Ô nhiễm môi trường từ sản xuất bún tươi ở Nghĩa Mỹ: Bài toán đang cần lời giải

08:06, 27/06/2012
.

(QNg)- Trong nhiều năm qua, nghề làm bún ở thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề này đang ngày một trầm trọng.

TIN LIÊN QUAN


Ô nhiễm trầm trọng

Đến thôn Phú Mỹ vào những ngày nắng nóng, chúng tôi không khỏi rùng mình trước mùi hôi bốc lên của nước thải. Càng đi sâu vào thôn, mùi chua từ nước thải làm bún, mùi hôi nồng nặc từ cống rãnh cứ "quấn" lấy nhau tạo nên thứ mùi hỗn tạp.    

Thâm nhập vào cơ sở sản xuất bún của ông H ở đội 5, thôn Phú Mỹ, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là mùi hôi nồng nặc đặc trưng xộc vào mũi. Qua quan sát của chúng tôi, tất cả các công đoạn làm bún từ vo gạo, ngâm, nghiền, ủ bột,... đến ra bún thành phẩm đều làm thủ công và lượng nước dùng trong các công đoạn này đều được xả thẳng ra vườn sau nhà. Mỗi ngày cơ sở này sản xuất từ 200- 300kg bún tươi và lượng nước thải từ những công đoạn làm bún là một con số không hề nhỏ.

Chất thải từ làm bún được xả trực tiếp ra môi trường.
Chất thải từ làm bún được xả trực tiếp ra môi trường.

Ông H cho biết, ở đây ai cũng vậy, hầu như nhà nào làm bún cũng có những hồ chứa nước thải sau nhà. Các chất thải từ làm bún một số được giữ lại làm thức ăn  chăn nuôi, số còn lại thì thải trực tiếp ra ngoài mà không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào. "Bình quân một hộ xả ít nhất cũng vài ba mét khối nước thải mỗi ngày. Nhà tôi còn có diện tích vườn rộng để xả thải, chứ nhiều hộ khác xả thải theo đường ống chảy ra các mương rạch hết", ông H cho biết.


Không riêng gì cơ sở sản xuất bún của ông H, mà hiện toàn thôn Phú Mỹ có 350 hộ thì đã có trên 80 hộ làm nghề sản xuất bún tươi. Và từ nhiều năm nay, các hộ sản xuất bún ở đây vẫn vô tư xả thải ra môi trường theo cách này. Theo ước tích của chúng tôi, mỗi ngày tại đây có hàng trăm mét khối nước thải từ nghề làm bún xả trực tiếp ra ngoài môi trường. Vào mùa mưa, thì những dòng nước dơ bẩn này tràn cả ra đường. Một số hộ lợi dụng trời mưa lụt đã tranh thủ xả thải ra kênh mương".

Sự ô nhiễm môi trường ở đây đến nỗi ông Nguyễn Minh Tân- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cũng phải thốt lên rằng, với người dân địa phương thì bị mùi chua nồng này "tra tấn" đã quen, chứ ai mà ở xa đến thì khó chịu nổi. Nhà ông ở gần mấy hộ sản xuất bún, mỗi khi có khách tới chơi mà dọn cơm mời khách, nghe mùi hôi này khiến khách cũng ăn không nổi cơm- giọng ông ái ngại.

Bế tắc giải pháp

Thực tế câu chuyện ô nhiễm từ nước thải của nghề làm bún ở thôn Phú Mỹ không phải bây giờ mới đề cập tới, mà đã nhiều lần được người dân địa phương kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn không được giải quyết triệt để, mà ngày càng diễn biến trầm trọng hơn.

Ông Nguyễn Minh Tân- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ thừa nhận: Ô nhiễm môi trường tại làng nghề làm bún tồn tại từ rất lâu, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục và giải quyết hiệu quả. Trước đây, dự án Plan đã đầu tư cho các hộ dân làm bún ở thôn Phú Mỹ xây dựng hầm biogas. Tuy nhiên do đơn vị thi công xây dựng không đúng kỹ thuật nên chỉ trong thời gian ngắn các hầm biogas này cũng hư hỏng và không sử dụng được. Kinh phí xây dựng các hầm biogas tương đối lớn với các hộ dân, nên rất ít người làm hầm biogas. Ông Tân cũng cho biết thêm, do các hộ sản xuất bún này rải rác và xen lẫn trong khu dân cư nên rất khó trong việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, còn nếu quy hoạch tập trung các hộ làm nghề sản xuất bún lại với nhau thì địa phương không có địa điểm để tập trung. Chính vì vậy, xã chỉ vận động tuyên truyền người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, còn việc xử lý ô nhiễm thì gần như không thể.

Đây là nghề gắn bó với người dân từ bao lâu nay, giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập cho trên 300 lao động của địa phương, nên chính quyền rất mong được sự trợ giúp của cấp trên, để người dân có điều kiện phát triển kinh tế vừa đảm bảo được môi trường- ông Tân trăn trở.


Bài, ảnh: Ngọc Đức
 


.