(QNĐT)- Trong vòng một tuần có gần 10.000 con vịt bị chết, trong đó có hàng ngàn con bị phát hiện nhiễm cúm H5N1. Người nuôi vịt hoang mang, ngành chức năng lo lắng, bởi nhiều đàn vịt trong huyện vẫn đang tiếp tục bị chết…
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Vịt chết không kịp trở tay!
4 giờ sáng ngày 14/8/2012, khi nhận được kết quả xét nghiệm của Trung tâm Thú y vùng IV thông báo có hai trong tổng số 6 mẫu bệnh phẩm do Trạm Thú y huyện Nghĩa Hành gửi xét nghiệm dương tính với cúm H5N1. Cả nhân viên và người nuôi vịt đều sững sờ. Sáng ngày 15/8, Trạm Thú y đã thành lập hai đoàn công tác về tận hộ nuôi để tiêu hủy hai đàn vịt bị nhiễm H5N1 vừa được phát hiện này.
Đó là hộ ông Hồ Như Tuân, ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung và ông Nguyễn Quý, thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh. Đàn vịt nhà ông Tuân hơn 1.000 con, đã nuôi được gần 2 tháng.
Ông Tuân kể: Vịt đang khỏe bình thường tự dưng lăn đùng ra chết. Một ngày chết đến hơn 100 con. Gia đình có mua thuốc nhờ cán bộ thú y xã tiêm cho vịt nhưng vẫn không ăn thua. Ông Tuân đã báo cáo với UBND xã và Trạm Thú y huyện để lấy mẫu đi xét nghiệm và kết quả là cả đàn vịt của ông buộc phải tiêu hủy vì bị nhiễm cúm H5N1.
Còn đàn vịt nhà ông Nguyễn Quý có 1.800 con đã thả nuôi được hơn 1 tháng. Ngày 9/8, vịt bắt đầu chết. Ban đầu thì vài chục con, sau lên đến hàng trăm con. Ngày 13/8, ông Quý báo cáo với xã và Trạm Thú y huyện. Cán bộ thú y đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và kết quả là vịt ông Quý đã bị nhiễm H5N1 và buộc phải tiêu hủy toàn bộ.
Vịt đàn nhiều hộ gia đình ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) – khu vực vừa phát hiện dịch Cúm H5N1, đang tiếp tục chết hàng loạt. |
Ngoài số vịt của hai hộ Hồ Như Tuân và Nguyễn Quý chết vì cúm H5N1, thì trên địa bàn huyện Nghĩa Hành còn xảy ra tình trạng vịt chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Đó là hộ ông Trương Văn Chung ở xã Hành Thịnh chết gần 1.000 con; hộ ông Trương Phú ở xã Hành Đức chết hơn 1.300 con; hộ ông Hồ Như Thanh ở xã Hành Trung chết gần 1.000 con… Tổng cộng trong vòng 1 tuần, trên địa bàn huyện Nghĩa Hành đã có gần 10.000 con vịt đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra chết hàng loạt.
* Loay hoay với việc phòng – chống
Ông Võ Văn Ngọc – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nghĩa Hành cho biết: “Năm 2012, tổng đàn vịt của huyện không được tiêm phòng vắc xin cúm H5N1. Vì vậy, đối phó với dịch cúm này chỉ còn dựa vào công tác chống bằng biện pháp tiêu hủy số vịt nhiễm bệnh, khử trùng khu vực chăn nuôi quanh vùng có dịch”.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, mới đây Chi cục Thú y tỉnh đã thông báo có vắc-xin phòng bệnh thế nhưng người dân phải bỏ tiền túi mua tự tiêm phòng, chứ không hỗ trợ như trước đây nữa. Và cho đến thời điểm này, hầu như chưa có hộ nào mua loại vắc xin này về tiêm cho vịt nuôi cả.
Ở các địa bàn xảy ra ổ dịch, rất nhiều hộ dân quanh vùng nuôi vịt đàn. Vì thế khả năng lây lan, bùng phát của dịch rất cao. Việc tiêu độc, khử trùng đang được ngành thú y phối hợp với hộ chăn nuôi thực hiện. Trong khi đó, số vịt chết hằng ngày vẫn cứ gia tăng.
* Cán bộ thú y chưa làm tròn trách nhiệm?
Một số hộ nuôi vịt ở Hành Trung mấy ngày nay bức xúc vì vịt chết hàng loạt, báo về Trạm Thú y không cử cán bộ kịp thời xuống để xử lý. Ông Hồ Như Tuân, ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung kể: Đàn vịt của tôi chết, báo cho Trạm Thú y huyện từ ngày 10/8, đến ngày 11/8 thì cán bộ mới xuống hiện trường. Tuy nhiên, hôm đó là ngày thứ 7 nên cán bộ này chỉ kiểm tra qua loa rồi về. Qua ngày chủ nhật, sang ngày thứ 2, tức là 13/8 cán bộ mới trở lại lấy mẩu đi kiểm tra. Ngày 14 thông báo cho gia đình biết vịt bị nhiễm cúm H5N1, nhưng sang ngày hôm sau 15/8 mới tổ chức đoàn xuống tiêu hủy.
“Hôm báo cho Trạm thú y thì đàn vịt còn tới 800 con. Sau đó mỗi ngày chết lần chết mòn, đến ngày cán bộ xuống tiêu hủy thì chỉ còn 315 con. Cán bộ chỉ công nhận đàn vịt của gia đình tôi có 315 con, để hỗ trợ tiêu hủy”.
Trả lời vấn đề này, ông Võ Văn Ngọc – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: Trạm chỉ có 3 cán bộ; khi có dịch không đủ người về địa phương phối hợp xử lý dịch bệnh. Do vậy, đã xảy ra tình trạng sau nhiều ngày báo có dịch thì cán bộ thú y mới đến hiện trường. “Khi có kết quả xét nghiệm thì chúng tôi mới lập thủ tục tiến hành tiêu hủy được. Và theo nguyên tắc chỉ công nhận những con còn sống khi buộc tiêu hủy mới được hỗ trợ” – ông Ngọc khẳng định.
THANH NHỊ