(QNg)- Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo, thực hiện tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người đã đóng góp máu xương cho nền độc lập nước nhà. Nhờ vậy đã phần nào bù đắp những mất mát mà các mẹ, các anh, các chị một thời hi sinh cho quê hương nở hoa độc lập…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bên Mẹ luôn có các con
Căn phòng rộng rãi, thoáng mát, trước hè rợp bóng cây xanh, cảnh quan trong lành là phòng ở của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Hỉa tại Trung tâm Nuôi dưỡng đối tượng chính sách tỉnh. Mẹ Phạm Thị Hỉa, ở huyện Ba Tơ về "mái nhà chung" này từ năm 2003. Nhìn Mẹ, ít ai biết rằng, trái tim Mẹ đã từng chết lặng khi chồng và con trai lần lượt hi sinh.
Nhân viên Trung tâm nuôi dưỡng đối tượng chính sách tỉnh chăm sóc Mẹ VNAH Phạm Thị Hỉa. |
Đằng đẵng 40 năm qua, Mẹ phải sống không có chồng, con nhưng Mẹ không cô đơn! Bên Mẹ lúc nào cũng có "các con" ở Trung tâm này ân cần chăm sóc từng miếng cơm, giấc ngủ. Mỗi khi trái gió trở trời, cạnh giường ngủ của Mẹ bao giờ cũng có các con. Chị Phạm Thị Tuyết Mai - cán bộ Trung tâm cho biết: "Mỗi ngày qua đi, Mẹ khỏe, ăn ngon, ngủ nhiều là niềm vui lớn đối với chúng tôi". Những lúc rảnh rỗi, các con lại quây quần nghe Mẹ Hỉa kể chuyện xóm làng, những kỉ niệm hồi chiến tranh. Nhiều khi, Mẹ vừa kể vừa rơm rớm nước mắt, nhưng Mẹ bảo đó là nước mắt hạnh phúc vì con trai Mẹ đã biết gửi trao tuổi thanh xuân của mình cho non sông, Tổ quốc. Nhớ đến con, Mẹ càng yêu da diết quê hương, bởi trong hình hài đất nước rộng dài có xương thịt con trai và chồng của Mẹ.
Mặc dù tuổi cao, nhưng Mẹ Hỉa luôn muốn tự mình làm những phần việc của riêng mình. Chỉ khi đau ốm, Mẹ mới cậy nhờ "các con" ở Trung tâm. Mẹ Hỉa bảo: "Mấy đứa ở đây như con mình vậy. Mình thương nó, nó thương mình, cả nhà thương nhau như ruột thịt". Mẹ Hỉa cười- nụ cười sáng ngời tình thương, hạnh phúc. "Mẹ dẫu mất đi người con ruột, nhưng Mẹ vẫn còn tình thương của các con ở Trung tâm. Mẹ sống vui, sống khỏe là nhờ các con ở đây đã cho Mẹ hơi ấm tình thương mỗi ngày" - Mẹ Hỉa vừa nhai trầu bõm bẽm vừa nói với chúng tôi. Không chỉ Mẹ Hỉa mà tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hiện còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tặng nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Cuộc sống của các Mẹ dẫu chưa thể đủ đầy tất cả nhưng có tình thương, sự chăm sóc của mọi người, các Mẹ đã phần nào nguôi đi mất mát, vui sống quãng đời còn lại.
Tất cả tấm lòng với các anh, các chị
Ở Trung tâm nuôi dưỡng đối tượng chính sách tỉnh hiện còn khoảng 20 người có công, thân nhân của người có công được đưa về đây sinh sống. Mỗi người một quê nhưng họ đều là vốn quý của đất nước, có chung một đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Mặc dù tuổi đã gấp hơn hai lần 37 mùa xuân độc lập, nhưng tên tuổi, sự cống hiến ấy vẫn mãi mãi tuổi thanh xuân. Bởi vậy, ở đây mọi người vẫn thường gọi họ là "các anh, các chị".
Mỗi ngày, việc ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi đều được lên kế hoạch cụ thể, chu đáo, phù hợp với sở thích, tâm lý của các chị, các anh. Khi đau ốm, nhẹ thì có y tá của Trung tâm khám, điều trị; nặng thì được Trung tâm đưa lên tuyến trên. "Chị" Phạm Thị Kê, quê ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành là đối tượng người có công, đơn thân về Trung tâm sinh sống đã 13 năm, nhận xét: "Sống ở đây vui vẻ, đầy đủ hơn so với trước khi sống ở quê nhà. Các cô ở Trung tâm chăm sóc, phục vụ rất chu đáo, tận tâm. Tôi cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống ở đây".
Tại Quảng Ngãi, ngoài việc đưa về Trung tâm nuôi dưỡng đối tượng chính sách Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công, thân nhân của người có công đơn thân, thì mỗi năm tỉnh còn tổ chức đưa đi điều dưỡng tập trung cho hơn 2.000 đối tượng người có công khác. Trong thời gian 7 ngày, các đối tượng người có công trong tỉnh, chủ yếu là thương bệnh binh được đưa về Trung tâm điều dưỡng người có công (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) an dưỡng. Mỗi suất chỉ với 1.500.000 đồng, nhưng "các anh, các chị" được tổ chức 7 ngày ăn đảm bảo dinh dưỡng, được đưa đi tham quan trong và ngoài tỉnh; được tặng quà, cấp thuốc bổ… Thế nhưng, mục đích lớn nhất của việc tổ chức điều dưỡng người có công theo hình thức tập trung vẫn là để những người có công thực sự được thụ hưởng sự tri ân tận tâm của Đảng, Nhà nước thông qua sự phục vụ của Trung tâm điều dưỡng.
Về Trung tâm điều dưỡng, nhiều đồng đội xưa có điều kiện gặp lại nhau, cùng nhau sống với những ký ức của một thời khói lửa chiến tranh. Với cách phục vụ tận tình, cơ sở vật chất đảm bảo, những ngày ở Trung tâm điều dưỡng đã mang đến cho "các anh, các chị" những ngày thoải mái, vui vẻ, góp phần cho công tác tri ân người có công của tỉnh ngày càng thêm ý nghĩa, hiệu quả…
THANH NHỊ