(QNg)- Sau hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn nhiều nơi trong tỉnh đã có những đổi thay tích cực. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi trong tỉnh, người dân vẫn chưa nắm được đầy đủ về nguyên tắc hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước để xây dựng nông thôn mới và trách nhiệm đóng góp của mỗi gia đình vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này.
Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng nông thôn mới cho xã nghèo
Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, trong đó có nội dung quy định về nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước và huy động đóng góp từ nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sau hai năm triển khai thực hiện Quyết định này, thực tế chưa phù hợp và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Cụ thể:
Đường giao thông nông thôn ở xã miền núi Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) do nhân dân và Nhà nước cùng đóng góp xây dựng. |
Đối với tất cả các xã, hỗ trợ 100% ngân sách nhà nước cho: Công tác quy hoạch; xây dựng trụ sở xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã.
Các xã còn lại được hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước cho các hạng mục công trình được quy định tại Quyết định này. Đặc biệt, đối với các xã thuộc 6 huyện nghèo của tỉnh là Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà nằm trong Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ được hỗ trợ tối đa 100% từ ngân sách nhà nước cho: Xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế; xây dựng nhà văn hóa xã, thôn, bản; công trình thể thao thôn, bản; công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư; phát triển sản xuất và dịch vụ; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản.
Các xã còn lại không nằm trong "Chương trình 30a", hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để xây dựng đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã, đường giao thông thôn xóm, xây trường, trạm y tế… Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định cho từng nội dung, công việc cụ thể phù hợp với thực tế và yêu cầu hỗ trợ của địa phương.
Nhân dân "góp vốn" trên tinh thần tự nguyện
Khoản d Điều 1 Quyết định 695/QĐ-TTg quy định: Chính quyền địa phương, bao gồm cả tỉnh, huyện, xã không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Căn cứ tình hình thực tế chỉ vận động nhân dân bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương. Nhân dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị hội đồng nhân dân xã thông qua. Hộ nghèo tham gia trực tiếp lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương được chính quyền địa phương xem xét trả thù lao theo mức phù hợp với mức tiền lương chung của thị trường lao động và khả năng cân đối ngân sách địa phương. UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn huyện, xã triển khai thực hiện.
Các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới được quản lý, sử dụng đúng mục đích và thực hiện công khai minh bạch. Theo quy định của pháp luật, các khoản đóng góp của nhân dân nằm trong quy định những việc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", đảm bảo công bằng, dân chủ, hiệu quả trong thực hiện công trình, dự án cơ sở hạ tầng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, theo phản ánh của cử tri nhiều địa phương, tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm so kế hoạch đề ra, nguồn vốn hỗ trợ địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, nhân dân nhiều nơi băn khoăn cho rằng, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới quá lớn, chắc chắn nhiều nơi sẽ "buộc" nhân dân phải "góp vốn" rất lớn, trong khi đời sống của một bộ phận người dân hiện rất khó khăn. Vì thế, việc nắm bắt, triển khai đúng tinh thần các quy định của Chính phủ về cơ chế hỗ trợ vốn, các khoản đóng góp của dân để triển khai thực hiện là rất cần thiết, góp phần đưa chủ trương xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống.
Bài, ảnh: THANH NHỊ