Sạt lở bờ biển: Còn đó nhiều nỗi lo…

10:07, 09/07/2012
.

(QNĐT)- Tỉnh ta có chiều dài bờ biển gần 130 km, trong đó có đến 29,5km thường xuyên bị sạt lở do sóng biển trong mỗi mùa mưa bão. Tình trạng sạt lở đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân ở các vùng ven biển.

TIN LIÊN QUAN


Đến hẹn lại… lo

Về xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức vào giữa hè oi ả, chúng tôi tưởng chừng như nơi đây chưa bao giờ bị “hung thần” sạt lở đe dọa khi được chạm vào làn sóng biển xanh biếc mang vẻ yên bình nơi đây. Thế nhưng, cứ đến mùa mưa lũ thì chính làn sóng biển ấy lại khiến cho 200 hộ dân ở hai thôn ven biển là An Chuẩn và Kỳ Tân lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

 

Hàng chục cây dương liễu bị trơ gốc do sóng biển ở xã Đức Lợi vào mùa mưa bão năm 2011
Hàng chục cây dương liễu bị trơ gốc do sóng biển ở xã Đức Lợi vào mùa mưa bão năm 2011


“Không lo sợ sao được khi chúng tôi đã từng chứng kiến cả cái xóm Bình Tuy trong thôn gồm hơn 50 nóc nhà và trụ sở đồn Biên phòng cũ bị sóng biển xóa sổ chỉ trong trận bão năm 1999. Rất may là dân làng chỉ bị thiệt hại về tài sản, nhà cửa chứ không hề hấn gì về tính mạng”- Ông Bùi Căng, trưởng thôn An Chuẩn nói.

Trận bão năm ấy trở thành nỗi ám ảnh của hàng trăm hộ dân sống trong vùng. Chỉ trong 2 đêm, gió mưa quần nát cả cái xóm nhỏ ven biển. Nhà cửa, cây cối và cả con người cũng tả tơi theo. Thế nhưng, điều mà người dân thấy sợ nhất chính là những con sóng bạc đầu cao hơn chục mét chực vùng lên, nuốt trọn hơn 30 mét đất bờ biển ngay trong đêm.

Không dừng lại ở đó, người dân nghèo vùng biển này cứ bất lực nhìn nhà cửa, ruộng vườn dần tan tành theo bọt biển hết năm này qua năm khác. Ông Phan Văn Tỷ- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cho biết: Do tình trạng sạt lở bờ biển tại địa phương không có dấu hiệu dừng lại nên từ năm 1996 đến nay, chúng tôi đã thực hiện di dời hơn 180 nóc nhà vào vùng an toàn hơn trong đất liền. Thế nhưng vẫn còn có rất nhiều hộ dân vì điều kiện kinh tế quá khó khăn nên không thể di dời.

 

Bênh cạnh nhiều gia đình đã di dời khỏi vùng sạt lở, còn có rất nhiều hộ không có khả năng di dời nên vẫn phải chịu sự nguy hiểm rình rập trong mỗi mùa biển động
Bênh cạnh nhiều gia đình đã di dời khỏi vùng sạt lở, còn có rất nhiều hộ không có khả năng di dời nên vẫn phải chịu sự nguy hiểm rình rập trong mỗi mùa biển động


Vậy là, có khoảng 230 hộ dân ở 2 thôn phải sinh hoạt trong tư thế sẵn sàng “chạy” khi mùa mưa lũ đến. Ông Bùi Xê- thôn An Chuẩn chia sẻ: Chúng tôi sống ở đây lâu riết rồi tạo thành phản xạ luôn rồi. Cứ có mưa gió là nhà nào cũng rục rịch lo chuyển đồ và mang con cái đi gửi cho nhà bà con, họ hàng ở trong xóm. Người lớn thì ở lại trông coi nhà cửa mà cũng sợ đến run chân khi nghe tiếng gió rít liên hồi và tiếng sóng vỗ bờ ầm ầm như bom nổ.

Trong trận bão năm 2011, sóng biển đã lấn sâu, chỉ cách nhà ông Bùi Xê và nhiều hộ dân khác 10 mét. “Cứ cái đà này, không biết nhà chúng tôi có còn trụ nổi qua mùa mưa bão năm nay không. Bởi chỉ cần qua 1 đêm gió to thì sóng biển có thể ngoạm sâu vào đến 10 mét đất như chơi”- ông Xê lắc đầu băn khoăn.

Cần biện pháp phòng chống sạt lở lâu dài

Nỗi lo sạt lở bờ biển không chỉ hiện hữu thường trực trong tâm trí của gần 1.000 người dân thuộc 2 thôn An Chuẩn và Kỳ Tân, xã Đức Lợi mà còn là nỗi lo chung của hàng nghìn người dân ở nhiều địa phương ven biển khác ở tỉnh ta.

Theo thống kê của Chi cục thủy lợi, đê điều và PCLB tỉnh, ở khắp 5 huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn đều có hiện tượng sạt lở bờ biển, với chiều dài 29,5km. Đáng chú ý là hiện tượng sạt lở nghiêm trọng ở xã Đức Lợi, Mộ Đức và thôn An Cường, Phước Thiện xã Bình Hải, Bình Sơn… Những điểm sạt lở này đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân.

 

Sạt lở bờ biển gây thiệt hại nặng về tài sản nhân dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải trong mùa mưa bão năm 2011
Sạt lở từng gây thiệt hại nặng về tài sản của nhân dân xã Bình Hải


Ông Nguyễn Thanh Lạc- Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, đê điều và PCLB tỉnh cho biết: Hiện tượng sạt lở bờ biển xảy ra do ảnh hưởng của dòng hải lưu, thủy văn ở các cửa sông, cửa biển. Cộng vào đó là do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng cũng là do bàn tay con người tham gia chặt phá rừng chắn sóng và khai thác quá mức các rạn đá san hô ven biển.

Biện pháp tối ưu nhất để phòng chống sạt lở chính là xây kè chắn sóng và trồng rừng ven biển. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho người dân địa phương nhận thức được rằng cần ý thức bảo vệ, không chặt phá rừng ngập mặn, chắn sóng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Lạc cho biết thêm: Công tác phòng chống sạt lở ở tỉnh ta vẫn còn gặp quá nhiều khó khăn về vốn đầu tư cũng như kỹ thuật chỉnh trị dòng và xây dựng các công trình đê điều, kè chắn sóng còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố phức tạp. Ngoài ra, việc tạo quỹ đất phục vụ cho việc di dời dân đến khu an toàn cũng là vấn đề khiến cho nhiều nhà chức trách đau đầu.

Hiện nay, tỉnh ta đang gấp rút lập đoàn công tác kiểm tra thực tế tình hình sạt lở trên toàn tuyến nhằm phân loại mức độ nguy hiểm để trình lên cấp trên giải pháp phù hợp.

Thiết nghĩ, việc tiến hành các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ biển cần được quan tâm đầu tư và triển khai gấp rút. Điều này không chỉ có ý nghĩa bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng nghìn người dân trong vùng sạt lở mà còn bảo vệ tài nguyên đất quý giá của Quốc gia.


Thanh Phương
 

 


.