(QNg)- Hàng chục năm nay, nhất là từ sau bão số 9/2009, rừng trên đảo Lý Sơn đã "biến mất", để lại hòn đảo với những quả núi trơ trụi giữa biển khơi. Chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện nhiều dự án trồng rừng, nhưng nói hoài, làm mãi vẫn chưa thấy rừng…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 1: 3 dự án và 5 quả núi trọc
|
Rừng chết - rừng "treo"
Tính đến nay Quảng Ngãi đã triển khai 3 dự án trồng rừng tại Lý Sơn. Trong đó, có hai dự án được triển khai theo các chương trình trồng rừng quốc gia của Chính phủ. Đầu tiên là Dự án trồng rừng cảnh quan môi trường huyện đảo Lý Sơn triển khai thực hiện vào tháng 4/2008. Đến cuối năm 2009, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo huyện, việc trồng rừng lại tiếp tục được triển khai theo Chương trình Dự án 661. Số tiền mà các dự án này đã thực hiện lên đến hàng tỷ đồng và đến nay chưa dự án nào quyết toán, kiểm đếm số cây còn trong tổng số hàng vạn cây đã trồng.
Lý Sơn đẹp, nhưng núi thì trơ trọi không có bóng cây. |
Nguyên nhân khiến hai dự án trồng rừng trên đảo Lý Sơn bị "chết" là do những người có trách nhiệm trong dự án thiếu quan tâm đến đặc trưng vị trí địa lý, khí hậu của hòn đảo này, dẫn đến không có sự lựa chọn giống cây phù hợp. Số lượng cây trồng xuống có tỷ lệ sống 40 - 70% nhưng sau khi sống một thời gian ngắn lại bị "khai tử". Một chuyên viên tư vấn của dự án này thừa nhận: "Tỷ lệ cây sống cao, nhưng do chọn cây keo, xà cừ không chịu được khí hậu nắng nóng nên chết. Một số cây sống được thì bị bão quật ngã đổ phải chặt bỏ. Một số ít cây phi lao trồng ven biển thì bị nhiễm mặn không sống nổi". Rừng chết. Dự án không tiếp tục triển khai, nhưng việc thanh quyết toán dự án, bàn giao lại diện tích rừng trọc cho huyện vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm thực hiện, dẫn đến nhiều khó khăn cho việc triển khai dự án thứ 3.
Đó là dự án trồng rừng phòng hộ và cảnh quan môi trường huyện Lý Sơn theo Quyết định số 966/QĐ-UBND, ngày 8/7/2011. Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ đầu tư. Việc giao cho bộ đội thực hiện dự án, đã làm cho nhân dân cả tỉnh tin tưởng rằng rừng ở Lý Sơn sẽ xanh lên trong nay mai. Thế nhưng, sau gần 1 năm và trải qua một mùa trồng rừng, thì rừng ở Lý Sơn vẫn chưa được cải thiện.
Mỏi mòn chờ kinh phí
Dự án trồng rừng Lý Sơn được UBND tỉnh quyết định có quy mô thực hiện lên đến 130 ha; thời gian thực hiện từ 2011 đến 2020 chia thành 3 giai đoạn; tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, năm 2011- 2012 trồng rừng phòng hộ và cây cảnh quan; 2013 - 2015 trồng dặm và chăm sóc rừng, cây cảnh quang.; từ năm 2016 đến 2020 quản lý và bảo vệ rừng và cây cảnh quan đã trồng.
Theo tiến độ trong hai năm 2011 và 2012 việc trồng rừng thuộc dự án phải lên đến 120 ha. Song theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đến nay mới chỉ trồng được khoảng 20 ha trên núi Thới Lới - thuộc địa phận quản lý của quốc phòng, không "dính" đến bồi thường giải tỏa. Còn 100 ha nữa, nếu muốn trồng được phải tiến hành lập phương án, tính toán chi trả bồi thường cho các tổ chức, cá nhân liên quan mới có mặt bằng để trồng rừng.
Điều đáng nói ở đây khiến dự án trồng rừng Lý Sơn như "rùa bò" là do chưa được cấp kinh phí theo đúng kế hoạch đề ra. Tính đến nay, mặc dù chỉ còn 6 tháng nữa là kết thúc việc trồng hơn 120 ha rừng cảnh quan và rừng phòng hộ, nhưng kinh phí vẫn chưa được cấp phát cho chủ đầu tư là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Mọi chi phí từ làm lễ ra quân hưởng ứng, ươm giống, mua dụng cụ đào hố như cuốc xẻng, xà beng, đục…; dụng cụ tưới như ống dẫn nước, xô… đều phải tạm ứng từ nguồn kinh phí của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Việc chưa cấp phát vốn cho dự án trồng rừng ở đảo Lý Sơn bị "dừng" trong suốt thời gian qua được các ngành chức năng tỉnh giải thích do Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công. Theo nghị quyết này thì năm 2011 chỉ cấp vốn thực hiện những công trình phòng chống thiên tai có tính cấp bách, còn lại đều "tạm dừng". Năm 2012, Chính phủ chỉ đạo vẫn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11, kiềm chế lạm phát. Vì thế, đến nay dự án trồng rừng này vẫn bị "dừng" phần cấp vốn.
Tuy nhiên, theo các cụ cao niên sống ở đảo, dự án này tuy không được xếp vào dự án phòng, chống thiên tai, nhưng tính chất quan trọng, tính cấp bách còn có phần đặc biệt hơn. Ngay trong mục tiêu của dự án được UBND tỉnh ký cũng nêu rõ: Việc trồng rừng Lý Sơn nhằm nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn huyện lên 20% (năm 2015); giữ gìn đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển đảo; hạn chế việc bị rửa trôi, chống xói mòn đất; duy trì nguồn nước ngầm; cải thiện điều kiện khí hậu, tạo môi trường cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách tham quan du lịch; giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao ý thức của người dân trong quản lý bảo vệ rừng và cảnh quan môi trường biển đảo.
Thời gian qua để đảm bảo tiến độ trồng rừng mà UBND tỉnh đã giao, từ tháng 9/2011, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo cho Cơ quan quân sự huyện Lý Sơn ươm cây, đào hố, tiến hành trồng khoảng 20 ha rừng. Hiện nay, tỷ lệ sống của số cây đã trồng đạt khoảng 80%, nhưng trước tình hình nắng nóng gay gắt, phương tiện tưới không đảm bảo, có lẽ bộ đội trên đảo cũng "lực bất tòng tâm" đứng nhìn cây chết. Và còn nhiều bất cập khác, nếu không tiếp tục sửa chữa, khắc phục thì có lẽ dự án thứ 3 này - dự án được kỳ vọng lớn cũng sẽ khó lòng đi đến đích.
Thanh Nhị
(Còn nữa)