(QNg)- Xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) từng có những "điểm đen" về rác thải, gây ô nhiễm môi trường, đã có trường học phải đeo khẩu trang trong lớp học để ngăn bớt mùi hôi thối. Thế rồi, xã cùng với bà con nhân dân đã chung sức, chung lòng đóng góp tiền của để thành lập Đội thu gom rác, trả lại môi trường trong lành cho vùng quê ven biển này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kể từ ngày đội thu gom rác thải tư nhân Nguyễn Thị Công ở xã Tịnh Kỳ ra đời, dọc dài bờ biển các thôn: Kỳ Xuyên, An Vĩnh trở nên sạch sẽ hơn.
Bà Phạm Thị Khoay ở thôn An Vĩnh, phấn khởi nói với tôi: "Bây giờ, ở vùng biển này không khí trong lành rồi. Chứ hồi trước ô nhiễm lắm. Tất cả cũng nhờ đội thu gom rác đó". Theo hướng tay bà chỉ, tôi nhìn thấy chiếc xe chở rác từ xa và nghe tiếng còi inh ỏi. Bà con từ trong nhà mang những xô rác đầy ra đổ lên xe. Chiếc ô tô chở rác lao đi trên con đường cát, hết ngõ hẻm đến đường chính và cả dọc dài ven biển. Con đường làng quê, bãi biển Tịnh Kỳ trong chốc lát trở nên sạch sẽ.
Hằng ngày đội thu gom rác của chị Công đi dọc hết các tuyến đường trong xã để thu gom rác thải. |
Xã Tịnh Kỳ có 2.350 hộ dân, với hơn 10.700 nhân khẩu. Đất chật, dân đông, nhà cửa xây dựng san sát. Đã vậy, nhiều hộ còn làm chuồng chăn nuôi heo, gà nên sự ô nhiễm gia tăng. Trước đây, chưa có đội thu gom rác thải, bà con tự xử lý. Hậu quả là khu vực giáp ranh giữa hai xã Tịnh Khê và Tịnh Kỳ, khu vực gần nghĩa địa Tịnh Kỳ và bãi biển dài khoảng hơn 4km trở thành bãi rác thải của bà con. Rác thải vứt xuống theo thời gian thành từng đống, bốc mùi hôi thối. Trường tiểu học Tịnh Kỳ tọa lạc bên bờ biển thuộc thôn An Vĩnh.
Hằng ngày, thầy và trò phải chịu cảnh ô nhiễm. Học sinh phải đeo khẩu trang trong giờ giảng bài. Chuyện này, các cơ quan ngôn luận từng đề cập và xã thấy bức xúc nên đã huy động đoàn thanh niên ra quân dọn vệ sinh môi trường. Nhưng rồi sau những đợt huy động dọn vệ sinh chẳng được bao lâu thì rác thải lại ô nhiễm như cũ. Thấy vậy, cuối năm 2011, thực hiện xã hội hóa về môi trường, xã quyết định hợp đồng với chị Nguyễn Thị Công, thôn An Vĩnh thành lập Đội thu gom rác để quét sạch những "điểm đen" về rác thải, trả lại môi trường trong lành cho vùng quê biển. Thế là từ đó, đội thu gom rác thải do chị Công quản lý ra đời.
Trước khi thành lập Đội thu gom rác thải, xã Tịnh Kỳ huy động bà con ký cam kết mỗi hộ đóng góp 15.000 đồng/tháng. Dựa vào nguồn kinh phí này xã hợp đồng với chị Công mỗi tháng 19 triệu đồng để thu gom rác thải. Chị Công đã đầu tư 200 triệu đồng mua chiếc xe ô tô nhỏ và hợp đồng 4 nhân công thu gom rác. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Chị Công cùng một tài xế, 3 chị lao công cần mẫn trên các tuyến đường thu gom rác sinh hoạt. Chị Công kể: "Mỗi ngày bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng. Chị em quyết định "xử" trước những "điểm đen" là những đống rác tồn đọng từ nhiều năm nay. Nhưng rác nhiều quá, khi xóa được những "điểm đen" về rác thải thì rác sinh hoạt của người dân đã bỏ vào những thùng chứa lại bốc mùi hôi nên cả nhóm chẳng còn lo tết cho nhà mình mà tập trung thu gom rác cho đúng cam kết với xã".
Cũng từ thực tế thu gom rác, chị Công đã phân làm hai vùng, thu gom theo kiểu "răng cưa". Thứ 2, thứ 4, thứ 6 thu gom ở các xóm dưới phía biển; thứ 3, 5, 7 thu gom ở vùng giáp ranh với xã Tịnh Khê. Vì gom rác theo cách này nên chị Công vận động bà con bỏ rác vào bao ni lông đậy kỹ trong thùng rác nhà mình. Khi nghe tiếng còi của xe thu gom thì xách rác ra cổng để tiện bề thu gom. Việc sắp xếp của chị Công có lý nên bà con đã đồng lòng làm theo. Việc thu gom rác dần đi vào nền nếp.
Qua 6 tháng làm công tác thu gom, đội của chị Công đã giải quyết hơn 80% lượng rác sinh hoạt trong toàn xã. Nhờ đó, khu dân cư trở nên vệ sinh hơn và nhất là vùng bãi biển trở nên sạch đẹp, thơ mộng. Chị Công bộc bạch: "Nhà sát bên mép biển, mỗi buổi sáng cứ chứng kiến bà con đem rác vứt ra biển mà mình lo ngại gây ô nhiễm môi trường. Bây giờ mọi sự đã khác, mình vận động các thành viên trong đội càng cố gắng hơn". Việc chị Công mạnh dạn đứng ra đầu tư vốn mua phương tiện hợp đồng nhân công xử lý rác thải ở xã Tịnh Kỳ là một việc làm hiệu quả, gợi mở cho nhiều địa phương trong tỉnh trong việc thành lập Đội thu gom rác tư nhân để xử lý nạn ô nhiễm môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Bài, ảnh: M.H