(QNg)- Ngày giỗ cha lần thứ 7 cũng là ngày 3 đứa trẻ ấy mất thêm người mẹ thân yêu. Không nơi nương tựa, các em như chim non chẳng còn tổ ấm, bơ vơ, thiếu ăn, bỏ học...
TIN LIÊN QUAN |
---|
20 ngày nay, 3 đứa bé mồ côi quê ở tận đảo Bé - xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn sống côi cút trong căn nhà nhỏ. Mọi thứ trong nhà đều không còn từ gạo, mắm, nước ngọt, các em chẳng biết kêu ai!
* Biết người nào lo…
Cơn bão số 1 năm 2012 tràn qua đảo Bé, khiến hòn đảo nhỏ bị cô lập nhiều ngày. Vào thời khắc khi bão qua, 3 chị em Duyên, Thắm, Hiền đã nhận được tin mẹ Đặng Thị Lắm qua đời ở bệnh viện. "Cơn bão lòng" đè nặng, các em bỏ ăn, nằm liệt giường mấy ngày. Bà con lối xóm đến động viên, chia sẻ, giúp đỡ, cơm nước cho các em trong những ngày khó khăn ấy. Rồi đau thương cũng vơi đi phần nào. Thế nhưng, mẹ mất đi, mọi thứ trong nhà chẳng ai lo toan, em Nguyễn Văn Duyên đành phải rời xa hai đứa em đi làm thuê kiếm cơm. Em Nguyễn Thị Thắm, đang là học sinh lớp 8 Trường THCS An Vĩnh cũng bỏ học. Em Thắm cho chúng tôi biết: "Con rất muốn tiếp tục đi học, nhưng do ở đảo Bé không có trường cấp 2, nên phải mang gạo, tiền ăn sang đảo Lớn trọ học. Khi mẹ mất, chẳng có ai cho tiền con lo chuyện học nữa, con đành nghỉ học cô ạ".
Hai chị em Nguyễn Thị Thắm và Nguyễn Văn Hiền. |
Còn em trai út Nguyễn Văn Hiền, đang học lớp 5 Trường tiểu học An Bình. Trường ở gần nhà, đoạn đường đến lớp không xa, nhưng nắng gắt đất đảo, cộng với ăn không đủ chất, có hôm đi học về em xỉu giữa đường. Hôm chúng tôi đến, trong nhà hai chị em Thắm và Hiền chẳng còn hạt gạo nào nấu cơm. Hai đứa dắt nhau về bà ngoại cũng ở trên đảo Bé. Gia cảnh bà ngoại Trần Thị Thinh cũng nghèo khổ. Bà Thinh là hộ nghèo nhất, nhì đảo. Cuộc sống hàng ngày chỉ dựa vào suất trợ cấp hộ nghèo ít ỏi. Bản thân bà lại mang bệnh tiểu đường, ung thư dạ dày, viêm đa khớp, các cấp chính quyền phải thường xuyên cứu tế giúp bà chữa bệnh, mua gạo. Vì thế, thương các cháu nhưng bà Thinh chẳng giúp được gì nhiều cho các cháu mình.
Bà Thinh vuốt nhẹ mái tóc hoe vàng của thằng cháu ngoại mồ côi Nguyễn Văn Hiền, nói: "Cha nó là Nguyễn Văn Lương đã chết cách đây 7 năm rồi khi đi đánh cá ngoài Hoàng Sa. Tội nghiệp, cả cha lẫn mẹ qua đời, nhưng các cháu đều không biết phần mộ cha mình ở đâu". Bởi, cha của các em đã bị rớt xuống biển khi cố neo tàu vào bờ trú bão và vĩnh viễn nằm lại với Hoàng Sa. Còn mẹ các em - chị Đặng Thị Lắm, vì mất vào đúng lúc biển động, nên cũng đành phải gửi thân ở đất liền, chỉ có một vài người họ hàng xa đưa tiễn…
* Hãy cho các cháu một điểm tựa
"Thằng Duyên nó đi làm thuê, thôi thì cũng chẳng sợ đói. Còn hai đứa nhỏ giờ không biết lấy gì mà chăm lo đây" - bà Thinh nói trong nước mắt. Bà Thinh đang nghĩ đến thằng cháu ngoại Trần Văn Hiền còn vài tháng nữa là học xong tiểu học, phải chuyển qua đảo Lớn tiếp tục học cấp 2. Ở nơi xa tít này, việc từ đảo Bé sang đảo Lớn học cũng giống như từ huyện lên tỉnh học vậy. Nào tiền trọ học, tiền ăn, tiền tàu đi về mỗi tuần từ trường về đảo Bé, tính chung cũng tốn cả vài ba trăm nghìn mỗi tháng. Hàng ngày, hai đứa trẻ gạo không đủ nấu, nước ngọt chẳng đủ dùng, lấy tiền đâu mà tiếp tục con đường học tập?
Tuần đầu tiên khi nghỉ học, em Nguyễn Thị Thắm đã khóc sưng húp cả mắt. "Em nhớ trường, nhớ bạn, muốn đến lớp, nhưng điều kiện gia đình cha mẹ đã qua đời hết, em đành phải nghỉ học thôi. Cô giáo, bạn bè động viên em tiếp tục đi học, nhưng em không còn điểm tựa nào để lo cho em cắp sách đến trường" - Thắm nghẹn ngào tâm sự. UBMTTQVN huyện Lý Sơn và chính quyền xã An Bình đã đến nhà động viên và hứa giúp đỡ các cháu. Ông Võ Xuân Thành - Chủ tịch UBMTTQVN huyện cho biết: "Nếu cháu Thắm đi học trở lại, huyện sẽ hỗ trợ 20kg gạo/tháng cho đến hết cấp 3". Thế nhưng, đối với học sinh đảo Bé, kể từ khi bước sang cấp 2, ngoài gạo ăn, các em còn phải tốn thêm nhiều thứ tiền khác như thuê nhà trọ, chi phí vé tàu, tiền mua quần áo, sách vở, bút…
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Bình đề nghị: "Mong cấp trên quan tâm đưa hai em Thắm và Hiền về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để các em có điều kiện về nơi ăn, chốn ở tiếp tục cắp sách đến trường. Bởi vì hai em đã mồ côi, không còn nơi nương tựa, xóm làng, bà con có giúp đỡ cũng chẳng thể chăm lo chu đáo cho các em như trung tâm được".
Bài, ảnh: Thanh Nhị