vỏ thuốc trước khi về nhà. Chị D cho hay, bà con xung quanh cứ tưởng chị bị bệnh mãn tính. Chị dặn con đến trường phải cẩn thận, khi bị trầy xước chảy máu không được va vào bạn. Đứa bé ngây thơ chẳng biết sự việc xảy ra. Cháu hồn nhiên vui đùa cùng chúng bạn. Chị D lo sợ mai này sẽ thế nào khi con đến tuổi dậy thì, rồi biết yêu... Làm sao để có thể thốt lên: "Con à. Con đã bị nhiễm HIV".  Chị rất đau mỗi khi nghĩ đến việc chị nợ con gái một câu nói-câu nói tột cùng nỗi đau.   

Sợ dèm pha, xa lánh

Một bệnh nhân HIV nói trong giàn giụa nước mắt: "Virus HIV không đáng sợ bằng ánh mắt kỳ thị của người đời". Chính sự dèm pha, xa lánh của cộng đồng đã đẩy bệnh nhân HIV vào hố sâu biệt lập. Nhiều người trong số họ đã chết với nỗi đau khôn cùng của sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Chị Nguyễn Thị Hồng-Cán bộ chuyên trách công tác phòng chống HIV/AIDS huyện Đức Phổ kể, có những gia đình bệnh nhân mình không thể tiếp cận. Mình đến với ý tốt là để động viên họ đi xét nghiệm, uống thuốc kháng HIV nhưng có trường hợp mỗi lần đến là mỗi lần bị đánh đuổi. Đức Phổ là huyện có lượng người nhiễm HIV cao nhất tỉnh với gần 90 trường hợp mắc bệnh. Thế nhưng chỉ có 39 trường hợp xác định được chỗ ở. Ông Tô Tấn Do-Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đức Phổ, thở dài: "Mặc dù có tuyên truyền, nhưng sự kỳ thị của người dân đối với bệnh nhân nhiễm HIV vẫn còn, thế nên người bệnh giấu tên, giấu chỗ ở và thậm chí giấu bệnh nên rất khó quản lý".

Bác sĩ Lê Quang Quỳnh-Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh thừa nhận, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV ở cộng đồng vẫn còn nặng. Ngay cả cán bộ y tế ở một số địa phương cũng tỏ ra sợ sệt khi tiếp xúc với bệnh nhân HIV. Họ nhìn bệnh nhân HIV với ánh mắt như nhìn tội phạm. Đây là điều đáng buồn và đáng lên tiếng để sớm thay đổi nhận thức, hành vi.

Theo nguồn tin có được của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tỉnh ta phát hiện 450 trường hợp nhiễm HIV/AIDS lũy kế từ năm 1995 đến nay, trong đó có 173 trường hợp đã tử vong. Bác sĩ Lê Quang Quỳnh cung cấp cho chúng tôi tin vui là, tỷ lệ bệnh nhân HIV tìm đến trung tâm để xét nghiệm và uống thuốc nhiều hơn. Khoảng 95% bệnh nhân nhận thuốc điều trị tại trung tâm cơ thể đáp ứng tốt, nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Chỉ có một số ít trường hợp không tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc, bị nhiễm trùng cơ hội nặng mới dẫn đến chết.

 Thế giới đang chung tay đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Mục tiêu hướng tới là "Không còn người nhiễm HIV/AIDS mới, không có người tử vong vì bệnh AIDS và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV". Mỗi một người dân trong cộng đồng, xã hội hãy cùng góp sức thắp sáng niềm tin được sống, được hòa nhập trong mỗi một bệnh nhân HIV, để cuộc đời này thêm tươi đẹp hơn.


Phương Lý
 


.