(QNĐT)- Huyện miền núi Sơn Hà có 14 xã, thì trong đó 6 xã nằm ven bờ 3 con sông lớn. Đời sống của nhiều người dân thuộc 6 xã này những năm qua gặp không ít khó khăn chỉ vì thiếu những chiếc cầu bắc qua sông.
Thôn Gò Rộc và thôn Tà Màu, xã Sơn Trung có trên 300 hộ dân với 920 nhân khẩu bao đời nay luôn trong tình trạng biệt lập với thế giới bên ngoài vì nằm bên kia bờ sông Rin. Một chiếc cầu nhỏ bắc qua sông luôn là ước mơ cháy bỏng của nhiều người dân nơi đây từ bao đời nay.
Vì không có cầu, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm qua sông trên những chiếc thuyền vào mùa mưa lũ khi có việc cần |
Điều đáng nói, chính vì chưa có cầu bắc qua sông, nên dù chỉ cách trung tâm xã Sơn Trung 4 km nhưng người dân ở 2 thôn này phải bơi, lội hoặc đi đường vòng xa hàng chục cây số. Khổ nhất là các em học sinh, muốn học chữ phải vất vả đi bộ một quãng đường dài để đến trường ở trung tâm xã, huyện.
Ông Đinh Văn Đỗ ở thôn Gò Rộc cho biết: Hằng ngày, con gái ông là Đinh Thị Lê đang học lớp 3 tại Trường tiểu học Sơn Trung phải đi bộ hơn 12km nếu không muốn vượt sông. Vừa mất thời gian lại vừa ảnh hưởng đến sức khỏe. “Thương con mà không biết làm thế nào. Đứa trẻ nào ở thôn muốn đi học đều phải chịu cảnh này…”- Ông Đỗ buồn rầu nói.
Không riêng gì các em học sinh, hàng ngàn người dân trong xã khi có việc cần đi lại giữa các thôn này cũng đều phải chịu chung cảnh “gần nhà xa ngõ”. Đó là chưa kể đến những lúc đau ốm, cấp cứu cần lên trạm y tế xã, nhiều người dân chỉ biết khóc ròng.
Ông Đinh Văn Đào, thôn Làng Nà, xã Sơn Trung cho biết: Trong nhiều trường hợp khẩn cấp, chúng tôi phải bấm bụng lội hay đi thuyền nan qua sông để tiết kiệm thời gian. Biết như vậy là rất nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa lũ vì năm nào dòng sông Rin cũng cướp đi vài mạng người trong xã. Nhưng vì không có cầu nên đành nhắm mắt làm liều…
Đời sống kinh tế của đồng bào H're bên kia dòng sông Rin vẫn còn lắm khó khăn và biệt lập |
Thiếu chiếc cầu bắc qua sông không chỉ gây khó khăn trong việc đi lại và đời sống sinh hoạt của hơn 300 hộ dân mà còn tạo ra nhiều rào cản khác về kinh tế.
Ông Đinh Văn Đào than thở: Dân ở đây chủ yếu sống dựa vào cây mỳ. Đến mùa thu hoạch, vì không có cầu, chúng tôi phải chi ra một số tiền lớn cho việc vận chuyển nguyên liệu sang Nhà máy mỳ Sơn Hải bên kia bờ sông Rin.
Ông Đinh Văn Viên- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trung thì cho biết: Điều kiện giao thông không thuận lợi đã tạo nên sự cản trở lớn đối với đời sống kinh tế và tinh thần của nhiều người dân nơi đây. Tỷ lệ hộ nghèo ở 2 thôn Tà Màu và Gò Rộc nằm bên kia bờ sông Rin hiện chiếm cao nhất trong toàn xã.
Vấn đề xây cầu giúp dân ổn định cuộc sống đã được đem ra bàn luận rất nhiều lần trong chương trình 134,135 từ cách đây nhiều năm. Nhưng hiện kế hoạch đó vẫn còn nằm trên giấy, vì thiếu kinh phí xây dựng.
Ông Đinh Văn Viên cho biết thêm: Đây cũng là vấn đề nóng trong các cuộc tiếp xúc cử tri hằng năm. Nhưng vì không thuộc thẩm quyền nên chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài việc chờ đợi.
Những chiếc cầu bắc qua sông luôn là ước mơ cháy bỏng của nhiều người dân Sơn Hà từ bao đời nay. |
Không riêng gì ở xã Sơn Trung, mà còn hàng chục ngàn người dân ở các xã khác nằm dọc bờ sông Re, sông Rin, sông Xà Lò như: Sơn Hải, Sơn Ba, Sơn Cao, Sơn Thủy… đang chịu chung cảnh phải đi đường vòng hàng chục cây số để đến trung tâm xã và thị trấn Di Lăng vì không có cầu.
Ông Dương Viết Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: Huyện Sơn Hà với đặc trưng là có 3 con sông lớn chảy qua khiến cho việc đi lại của người dân ở 6/14 xã hết sức khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ. Chính quyền địa phương vẫn đang nỗ lực vận động mọi nguồn lực, đề xuất việc xây cầu lên cấp trên và trung ương nhưng vẫn chưa thấy kết quả như mong đợi.
Ông Thanh bức xúc nói: “Rất mong cấp trên quan tâm xây cầu vượt lũ cho bà con để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Bởi những chiếc cầu bắc qua sông chính là đòn bẫy thúc đẩy kinh tế ở vùng quê nghèo nơi miền núi còn nhiều khó khăn như hiện nay”.
Thanh Phương