Ngư dân Quảng Ngãi kể chuyện bác sĩ Trường Sa

04:06, 18/06/2012
.

(QNg)- Quần đảo Trường Sa của Việt Nam là ngư trường truyền thống bao đời nay đối với ngư dân Quảng Ngãi. Biển cho ngư dân cuộc sống đủ đầy, sung túc, nhưng cuộc mưu sinh giữa trùng khơi xa ấy, nhiều ngư dân đã gặp rủi ro. Những lúc như thế, bên họ luôn có các thầy thuốc áo xanh tận tâm chăm sóc, cứu chữa…  

TIN LIÊN QUAN


Gần 4 tháng trôi qua kể từ khi gặp nạn và được các bác sĩ Trường Sa tận tâm cứu chữa, ông Lê Phấn (50 tuổi) ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) đã bình phục, trở về với gia đình vui vầy bên con cháu. Mỗi lần có dịp trò chuyện với người thân, hàng xóm, ông Phấn cứ luôn nhắc mãi tấm lòng của các bác sĩ trên đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa. Ông Phấn bảo: “Các bác sĩ ở đó chính là người sinh tôi ra lần thứ hai. Không chỉ chăm sóc điều trị, họ còn cho tôi và mọi người niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống”.

Ông Phấn hồi tưởng lại thời khắc ông bị tai nạn khi đang đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa. Đó là vào rạng sáng ngày 14/3, do bất cẩn trong sử dụng dụng cụ sinh hoạt trên tàu QNg 96459 TS, thuyền trưởng Lê Phấn và thuyền viên Mai Văn Hòa (20 tuổi) bị thương; thuyền viên Lê Văn Thành bị tử nạn tại chỗ. Trong đó ông Phấn bị dập nát đùi trái, gãy lộ xương có dấu hiệu hoại tử, chấn thương vùng bụng. Còn Hòa bị bỏng nặng, chấn thương đùi. Khi tai nạn xảy ra, các ngư dân còn lại đã đưa tàu thẳng hướng về phía đảo Song Tử Tây xin giúp đỡ.

 

Thuyền trưởng tàu QNg 96459 TS Lê Phấn (thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn) - người được các bác sĩ Trường Sa cứu chữa ban đầu khi gặp nạn trên biển
Thuyền trưởng tàu QNg 96459 TS Lê Phấn (thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn) - người được các bác sĩ Trường Sa cứu chữa ban đầu khi gặp nạn trên biển


Suốt 14 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, con tàu đã cặp đảo Song Tử Tây vào 1 giờ sáng ngày hôm sau. Mặc dù đêm tối, sóng lớn, gió to nhưng khi hay tin ngư dân bị thương đưa vào đảo, toàn bộ ê kíp quân y của Trạm xá đã có mặt để kịp thời cứu chữa. “Các bác sĩ quân y đã hiến máu cứu ngư dân chúng tôi. Trong con người tôi bây giờ có cả những giọt máu đào của các bác sĩ Trường Sa đấy!” – ông Phấn nói đầy vẻ biết ơn, tự hào.

Thấy tình trạng sức khỏe của ông Phấn cần phải cấp thiết đưa về đất liền để được phẫu thuật, các bác sĩ đảo Song Tử Tây đã kịp thời báo cáo cấp trên xin hỗ trợ. Và hôm sau Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân Việt Nam đã điều máy bay trực thăng ra đảo Song Tử Tây đưa thuyền trưởng Lê Phấn cùng hai ngư dân khác đang nằm điều trị tại đảo vào TP Hồ Chí Minh kịp thời cứu chữa. Điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 1 tháng, ông Phấn đã bình phục trở về Lý Sơn trong niềm vui không tả xiết của người thân, gia đình, hàng xóm.

Trước khi lên máy bay, các bác sĩ đảo Song Tử Tây còn dặn dò, động viên ông Phấn cố gắng vượt qua đau đớn, rồi truyền nước, truyền máu cho ông nữa. Ông Phấn còn nhớ như in lời dặn của các bác sĩ: “Anh đi, cố gắng chữa trị. Chúng tôi chờ đón anh vào một ngày không xa trên hòn đảo này nhé!”. Khoảng thời gian ngắn nằm chữa trị ở đảo Song Tử Tây, ông Phấn còn được nhân dân trên đảo đến thăm, tặng hàng chục lon sữa và 500.000 đồng. Tận đáy lòng mình, ông Phấn cảm thấy đã may mắn khi được đón nhận tình người của bác sĩ và nhân dân đảo Song Tử Tây. Và không chỉ có ông Phấn mà các ngư dân khác của Quảng Ngãi khi gặp nạn đều được bác sĩ Trường Sa cứu chữa tận tâm.

Đầu tháng 6/2012, gia đình, người thân của ngư dân Ngô Văn Diệp (43 tuổi) ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) đã vui mừng đón anh trở về từ đảo Sinh Tồn Đông. Trước đó khoảng 10 ngày, khi đang hành nghề đánh bắt cá trên tàu QNg 90522 do ông Trần Tấc làm thuyền trưởng, tại quần đảo Trường Sa thì anh Diệp bị cơn đau bụng dữ dội. Nơi đang đánh bắt cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 100 hải lý, thuyền trưởng Tấc đã phát tín hiệu trợ giúp đến đảo Sinh Tồn Đông.

 

Nhận được tín hiệu, chỉ huy đảo đã điều xuồng cao tốc tiếp cận tàu cá QNg 90522 TS đưa ngư dân Diệp vào đảo kịp thời cứu chữa. Các bác sĩ ở đây đã xác định anh Diệp bị viêm ruột thừa cấp và tiến hành ca mổ thành công. Anh Diệp vừa trở về đoàn tụ gia đình lại chuẩn bị hành trình mới ra khơi bám biển. Vùng biển anh đến cũng chính là nơi anh được các bác sĩ cứu sống: Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Bộ đội Hải quân ở Trường Sa là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân Quảng Ngãi.       Ảnh: P.D
Bộ đội Hải quân ở Trường Sa là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân Quảng Ngãi. Ảnh: P.D


Trước đó, vào đầu mùa mưa bão năm 2010, tàu cá QNg 96536 TS bị hỏng máy trên biển gần đảo Sinh Tồn Đông. Ba ngư dân Huỳnh Thành (39 tuổi), Nguyễn Trọng (25 tuổi) và Phạm Văn Nam (19 tuổi) đều quê ở huyện đảo Lý Sơn, lặn xuống đáy tàu để sửa chữa, chẳng may bị chân vịt quạt  trọng thương. Các thuyền viên trên tàu đã đưa 3 ngư dân này vào trạm xá đảo Sinh Tồn Đông cứu chữa. Do cần phải phẫu thuật, nên ngay sau đó Hải quân đã điều tàu chuyển 3 ngư dân này về Bệnh viện Quân y ở đảo Nam Yết cứu chữa. Sự sống lại trở về với họ và họ đã tiếp tục ra khơi bám biển mưu sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Điều đặc biệt ở các bác sĩ Trường Sa khiến ngư dân Quảng Ngãi, đặc biệt là ngư dân Lý Sơn nhớ mãi những lần họ “ghé” vào đảo xin cứu giúp đó là sự chân tình, cởi mở, hết lòng. Những bác sĩ Trường Sa ngư dân đã gặp có thể chưa biết tên, nhưng gương mặt, tấm lòng của họ đã được khắc ghi sâu sắc, mãi mãi là nét đẹp truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ rạng ngời giữa trùng khơi sóng gió…


Bài, ảnh: Thanh Huyền


.