(QNg)- Hợp phần di dân, tái định cư Hồ chứa nước Nước Trong là một dự án có quy mô tương đối lớn về khối lượng và kinh phí thực hiện, triển khai ở địa bàn miền núi phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đối tượng... Do đó, trong quá trình triển khai dự án, bên cạnh những mặt đạt được đáng khích lệ thì cũng bộc lộ nhiều tồn tại yếu kém, đòi hỏi có sự thay đổi và vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị thì dự án mới có thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đây là một trong những dự án thu hút sự quan tâm đặt biệt của các Bộ ngành Trung ương và tỉnh. Ngay sau khi dự án được chấp thuận đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan gấp rút triển khai thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt, vì nguồn vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho dự án không sợ thiếu. Thế nhưng...
* Vì sao chậm tiến độ, vốn bị thu hồi
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, để đảm bảo tái định cư, tái định canh bền vững cho 465 hộ dân phải di chuyển chỗ ở để xây dựng công trình Hồ chứa nước Nước Trong là một "bài toán" không đơn giản. Bởi lẽ, phạm vi ảnh hưởng của dự án trải rộng ở 5 xã vùng cao của huyện Tây Trà và Sơn Hà. Đặc biệt, khu vực này có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn; diện tích đất ở, đất sản xuất hẹp, nhiều triền đồi,... nên mất nhiều thời gian khảo sát, quy hoạch và triển khai xây dựng. Trong 6 năm (2005-2010), giá trị xây lắp của dự án chỉ thực hiện được khoảng 30% khối lượng, còn năm 2011 dường như chỉ thi công cầm chừng do thiếu vốn.
Công trình Hồ chứa nước Nước Trong. |
Mặt khác, việc chỉ đạo của UBND tỉnh và sự phối hợp thực hiện trong công tác bồi thường giữa Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các sở ngành, đơn vị và địa phương liên quan thiếu đồng bộ, chồng chéo trách nhiệm, dẫn đến không đẩy nhanh được tiến độ thực hiện. Cụ thể là, lúc đầu UBND tỉnh giao toàn bộ khu vực lòng hồ cho Ban đền bù, GPMB và tái định cư tỉnh đảm nhận công tác bồi thường, nhưng Ban này chỉ thực hiện ở khu vực thuộc địa phận huyện Sơn Hà. Do đó, Ban Quản lý dự án đành phải nhận thực hiện ở khu vực huyện Tây Trà và các khu tái định canh, định cư ở đây. Hệ luỵ của việc này là Ban Quản lý dự án không có đủ lực lượng để tổ chức quản lý thực hiện công tác xây lắp và tái định canh cho dân.
Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng chưa trả tiền bồi thường và hỗ trợ di dời nhà ở cho 6 hộ trong diện thu hồi đất ruộng; 71 hộ dân tái định cư về nơi ở mới đã 2 năm nay nhưng không có đất sản xuất, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, năng lực các nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế còn nhiều hạn chế và thiếu kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch, thiết kế khu tái định cư ở miền núi, dẫn đến kìm hãm tiến độ thực hiện của dự án. Như gói thầu 23- Tư vấn khảo sát thiết kế bản vẽ thi công lập dự toán công trình các khu tái định cư, tái định canh thuộc địa bàn huyện Tây Trà trễ so với hợp đồng khoảng 1,5 năm. Việc thu hồi 104 ha đất rừng sản xuất và 10 ha ruộng đã bồi thường để cấp cho các hộ tái định cư cũng phát sinh nhiều yếu tố bất cập, hiện Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với UBND huyện Sơn Hà làm rõ vấn đề này.
Từ thực trạng đó dẫn đến dự án không tiêu thụ hết tiền TPCP mà Trung ương đã phân khai về cho tỉnh. Cụ thể là, đến năm 2010, Trung ương đã bố trí đủ vốn để thực hiện dự án với số tiền 327,777 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án không đúng kế hoạch nên nguồn vốn phải trả về lại Trung ương là 116,288 tỷ đồng, chuyển cho các dự án khác của tỉnh 94 tỷ đồng. Trong đó, năm 2009 vốn TPCP đã bố trí nhưng chưa giải ngân hết bị Trung ương lấy về trên 68 tỷ đồng/kế hoạch vốn 100 tỷ đồng; còn năm 2010 vốn giải ngân chỉ có 3,481 tỷ đồng/kế hoạch vốn bố trí là 106,857 tỷ đồng. Đến năm 2011, nhu cầu vốn cho dự án là 120 tỷ đồng để bồi thường và xây dựng các khu tái định cư. Tuy nhiên, Trung ương chỉ bố trí được 9 tỷ đồng vốn TPCP, nên UBND tỉnh phải tạm ứng ngân sách 30 tỷ đồng để thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ dự án.
* Điều chỉnh vốn là cần thiết
Năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư là 372,777 tỷ đồng, từ nguồn TPCP. Trong đó, chi phí xây dựng 209,896 tỷ đồng, chi phí bồi thường GPMB 111,437 tỷ đồng, chi phí tư vấn và chi khác 26,315 tỷ đồng và dự phòng 25,129 tỷ đồng. Tuy nhiên theo UBND tỉnh, tổng mức đầu tư của dự án trong giai đoạn hiện nay không thể dừng lại ở mức 372,777 tỷ đồng mà dự kiến mức đầu tư của toàn dự án khoảng 696 tỷ đồng, tăng 223 tỷ đồng so với tổng mức được duyệt. Cụ thể là, xây lắp tăng 12 tỷ, bồi thường tăng 287,5 tỷ đồng, chi phí tư vấn và chi khác tăng 20 tỷ đồng, dự phòng tăng 3,5 tỷ. Nguyên nhân, do thời gian thi công dự án kéo dài; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước có sự thay đổi. Đó là, Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 8/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện có hiệu lực đầu tháng 6/2010. Vì vậy, các khoản bồi thường về đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất tăng so với giá trị bồi thường được duyệt năm 2009.
Trong khi đó, đến cuối năm 2011, dự án được Chính phủ bố trí 172,2 tỷ đồng bằng vốn TPCP. Và trong giai đoạn 2012-2015, dự án được Bộ KH&ĐT bố trí 200 tỷ đồng. Nghĩa là, dự án còn thiếu 323 tỷ đồng, nếu không được Chính phủ bổ sung thì dự án khó có thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Bài, ảnh: Phú Đức